Giảm áp lực tiêu thụ thanh long nhờ liên kết chế biến
Trong bối cảnh trái thanh long đang bị rớt giá, khó tiêu thụ, việc các cấp ngành hỗ trợ doanh nghiệp, HTX áp dụng công nghệ chế biến sâu tại các vùng nguyên liệu, hay việc HTX hỗ trợ người dân thu mua thanh long được coi là hướng đi kịp thời, góp phần giảm áp lực tiêu thụ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có hơn 64 nghìn ha trồng cây thanh long tại hầu hết các tỉnh thành, trong đó 3 địa phương có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất là: Bình Thuận (33 nghìn ha), Long An (gần 12 nghìn ha), Tiền Giang (9,6 nghìn ha).
Giá rớt sâu cũng vẫn khó bán
The đánh giá, sản lượng thanh long cả nước năm 2021 đã tăng gấp đôi so với năm 2015, với gần 1,4 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015).
Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra cho thanh long chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết 75% sản lượng thanh long hiện được xuất khẩu Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu qua đường bộ.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến tình trạng thanh long khó tiêu thụ. Nhiều xe hàng thanh long bị dồn ứ tại các cửa khẩu.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đó là còn chưa tính sản lượng thanh long còn ở trên cây.
Bình Thuận là thủ phủ thanh long của cả nước, nhưng hiện nay, một lượng lớn thanh long đang vào vụ thu hoạch vẫn chưa tìm được đầu ra khiến người dân, các thành viên HTX rơi vào bế tắc.
Ông Trần Văn Dũng, thành viên HTX nông sản VCCU Bình Thuận, cho biết giá thanh long quá rẻ, chỉ còn 500-1.000 đồng/kg. Không ít hộ bị thua lỗ phải bỏ vườn cây, chặt cây, bán đất trang trải nợ ngân hàng.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận chia sẻ tỉnh có khoảng 33.000 ha trồng thanh long với sản lượng 700.000 tấn/năm. Trước đây, loại nông sản này chủ yếu tiêu thụ theo hình thức quả tươi ở thị trường Trung Quốc. Do dịch Covid 19 mà việc tiêu thụ thanh Long của Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng khó khăn về đầu ra, giá thanh long loại đẹp ở Long An hiện chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc HTX Vạn Thành (Châu Thành) cho biết sản xuất và kinh doanh thanh long trong thời điểm hiện nay gặp rất nhiều rủi ro bởi đầu ra khó khăn, giá thấp, trong khi giá xăng dầu tăng khiến giá cước vận chuyển tăng cao.
“Nếu không kiên định và tìm phương án kinh doanh phù hợp, các HTX rất dễ thất bại”, ông Thành nói.
Liên kết mở đầu ra
Trước những bất cập trên, với vai trò hỗ trợ thành viên, nhiều HTX thanh long trên cả nước đang tích cực tìm hướng tiêu thụ loại nông sản này cho người dân.
Tiêu biểu như HTX Vạn Thành, thay vì sản xuất đơn lẻ, chủ yếu xuất sang Trung Quốc nay đã chuyển sang tập trung tiêu thụ nội địa bằng cách liên kết với doanh nghiệp chế biến, đẩy mạnh thu mua số lượng lớn thanh long cho người dân.
Giám đốc Nguyễn Vạn Thành cho biết cứ khi nào HTX có hàng, doanh nghiệp sẽ cho người xuống thu mua hết. Mỗi đợt, HTX xuất kho ít nhất vài trăm tấn thanh long cho doanh nghiệp.
Nếu giá thanh long ở mức 500-1.000 đồng/kg nhưng nếu là của thành viên HTX sẽ được mua với giá 3.000-4.000 đồng/kg. Điều này giúp thành viên gỡ gạc lại phần nào chi phí bỏ ra.
Cũng giống như HTX Vạn Thành, HTX nông sản VCCU Bình Thuận đang đẩy mạnh thu mua thanh long tươi của người dân và thành viên, sau đó liên kết với doanh nghiệp chế biến nhằm thông đầu ra cho loại quả đặc trưng của địa phương.
“Trong lúc khó khăn, may mắn gia đình chúng tôi tham gia HTX có hợp đồng bao tiêu với Công ty cây Phúc Hà nên vẫn đang được mua thanh long với giá 3.000 đồng/ kg để đưa vào hệ thống sấy”, ông Trần Văn Dũng, một nông dân địa phương chia sẻ.
Có thể thấy, việc HTX liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu trái thanh long không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn hạn chế áp lực trong tiêu thụ cho người trồng tại các địa phương. Và trong mối liên kết này không thể thiếu vai trò của HTX cũng như doanh nghiệp.
Chẳng hạn như công ty TNHH nước ép Phúc Hà hiện đang có hợp đồng liên kết tiêu thụ với 4 HTX trồng thanh long: HTX thanh long Global GAP Thu Lê, HTX thanh long Bắc Bình, HTX thanh long Bắc Bình Thuận, HTX nông sản VCCU Bình Thuận với tổng diện tích bao tiêu gần 100 ha.
Bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty Phúc Hà cho biết: “Với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT về vốn cũng như gắn kết với các HTX, doanh nghiệp đang hoàn thiện chuỗi sản xuất thanh long sấy dẻo để xuất sang Trung Đông. Điều này giúp bà con hạn chế tình trạng chặt phá thanh long chuyển sang trồng cây khác”.
Hay như công ty cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn đã kết nối với công ty TNHH nước ép Phúc Hà hình thành khu bảo quản và chế biến thanh long sấy dẻo với công suất lên đến hơn 600 tấn/tháng. Doanh nghiệp này cũng liên kết trực tiếp với các HTX, liên hiệp HTX, các hiệp hội ở Bình Thuận để có nguồn nguyên liệu ổn định. Đặc biệt, chế biến theo hình thức sấy sẽ giúp bảo quản được nông sản lâu dài, vừa nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ông Nông Ngọc Trung – Chủ tịch Công ty cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Diễn đàn 970 của Bộ NN&PTNT nhằm giảm áp lực tiêu thụ trái cây tươi cho người dân, HTX bằng việc ưu tiên đầu tư máy móc xuống trực tiếp các vùng nguyên liệu để giải quyết nhu cầu chế biến nông sản đang cấp bách dưới các địa phương. Sau đó phối hợp với các doanh nghiệp chế biến lớn để hình thành các trung tâm chế biến nông sản cấp vùng".
Dịch Covid-19 đã khiến không chỉ thanh long mà nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về đầu ra, nông dân, thành viên HTX chịu nhiều thiệt hại. Từ thực tế này, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, chú trọng đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp hiệu quả, căn cơ nhất để giải quyết về đầu ra cho nông sản.
Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, nếu các vùng vải ở tỉnh Bắc Giang, vùng nhãn và xoài của tỉnh Sơn La, vùng trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương, vùng trồng khoai của tỉnh Long An, vùng trồng bơ và mít ở Tây Nguyên phát triển được mô hình liên kết này sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX và giải quyết bài toán “được mùa mất giá”…