Giảm 'dấu chân carbon' bằng những tòa nhà xanh
Tại một sự kiện về phát triển bền vững diễn ra mới đây, ông Tan Boon Thor, Giám đốc khối bất động sản thương mại và quản lý thiết kế tại Frasers Property Vietnam cho biết, hiện nhiều khách hàng chỉ thuê những công trình có chứng nhận xanh. Với các khu công nghiệp, nhiều nhà đầu tư cũng kiểm tra kỹ càng xem công trình họ sắp thuê có thực sự xanh như giấy chứng nhận hay không.
Câu chuyện này cho thấy công trình xanh ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm. Khái niệm tòa nhà xanh có thể còn mới với doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, với các tập đoàn đa quốc gia thì đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn, thuê mở văn phòng.
Với người dân cũng vậy! Trước đây, khi đi mua nhà, họ chỉ mong có được chốn an cư, đi lại thuận tiện, thì nay đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Dự án công trình xanh, chú trọng vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu với lượng bán tốt vượt trội so với những dự án khác.
Công trình xanh không phải là công trình có nhiều cây xanh như nhiều người vẫn nghĩ. Hội đồng Công trình xanh thế giới định nghĩa: công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường.
Theo số liệu của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đến hết quý II.2024, Việt Nam có 476 công trình xanh với 11,489 triệu mét vuông sàn đạt chứng nhận xanh. Trong đó, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 37,8%; công trình nhà ở 36,3%; công trình văn phòng 11,88%; cơ sở lưu trú 6,52%...
Kết quả này vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 280/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Nhưng, nếu so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động; so với tiềm năng và yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; và so với nhu cầu của nhà đầu tư thì con số trên còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hiện chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh nhằm hạn chế tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính thì có rất nhiều việc phải làm nếu soi vào những rào cản hiện nay. Chẳng hạn, định mức kinh tế kỹ thuật, suất đầu tư cao là mối lo lớn của chủ đầu tư công trình xanh. Chi phí ban đầu để thực hiện một dự án công trình xanh cao hơn 1,2 - 10% so với dự án thông thường. Bên cạnh đó, giá năng lượng ở nước ta còn tương đối thấp nên cũng chưa thúc đẩy được các công trình hướng tới hiệu quả năng lượng…
Cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, lãi suất thấp đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng đã được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định 21/2011/NĐ-CP. Vậy nhưng, thực tế tổng kết triển khai Luật này cho thấy, chủ doanh nghiệp, công trình tiết kiệm năng lượng khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hoặc khó tiếp cận với cơ chế tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Việt Nam đã cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng là quốc gia chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu nên không thể đứng ngoài xu hướng này. Ngoài ra, trước xu hướng chủ đạo của bất động sản toàn cầu chú trọng yếu tố xanh, bền vững, Việt Nam buộc phải chủ động hơn trong phát triển công trình xanh để giữ sức hút và đạt mục tiêu trong cuộc đua giảm phát thải toàn cầu. Theo đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công trình xanh và xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên. Chẳng hạn, ưu đãi lãi suất, thuế, phí cho các chủ đầu tư công trình xanh; tạo thuận lợi về thủ tục hồ sơ cho công trình tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cũng cần được thường xuyên rà soát, sửa đổi nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xanh…
Siêu bão số 3 vừa qua thêm chứng tỏ biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt. Hậu quả cơn bão để lại cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của ngành xây dựng trong việc kiến tạo nên nhiều tòa nhà xanh, nhiều đô thị xanh, thông minh, hướng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng với biến đổi khí hậu.