Giảm chóng mặt khi mang thai

Những thay đổi khi mang thai như huyết áp giảm, thiếu máu hay mất nước có thể khiến bà bầu cảm thấy lâng lâng, chóng mặt hoặc muốn ngất xỉu.

 Chóng mặt, cảm giác lâng lâng là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai. Ảnh: Babycharka.

Chóng mặt, cảm giác lâng lâng là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai. Ảnh: Babycharka.

Chóng mặt hoặc cảm thấy muốn ngất xỉu là triệu chứng bình thường khi mang thai. Nó phổ biến hơn trong ba tháng đầu tiên, nhưng bà bầu cũng có thể gặp phải tình trạng này trong suốt thai kỳ.

Nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai

Theo Mom Love Best, nhiều thay đổi xảy ra trong cơ thể bạn khi bạn mang thai, vì vậy, có thể có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt. Dưới đây là những lý do chính:

Huyết áp thấp

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, các hormone làm giãn mạch máu của người mẹ để cung cấp đủ máu cho em bé. Tuy nhiên, lượng máu trong cơ thể có thể không theo kịp với hệ thống tuần hoàn mở rộng. Kết hợp điều đó với lượng máu đến tử cung tăng lên, huyết áp có thể giảm xuống thấp hơn bình thường. Điều này dễ dẫn đến giảm lưu lượng máu đến não, khiến bạn cảm thấy chóng mặt tạm thời, đặc biệt là khi đứng lên hoặc thay đổi tư thế nhanh chóng.

Lượng đường trong máu thấp

Khi đang phải vật lộn với chứng buồn nôn, ốm nghén hoặc chán ăn khi mang thai, bạn có thể khó ăn đủ lượng calo cần thiết để duy trì cơ thể - đặc biệt nếu cơn buồn nôn kéo dài và nghiêm trọng. Điều này có thể gây sụt giảm lượng đường trong máu, dẫn đến chóng mặt, đổ mồ hôi, run và choáng váng.

Lưu lượng máu bị hạn chế

Khi bụng dần lớn lên, tử cung bắt đầu gây áp lực lên các mạch máu bên trong, hạn chế lưu lượng máu. Đó là lý do khi bạn nằm ngửa trong tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể bị chóng mặt. Đó cũng là nguyên nhân khiến bạn nên tránh các bài tập liên quan đến nằm ngửa.

Tư thế ngủ kém

Nếu nằm ngửa khi ngủ vào cuối thai kỳ, bạn sẽ tạo thêm áp lực lên mạch máu lớn mang máu từ phần dưới cơ thể trở về tim. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy chóng mặt cho đến khi bạn thay đổi tư thế và lưu lượng máu được phục hồi.

Mất nước

Bạn rất dễ bị mất nước khi mang thai, đặc biệt nếu không thể giữ được nhiều nước do nôn mửa hoặc thường xuyên đi vệ sinh. Thật không may, mất nước cũng có thể góp phần gây ra tình trạng quá nóng và cảm giác chóng mặt, choáng váng.

Tiền sản giật

Tiền sản giật, tình trạng mà 3-7% phụ nữ mắc phải trong giai đoạn cuối thai kỳ, có thể gây chóng mặt. Vấn đề này cần được coi trọng vì có thể gây ra những biến chứng nặng cho cả mẹ và bé, bao gồm cả nguy cơ tử vong.

Thiếu máu

Khi mang thai, cơ thể cần tạo ra nhiều máu hơn để đáp ứng nhu cầu của bạn và em bé. Nếu bạn không nhận đủ chất sắt, folate hoặc cobalamin trong chế độ ăn uống của mình, cơ thể không sản xuất được số lượng tế bào hồng cầu cần thiết để tạo ra lượng máu dư thừa này. Nó cũng có thể không sản xuất đủ huyết sắc tố, loại protein bên trong các tế bào hồng cầu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy.

 Nằm ngửa khi ngủ, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ, có thể khiến bà bầu bị chóng mặt, mệt mỏi. Ảnh: Verywellfamily.

Nằm ngửa khi ngủ, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ, có thể khiến bà bầu bị chóng mặt, mệt mỏi. Ảnh: Verywellfamily.

Cách giảm chóng mặt cho bà bầu

Có một số điều phụ nữ có thể làm để ngăn ngừa chóng mặt khi mang thai.

Giữ nước

Uống nước trong suốt cả ngày để đảm bảo bạn luôn đủ nước. Các bác sĩ khuyên bạn nên uống từ 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày, hoặc đủ để nước tiểu của bạn trong hoặc có màu vàng rất nhạt. Điều chỉnh lượng này nếu trời nóng hoặc nếu bạn đang tập thể dục.

Sữa, sữa chua, sinh tố, nước trái cây, trà và cà phê cũng được tính vào lượng chất lỏng hàng ngày của bạn. Tránh đồ uống có cồn và đường, đồng thời hạn chế lượng caffein hàng ngày của bạn dưới 200 mg. Duy trì lượng nước thích hợp có thể giúp bạn chống lại các triệu chứng phổ biến khác khi mang thai, bao gồm mệt mỏi, táo bón, trĩ và phù nề/giữ nước.

Không tập thể dục quá sức

Tập luyện quá sức có thể khiến bạn trở nên lâng lâng và quá nóng. Mặc dù các bác sĩ thường khuyên bạn nên tập thể dục khi mang thai, điều quan trọng là bạn phải lắng nghe cơ thể mình và không tập luyện quá sức.

Ngủ nghiêng bên trái

Lưu lượng máu đến thai nhi là tối ưu khi bạn ngủ nghiêng về bên trái. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ngồi thoải mái, hãy thử dùng gối bà bầu để nâng đỡ bụng và đệm hông. Bạn cũng có thể đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để giúp chống đỡ chúng và không gây áp lực lên lưng và hông.

Ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên

Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp bạn chống táo bón, giữ cho lượng đường trong máu ổn định suốt cả ngày, ngừa cảm giác lâng lâng.

Mặc quần áo rộng rãi

Tuần hoàn kém hoặc hạn chế có thể góp phần gây chóng mặt. Khi mặc quần áo, hãy chọn đồ thoải mái, không hạn chế lưu thông máu hoặc khiến bạn quá nóng. Chọn các loại vải thoáng khí không quá chật.

Đừng quên chọn đồ lót cũng không được quá chật - đặc biệt là áo ngực. Khung xương sườn và ngực của phụ nữ to ra trong suốt thai kỳ, vì vậy, hãy chuyển sang cỡ áo ngực lớn hơn nếu bạn thấy nó bắt đầu khó chịu và cản trở lưu lượng máu.

Đứng dậy từ từ

Khi bạn đứng lên, máu dồn xuống chân, có thể gây tụt huyết áp tạm thời và dẫn đến chóng mặt. Vì vậy, khi chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng, hãy thực hiện từ từ để hệ tuần hoàn của bạn có thời gian bắt kịp.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-chong-mat-khi-mang-thai-post1429065.html