Giám định xã hội hiệu quả sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025

Ngày 31.5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo Giám định xã hội (GĐXH) hiệu quả sau hơn 3 năm (7.2020-12.2023) thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bà Dương Thị Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì hội nghị.

Sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại chợ Suối Dây (huyện Tân Châu).

Sản phẩm OCOP được trưng bày, quảng bá tại chợ Suối Dây (huyện Tân Châu).

Qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình vượt 1/3 chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, đã khơi dậy tiềm năng và lợi thế của nông thôn trên địa bàn tỉnh; một số chủ thể sản xuất sáng tạo ra các dây chuyền công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất, giảm lao động như: Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Công ty TNHH Tân Nhiên.

Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, đem lại giá trị cao, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn được các giá trị văn hóa, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học như: muối ớt, muối tôm, các món ăn chay, rau rừng tổng hợp… góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Kết quả, đến ngày 31.12.2023, toàn tỉnh có 49 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, với 92 sản phẩm từ 3 sao đến 4 sao, bao gồm 71 sản phẩm được xếp hạng 3 sao; 21 sản phẩm xếp hạng 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện còn có những mặt hạn chế, thiếu sót chưa được kiểm tra, chấn chỉnh. Qua công tác GĐXH về hiệu quả trong quá trình thực hiện Chương trình tại các huyện cho thấy nhiều chủ thể sản phẩm OCOP chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình; một số cán bộ được phân công làm nhiệm vụ của cấp huyện, xã cũng chưa hiểu một cách đầy đủ về những quy định của Chương trình.

Các đại biểu tham gia buổi hội thảo.

Các đại biểu tham gia buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các cơ sở, chủ thể sản xuất kiến nghị các sở, ngành có dịch vụ hỗ trợ cho chủ thể về việc lập hồ sơ, thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể về vốn và kỹ thuật để đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng cao; quan tâm hỗ trợ những chủ thể sản phẩm OCOP còn trẻ dễ tiếp thu, học hỏi cái mới, tiếp cận nhanh khoa học công nghệ, có tư duy, phương pháp kinh doanh năng động, sáng tạo nhằm mở rộng phương án sản xuất, mở rộng thị trường; có định hướng phát triển đầu ra cho các sản phẩm đạt OCOP nhằm khuyến khích, động viên các chủ thể yên tâm duy trì và phát triển các sản phẩm đạt OCOP…

Bà Dương Thị Thu Hiền cho biết, để thực hiện Chương trình OCOP đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Hội đồng GĐXH kiến nghị UBND tỉnh quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường; chú trọng phát triển dịch vụ du lịch theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành viên HTX cây ăn trái xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) thu hoạch sầu riêng

Thành viên HTX cây ăn trái xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) thu hoạch sầu riêng

Tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện Chương trình giai đoạn 2020-2025 và rà soát, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu Chương trình đến năm 2030 (nếu xét thấy cần thiết) cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương; hằng năm, tổ chức phát động phong trào thi đua, qua đó có đề nghị khen thưởng kịp thời, nhằm động viên các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình.

Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật kiến nghị tỉnh nên dành một khoản ngân sách nhất định để đầu tư, hỗ trợ, phát triển chương trình OCOP; có chính sách ưu đãi tín dụng; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng để các chủ thể tiếp cận nguồn vốn nhanh và thuận lợi nhất.

Các sở, ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ để tăng cường thông tin, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP với các tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm OCOP của tỉnh còn được quảng bá trên website, facebook, các điểm du lịch, hệ thống phân phối, trạm dừng chân trong và ngoài tỉnh, các siêu thị, Bách Hóa Xanh; làm quà tặng cho khách du lịch...

Tại buổi hội thảo, Hội đồng GĐXH trình bày nhiều tham luận về GĐXH hiệu quả sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025, cũng như đề ra những giải phát phát triển sản phẩm OCOP, tạo sức lan tỏa, từng bước khẳng định thương hiệu cho các đặc sản địa phương.

Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giam-dinh-xa-hoi-hieu-qua-sau-3-nam-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-giai-doan-2020-2025-a173528.html