Giảm 2% thuế VAT: 'Liều thuốc' kích cầu tiêu dùng
Từ hôm nay (1/7) cho đến hết ngày 31/12/2023, Thuế giá trị gia tăng (GTGT) chính thức được điều chỉnh giảm xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế GTGT 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định. Đây là giải pháp được cho là sẽ tác động mạnh đến kích cầu tiêu dùng thời gian tới.
Thêm giải pháp tiếp sức người dân và doanh nghiệp
Ngày 24/6 vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong đó quyết nghị giảm 2% Thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay. Như vậy, Thuế GTGT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá tác động của giải pháp này đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giảm Thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023. Còn đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm Thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí tiêu dùng cho người dân. Đối với các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu Thuế GTGT thuế suất 10% sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ở góc độ DN, Trưởng phòng điều hành miền Bắc MM Mega Market Việt Nam Nguyễn Anh Phương cho biết, trung bình mỗi tháng MM Mega Market Việt Nam đón hơn 1 triệu khách hàng, tiêu thụ hơn 30.000 mặt hàng. Việc được giảm 2% Thuế GTGT sẽ trực tiếp làm giảm giá thành cuối cùng đến khách hàng từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. DN này kỳ vọng, doanh số bán hàng từ đầu tháng 7 sẽ bùng nổ khi chính thức áp dụng giảm 2% Thuế GTGT.
Ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! khu vực miền Bắc cho biết: Giảm thuế là một việc rất thiết thực. Mỗi một ngày khách hàng có thể mua hàng không nhiều nhưng cộng dồn trong tháng thì giảm thuế 2% sẽ là một phần tiết kiệm thêm cho khách hàng.
Còn theo ông Chu Hưng Lê Huy- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khí công nghiệp Huy Hoàng (Hà Nội), từ đầu năm đến nay, do tình hình sản xuất của các DN gặp nhiều khó khăn nên lượng sản phẩm tiêu thụ của công ty bị giảm nhiều so với các năm trước. Cùng với đó, chi phí đầu vào, đơn cử lãi suất ngân hàng cao, tuy mới đây các ngân hàng đã có sự điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không nhiều. Trong bối cảnh đó, việc giảm Thuế GTGT sẽ giúp DN giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, cải thiện được dòng tiền. Các DN thuộc nhiều ngành hàng khác nhau cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này vì giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ hạ nhiệt.
Còn ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital cho rằng việc giảm thuế VAT có 3 tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn. Việc tăng chi, giảm thu sẽ không tạo sức ép nợ cho các năm sau. Do đó, đây là chính sách rất hợp lòng dân, DN.
Khơi thông thị trường
Phân tích về chính sách giảm thuế, TS Mạc Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, giảm thuế GTGT 2% sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, góp phần hỗ trợ DN, người dân, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm, làm tăng cung - cầu trong nước, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Còn chuyên gia kinh tế -TS Vũ Tiến Lộc thì khẳng định, DN Việt Nam đang gặp khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là thị trường. Trong khi thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, thì rất cần phải khơi thông thị trường trong nước. Một trong những biện pháp rất quan trọng hỗ trợ cho người dân và DN là áp dụng chính sách giảm thuế.
Thực tế, trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai thị trường trong nước, việc kích cầu thị trường nội địa là giải pháp vô cùng quan trọng. “Việc Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT 2% trong thời gian tới là một chủ trương đúng đắn và có thể phát huy tác dụng ngay” - ông Lộc khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Vũ Xuân Trường - Giảng viên Khoa Marketing, Đại học Thương mại cho rằng: Giảm Thuế GTGT sẽ thúc đẩy động lực sản xuất cho DN. Thêm nữa, hàng hóa giảm giá thì tất yếu kích cầu mua sắm.
Đòn bẩy tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm Thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng đối với người tiêu dùng, vì việc giảm Thuế GTGT cho các hàng hóa nghĩa là giá cả sẽ hạ xuống, người tiêu dùng sẽ được mua hàng hóa với giá rẻ hơn, từ đó người tiêu dùng tiết kiệm được tiền, họ sẽ tăng cường mua hàng hóa, từ đó thúc đẩy tiêu dùng tăng lên.
Đối với DN, trong thời gian qua, việc giảm Thuế GTGT sẽ có tác động nhiều chiều. Việc giảm thuế sẽ giúp tiêu thụ của thị trường trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của DN cũng giảm từ đó hạ giá thành sản xuất. Như vậy, DN được lợi nhiều chiều từ chính sách này.
Vấn đề khó khăn nhất trong thời gian đầu năm là các đơn hàng xuất khẩu của chúng ta gặp khó khăn, làm cho hàng hóa ứ đọng, vòng quay vốn bị ngưng trệ. Với việc giảm giá hàng tiêu dùng trong nước thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên, hàng hóa của các DN vào thị trường nội địa sẽ tốt lên. Hy vọng từ nay đến cuối năm, nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và DN sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.
T.Hằng (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-2-thue-vat-lieu-thuoc-kich-cau-tieu-dung-5721956.html