Giám đốc Ernst & Young: 'Ý tưởng đào tạo lại toàn bộ lao động để dùng AI là khá ngớ ngẩn'

Những lời lẽ hoa mỹ xung quanh trí tuệ nhân tạo (AI) tại nơi làm việc có thể mơ hồ: Tự động hóa, thuật toán, năng suất, hiệu quả, ra quyết định, nâng cao kỹ năng…

Giữa sự phát triển công nghệ nhanh chóng và chậm trễ trong việc ứng dụng, vẫn còn sự không chắc chắn về cách AI sẽ định hình lại tương lai công việc.

Nhiều nhân viên lo lắng về giá trị của bản thân. Các lãnh đạo công ty vừa bị cuốn hút bởi tiềm năng lợi nhuận vừa lo lắng không theo kịp đối thủ cạnh tranh. Các nhà đầu tư và hội đồng quản trị công ty thất vọng vì những khoản lỗ mà họ đã phải gánh chịu do không hành động đủ nhanh.

Các công ty tư vấn thường đóng vai trò trung tâm trong những chuyện này. Ngay từ đầu, họ đã tự định vị mình là chuyên gia hàng đầu giúp doanh nghiệp hiểu và điều hướng làn sóng công nghệ mới nhất này.

Tuy nhiên, công việc của các hãng tư vấn đôi khi cũng mơ hồ như chính công nghệ vậy. Để làm sáng tỏ vấn đề này, trang Insider đã phỏng vấn Jason Noel, Giám đốc công nghệ mới của Ernst & Young (EY) cho bộ phận Tư vấn châu Mỹ, về việc AI thực sự có ý nghĩa gì với người lao động trong năm 2025.

Ông Jason Noel không nghĩ cần phải đào tạo lại toàn bộ lực lượng lao động để sử dụng AI - Ảnh: Internet

Ông Jason Noel không nghĩ cần phải đào tạo lại toàn bộ lực lượng lao động để sử dụng AI - Ảnh: Internet

Ernst & Young là 1 trong 4 công ty kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới, thường được gọi là Big Four cùng với Deloitte, PwC, KPMG. Có trụ sở chính tại London (thủ đô Anh), Ernst & Young cung cấp nhiều dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia, gồm:

Kiểm toán: Dịch vụ đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy của báo cáo tài chính.

Tư vấn: Cung cấp lời khuyên và giải pháp về chiến lược kinh doanh, công nghệ, quản lý rủi ro và chuyển đổi số.

Thuế: Tư vấn về các vấn đề thuế, tuân thủ quy định và lập kế hoạch thuế hiệu quả.

Tư vấn giao dịch: Hỗ trợ các hoạt động mua bán, sáp nhập, thoái vốn và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Ernst & Young có lịch sử lâu đời, được thành lập từ sự sáp nhập của Ernst & Whinney và Arthur Young & Co vào năm 1989. Từ năm 2013, công ty chính thức đổi tên thương hiệu thành Ernst & Young.

- Trước tiên, liệu người lao động có sắp mất việc không?

- Jason Noel: Đã có nhiều ý kiến nói về tỷ lệ thất nghiệp quá lớn có thể đẩy chúng ta vào cuộc Đại suy thoái tiếp theo. Tôi nghĩ cũng thú vị khi suy nghĩ về những kịch bản đó. Song thành thật mà nói, tôi không thấy điều đó đang xảy ra.

Đại suy thoái là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, bắt đầu ở Mỹ năm 1929 và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, kéo dài suốt thập niên 1930.

- Nói chung, AI sẽ được tích hợp vào công việc như thế nào trong năm tới?

- Jason Noel: Tôi nghĩ trong năm tới, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng trong việc áp dụng các copilot giống ChatGPT, mô hình công khai và riêng tư, đồng thời đưa một số khả năng AI vào các ứng dụng doanh nghiệp hiện có, từ đó tăng năng suất và hiệu quả.

Copilot thường được dùng để chỉ các công cụ AI hỗ trợ con người trong công việc, giống trợ lý thông minh cho người dùng.

Mô hình công khai là mô hình AI có sẵn cho nhiều người dùng trên internet, thường do các công ty lớn phát triển và cung cấp qua API (giao diện lập trình ứng dụng) hoặc ứng dụng.

Mô hình riêng tư là mô hình AI được huấn luyện hoặc tinh chỉnh riêng, dùng nội bộ trong một tổ chức, không chia sẻ công khai.

- Cụ thể Ernst & Young đang giúp khách hàng tích hợp AI như thế nào trong năm nay?

- Jason Noel: Chúng tôi đang tập trung vào cái gọi là thế hệ ứng dụng doanh nghiệp tiếp theo – những giao diện trình bày thông tin theo vai trò của người dùng, cung cấp các phân tích AI quan trọng và cho phép họ hành động. Các tác tử AI sẽ đưa ra gợi ý, còn con người xác nhận và phê duyệt.

Chúng tôi đang thử nghiệm điều này với một số khách hàng lớn và kết quả rất tuyệt vời. Đây là cách chúng tôi nghĩ về sự hội tụ giữa lực lượng lao động kỹ thuật số và con người - không chỉ là quản lý họ cùng nhau mà còn tạo ra hệ thống trong đó AI hỗ trợ con người một cách liền mạch.

Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.

Đặc điểm của một tác tử AI

Tự động: Có khả năng hoạt động độc lập mà không cần sự can thiệp của con người trong suốt quá trình xử lý.

Nhận thức môi trường: Có thể cảm nhận hoặc thu thập dữ liệu từ môi trường thông qua các cảm biến, API, hoặc dữ liệu được cung cấp.

Ra quyết định: Dựa trên các thuật toán hoặc mô hình học máy, tác tử AI có thể phân tích dữ liệu và chọn hành động phù hợp.

Hành động: Tác tử thực hiện các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu, ví dụ như gửi thông báo, điều khiển thiết bị, hoặc cập nhật dữ liệu.

- Ông có thể đưa ví dụ thực tế cho những ứng dụng này?

- Jason Noel: Ví dụ, tôi là giám đốc chương trình giải trí trên một tàu du lịch, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách, chẳng hạn thành phần khách trên tàu, thời tiết, ngày đi (ngày lênh đênh giữa biển hay ngày cập cảng). Có dữ liệu về hành vi của khách ở đó về những gì xảy ra và cách khách hàng cư xử. Ý tôi là các hoạt động mua sắm của khách, nơi họ thích tụ tập và những thứ đại loại như vậy.

Chúng tôi có thể dùng các tác tử AI để hiểu và dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn, chúng tôi biết ngày mai thời tiết xấu và là một ngày lênh đênh trên biển. Chúng tôi biết lịch sử cho thấy điều đó ảnh hưởng thế nào đến sự di chuyển của khách và tiêu thụ sản phẩm, dù là hàng hóa, thực phẩm hay đồ uống.

Thế nên chúng tôi đề xuất chuyển một nửa số người từ địa điểm này sang địa điểm khác. Chúng tôi khuyên bạn phân bổ lại hàng hóa để không bị hết hàng, vì biết nhu cầu sẽ ra sao. Chúng tôi đề xuất điều phối lại nhân viên để sẵn sàng ứng phó. AI sẽ lập kế hoạch và danh sách công việc một cách tự động. Con người sẽ kiểm tra và nói: “Ừ, hợp lý đấy” hoặc “Tôi muốn chỉnh sửa phần này”.

Tất cả được thực hiện thông qua một giao diện trực quan, đẹp mắt. Họ chỉ cần nhấn “bắt đầu” và một chuỗi hành động sẽ diễn ra. Trong đó, mọi người nhận thông báo, ban lãnh đạo được cập nhật, chuỗi cung ứng trên tàu thay đổi.

- Việc nâng cao kỹ năng ở đây có giá trị gì? Nhân viên cần hiểu bao nhiêu về AI?

- Jason Noel: Nhân viên chỉ cần biết rằng có một màn hình, một ứng dụng và nó nói với họ: “Đây là số lượng hàng hóa mà bạn có bây giờ” hoặc “Bạn sắp nhận thêm số lượng bao nhiêu nữa”. Họ không cần biết công nghệ hoạt động như thế nào. Tôi nghĩ ý tưởng rằng toàn bộ lực lượng lao động phải được đào tạo lại để sử dụng AI là khá ngớ ngẩn.

- Vậy ông đang giúp các công ty suy nghĩ về những câu hỏi này ra sao?

- Jason Noel: Bạn cần xem xét các chức năng công việc và suy nghĩ lại về chúng. Điều đó cũng gắn liền với yếu tố con người, đúng không? Bạn không chỉ cung cấp công nghệ AI cho các hãng, mà còn giúp họ suy nghĩ lại cách làm việc. Mục đích là giúp các công ty làm việc hiệu quả hơn và tạo ra nhiều giá trị hơn.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/giam-doc-ernst-young-y-tuong-dao-tao-lai-toan-bo-lao-dong-de-dung-ai-la-kha-ngo-ngan-234596.html