Giảm biên chế: Đã đến lúc phải làm quyết liệt, hiệu quả

Bộ máy hành chính của chúng ta quá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực là chuyện ai cũng biết từ rất lâu. Đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch, biện pháp về tổ chức nhằm giảm biên chế, giảm các cơ quan không thực sự cần thiết, thậm chí còn gây khó khăn, phiền nhiễu dân... Nhưng, dường như mỗi lần 'giảm biên chế' thì lại 'thêm ghế nhà ăn'.

Việc giảm biên chế gần như là nhiệm vụ “bất khả thi”. Bởi không ít công chức, viên chức chỉ coi cái vị trí họ đang làm là nơi kiếm tiền bằng các mánh khóe khác. Rõ ràng, cái ghế “người nhà nước” đang bị không ít người lợi dụng triệt để nhằm trục lợi.

1. Bộ máy hành chính quá cồng kềnh đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế đất nước, gây nên tình trạng lãng phí nhân lực một cách khủng khiếp, đồng thời tạo ra tư duy ỷ lại, rồi tình trạng “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”... Và, mỗi khi đưa vấn đề phải giảm biên chế ra họp bàn thì ai cũng thấy “cần thiết”, ai cũng thấy “bức xúc” nhưng khi đòi hỏi phải đưa ra giải pháp, biện pháp và đụng chạm đến đơn vị, địa phương do mình quản lý thì lại thấy có vô vàn lý do để trì hoãn hoặc không làm. Bi kịch ở chỗ không mấy ai dám nói thật, nói công khai về tình trạng bộ máy hành chính của ta. May mắn thay, đã có một người lên tiếng mạnh mẽ, đó chính là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Sáng 31/10 vừa qua, phát biểu thảo luận tại tổ ở Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương Đảng đang tập trung bàn để bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư cho hay, từ Đại hội XII, Trung ương Đảng đã đánh giá bộ máy nhà nước của chúng ta quá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, vì thế phải sắp xếp lại, sao cho tinh, gọn.

"Đất nước muốn phát triển được, muốn làm dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu tiền nữa. Còn 30% thì tiền đâu để đầu tư quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi hơn 40%. Ít nhất chúng ta phải có trên 50% ngân sách để phục vụ phát triển, quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Vô cùng sốt ruột" - Tổng Bí thư nói. Đồng chí Tổng Bí thư cũng nêu việc vì sao không thể tăng lương. Theo ông, tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ thì lương sẽ chiếm đến 80-90% chi ngân sách, sẽ không còn tiền để đầu tư các hoạt động khác... Từ những phân tích đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định cần phải tinh gọn bộ máy, tiếp tục giảm biên chế, giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay lắm bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, tạo cơ chế xin - cho. Hay, cùng một vấn đề nhưng không rõ bộ, ngành nào chủ trì. "Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn", Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh, tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được", Tổng Bí thư khẳng định.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, có nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, phải xin - cho. "Đáng lẽ địa phương làm nhưng mình vẫn giữ lấy, hỏi mãi không trả lời, mất thời gian. Giờ địa phương làm, họ chịu trách nhiệm, nguyên tắc, quy định có hết rồi làm sao phải giữ lại những chuyện đó, xong lại xin”. Tổng Bí thư cho rằng chỉ một ông chuyên viên có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại... rất mất thời gian.

Ngoài vấn đề tổ chức bộ máy, theo Tổng Bí thư còn vấn đề năng suất lao động. Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải khuyến khích thế nào đó để năng suất lao động cao so với các nước xung quanh; 40 năm qua chúng ta phát triển đã có thành tựu vĩ đại, nhưng so với mức phát triển các nước xung quanh thì chưa đạt. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, chúng ta thua rất xa.
Tổng Bí thư cũng nói thẳng quan điểm việc sắp xếp lại đang làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập, còn tỉnh chưa làm tới. Hay, mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành; còn cấp bộ, ngành vẫn chưa làm. "Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn cách thức như thế nào".

Tổng Bí thư Tô Lâm khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an là người đi tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy. Việc sắp xếp lại tổ chức của Bộ Công an lúc đầu cũng vấp phải không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, cho rằng làm như vậy là sẽ “giảm sức mạnh của Bộ Công an”. Nhưng, thực tế cho thấy rõ ràng công tác công an đã có những thay đổi tích cực. Lực lượng công an từ cấp bộ cho tới cấp xã đã nâng cao hiệu quả chiến đấu, bám sát cơ sở và chủ động đối phó, đấu tranh với những việc làm vi phạm pháp luật, ngăn chặn các âm mưu gây tổn hại tới an ninh quốc gia.

Mới đây nhất, tại buổi trao đổi với các học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp 3), Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời nêu ra 7 định hướng chiến lược, trong đó, ở định hướng thứ ba về sắp xếp lại bộ máy, Tổng Bí thư khẳng định nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Phải cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các địa phương.

2. Có một vấn đề là vì sao chúng ta chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém?

Thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 56 về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đã giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 biên chế công chức. Thực hiện Nghị quyết 56, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp với quyết tâm chính trị, thái độ quyết liệt và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đã giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục, 65 đơn vị cấp cục.

Ở các địa phương, theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh, giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định, giảm đầu mối trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị. Cơ cấu lại và làm giảm mạnh đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, sáp nhập các thôn, khu dân cư có quy mô nhỏ, giảm biên chế và người hưởng lương từ ngân sách. Các giải pháp đó đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực về bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, đối chiếu với các Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương, Nghị quyết 56 của Quốc hội, các đại biểu cho rằng còn không ít bất cập, hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu làm tỷ lệ chi thường xuyên lớn, theo đại biểu, là do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm việc tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, đầu mối tổ chức bộ máy và cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn làm chậm. Đáng chú ý, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy còn chậm.

Ai cũng hiểu việc giải quyết, sắp xếp tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm. Nhưng, đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi hằng năm chi thường xuyên chiếm hơn 70% ngân sách nhà nước.

Muốn tinh giản được bộ máy, thì rõ ràng cấp Trung ương phải gương mẫu sắp xếp. Chỉ khi nào bộ máy của cấp Trung ương gọn được thì ở địa phương mới tự giác làm theo.

Nguyễn Như Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/giam-bien-che-da-den-luc-phai-lam-quyet-liet-hieu-qua-i749943/