Giảm bớt rào cản hành chính cho doanh nghiệp thực phẩm

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm.

Dự thảo lần này đề xuất nhiều cải cách quan trọng trong thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký công bố sản phẩm và xác nhận quảng cáo thực phẩm, nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và giảm thiểu gánh nặng hành chính.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Y tế đề xuất bỏ yêu cầu dịch và công chứng tài liệu pháp lý tiếng Anh, như Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), Giấy chứng nhận xuất khẩu (EC), Giấy chứng nhận y tế (HC), Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP) trong hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu.

Thay vào đó, chỉ yêu cầu bản chính hoặc bản sao chứng thực của giấy tờ pháp lý đã được hợp pháp hóa lãnh sự. Quy định này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí khi chuẩn bị hồ sơ công bố sản phẩm.

Bộ Y tế cũng đề xuất chấp nhận bản điện tử của các giấy tờ pháp lý, bao gồm kết quả tự tra cứu giấy tờ từ trang thông tin điện tử hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền.

Cơ sở đăng ký sẽ chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và chính xác của thông tin này. Quy định này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các tài liệu liên quan mà không cần phải gửi bản cứng, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân chỉ cần dịch sang tiếng Việt những nội dung cần thiết trong kết luận nghiên cứu chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng, liều dùng, lưu ý và độ tin cậy nghiên cứu từ tài liệu khoa học tiếng Anh.

Điều này giúp giảm bớt yêu cầu dịch và công chứng toàn bộ tài liệu, đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung dịch thuật của mình.

Bộ Y tế đề xuất cho phép sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất đạt Thực hành sản xuất tốt (GMP) thay vì phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Quy định này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn GMP.

Dự thảo Nghị định đưa ra quy định rõ ràng về số lần và thời gian nộp hồ sơ bổ sung khi cơ quan quản lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau khi nhận công văn yêu cầu, tổ chức, cá nhân có 30 ngày để nộp bổ sung hồ sơ và không được nộp quá 3 lần. Quy định này giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và tránh tình trạng hồ sơ bị tồn đọng lâu.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc nhập khẩu thực phẩm phục vụ viện trợ từ thiện không phải công bố, nhưng phải đăng ký kiểm tra nhà nước và đảm bảo an toàn sản phẩm. Các tổ chức từ thiện phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sử dụng đúng đối tượng, không được để sản phẩm lưu hành ra thị trường.

Bộ Y tế đề xuất bỏ yêu cầu nộp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, và mẫu nhãn sản phẩm trong hồ sơ xác nhận quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học. Điều này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và giúp doanh nghiệp dễ dàng thay đổi phương tiện quảng cáo mà không phải đăng ký lại.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bỏ yêu cầu nộp giấy chứng nhận GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước khi đăng ký bản công bố sản phẩm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước trong quá trình đăng ký công bố sản phẩm.

Bộ Y tế sẽ xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương để giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý chất lượng sản phẩm. Đây là một trong những biện pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dự thảo đề xuất bỏ quy định đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới hoặc phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng. Thay vào đó, các phụ gia này sẽ tự động được cập nhật vào danh mục phụ gia theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bộ Y tế đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa một số thủ tục hành chính liên quan đến kiểm nghiệm thực phẩm, như yêu cầu giảm bớt hồ sơ khi đăng ký kiểm nghiệm thực phẩm và bãi bỏ một số thủ tục kiểm tra giám sát định kỳ cơ sở kiểm nghiệm.

Thông qua các cải cách trong thủ tục hành chính, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình đăng ký sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này trước khi chính thức ban hành. Các doanh nghiệp và tổ chức liên quan có thể tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật này.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-bot-rao-can-hanh-chinh-cho-doanh-nghiep-thuc-pham-d248278.html