Cam kết cải cách: Phá rào cản, tạo đà cho đất nước vào kỷ nguyên mới
Với sự vào cuộc của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua thách thức, kiến tạo một môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn, tạo đà cho những bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Không chỉ hoạch định chính sách, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV còn thể hiện vai trò giám sát tối cao, theo sát cam kết cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành. Các nội dung xoay quanh cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư cùng với những nội dung xuyên suốt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đưa các nghị quyết, chính sách từ nghị trường vào thực tiễn cuộc sống, tạo đà cho đất nước cất cánh.
Những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Quốc hội và cam kết cụ thể từ các thành viên Chính phủ cho thấy tinh thần "nói đi đôi với làm," đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Nói phải đi đôi với làm
Tinh thần giám sát và yêu cầu hiện thực hóa các cam kết cải cách là một trong những điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp thứ 9. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong vai trò điều hành các phiên chất vấn, đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi, có lộ trình rõ ràng và chịu trách nhiệm về việc triển khai.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã không ngần ngại đặt ra những câu hỏi gai góc, phản ánh những bức xúc, kiến nghị của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp về những rào cản, vướng mắc trong môi trường đầu tư kinh doanh. Từ vấn đề chậm giải ngân đầu tư công, khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, đến những bất cập trong thủ tục hành chính, chính sách thuế, phí... tất cả đều được các đại biểu đưa ra "mổ xẻ" một cách thẳng thắn.
Nghị quyết 198 của Quốc hội giao Chính phủ đến hết 31/12 phải hoàn thành việc rà soát và loại bỏ ít nhất 30% các thủ tục điều kiện kinh doanh.
Đơn cử như Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đã nhấn mạnh về các giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử; Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) yêu cầu thành viên Chính phủ làm rõ hơn về việc cắt giảm khoảng 260 ngày các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tạo động lực để cho phát triển kinh tế những tháng cuối năm (Nghị quyết 198 của Quốc hội giao Chính phủ đến hết 31/12 phải hoàn thành việc rà soát và loại bỏ ít nhất 30% các thủ tục điều kiện kinh doanh).
Báo cáo số 252 của Bộ Tài chính ngày 16/6 cũng cam kết sẽ giảm 30% thủ tục hành chính. Vậy, cụ thể việc lượng hóa là bao nhiêu thủ tục trong điều kiện kinh doanh và tỷ lệ phần trăm trong số đó liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết Quốc hội, nghị định, thông tư và quy định ở địa phương...

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9. (Ảnh: TTXVN)
Về phía Bộ tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết dự kiến hoàn thành cắt giảm khoảng 200 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 351 thủ tục, cắt giảm 104 điều kiện kinh doanh trong tháng 12 (với chi phí tuân thủ dự kiến giảm khoảng 22.631 tỷ đồng/năm). Riêng đối với thủ tục thuế, ngành sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, khai nộp thuế điện tử để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục đầu tư và đặc biệt là việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án chiến lược, công nghệ cao, rút ngắn thời gian cấp phép đáng kể.
"Chúng tôi dự kiến khi rút giảm các quy trình, thủ tục thì sẽ giảm được khoảng 260 ngày so với quy định hiện nay. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35 và sửa các luật, bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp, áp dụng cơ chế một cửa tại chỗ và đặc biệt là chuyển từ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây là của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thể hiện phân cấp rất mạnh," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách thuế, phí theo hướng minh bạch, công bằng.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng thiết kế mô hình quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền cho ban quản lý địa phương và nâng cao hiệu quả giám sát thông qua công nghệ số. Hoàn thiện thể chế, chính sách thuế, phí theo hướng minh bạch, công bằng.
Cụ thể, việc sửa đổi các luật thuế lớn như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Về thuế hộ kinh doanh, Bộ trưởng khẳng định không thay đổi chính sách mà chỉ minh bạch hóa, thậm chí có những ưu đãi hơn như nâng mức doanh thu chịu thuế.
"Kết quả bước đầu đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Chúng ta đã chuẩn hóa được 95% các cơ sở dữ liệu về dân cư, theo đó kết nối và chia sẻ thông tin với ngân hàng với các website về thương mại điện tử. Nhờ đó, thu thuế thương mại điện tử trong 5 tháng đạt kết quả rất đáng mừng ghi nhận mức tăng trưởng tới 55%," Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)
Để chính sách không nằm trên giấy
Việc ban hành các nghị quyết, chính sách cải cách là bước khởi đầu quan trọng. Tuy nhiên, đưa những quyết sách này vào cuộc sống, thẩm thấu vào dòng chảy xã hội lại là một quá trình đầy thách thức.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ ra tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện còn thấp (mới đạt 22,2%), làm chậm tăng trưởng và ảnh hưởng đến việc làm. Nguyên nhân chính do công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng còn chậm và thủ tục kéo dài. Tuy nhiên, các vướng mắc này đang được tháo gỡ nhờ những sửa đổi trong Luật Đầu tư công, Đấu thầu và Ngân sách, hứa hẹn sẽ sớm thúc đẩy tiến độ.
Về chính sách thuế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh cần có sự điều chỉnh. Nên duy trì thuế khoán cho các hộ kinh doanh nhỏ (ví dụ, doanh thu dưới 1 tỷ đồng) để tạo thuận lợi, vì họ thiếu hóa đơn đầu vào để khấu trừ. Với các hộ lớn hơn, thu thuế theo hóa đơn sẽ giúp minh bạch, chống thất thu và khuyến khích họ phát triển thành doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp thứ 46, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Để thúc đẩy tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung vào ba trụ cột chính. Thứ nhất là xuất khẩu, cần tìm kiếm thị trường mới trước các thách thức thuế toàn cầu. Thứ hai là đầu tư, cần chuyển dịch sang nền kinh tế dựa trên công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Thứ ba là tiêu dùng, được kích cầu thông qua các chính sách tăng lương, giảm thuế (giá trị gia tăng, phí trước bạ) và thúc đẩy thương mại, du lịch.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kiến tạo các công trình thế kỷ như đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Sân bay Long Thành, đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn. Để đáp ứng, Chính phủ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, cân đối giữa nhu cầu đầu tư và khả năng chi trả. Kế hoạch là huy động đa dạng các nguồn lực ngoài ngân sách( như FDI, PPP, ODA), trong khi vẫn kiểm soát chặt chẽ nợ công, hiện đang ở mức an toàn (34,7%). Việc điều hành hợp lý sẽ giúp đầu tư phát triển, từ đó tăng thu ngân sách và phục vụ an sinh xã hội.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kiến tạo các công trình thế kỷ như đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Sân bay Long Thành, đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% và quy mô GDP 800 tỷ USD vào năm 2030, nhu cầu vốn hàng năm lên tới 8 triệu tỷ đồng. Hiện tại, ngân sách đáp ứng gần 1 triệu tỷ đồng, do đó đòi hỏi phải huy động thêm hơn 7 triệu tỷ đồng từ các nguồn khác. Dù vậy, nợ công vẫn được kiểm soát ở mức thấp, chỉ 34,7%. Chính sách "khoan sức dân" được thực hiện với thuế suất ưu đãi giá trị gia tăng là 8% (so với 17-27% thế giới) và thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 20%. Bài học từ việc cắt giảm hơn 300 năm thu phí BOT cho thấy sự cần thiết phải giám sát chặt chẽ. Theo ông, vấn đề cốt lõi sắp tới là phải tiết kiệm chi tiêu để dồn lực cho các dự án trọng điểm.
Đây là một bài toán khó, đòi hỏi sự tinh tế trong thiết kế chính sách và sự nghiêm minh trong thực thi. Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) chỉ ra giải pháp cân bằng giữa cơ chế thông thoáng (mở hết cơ chế về đất đai, thuế, vốn, chỉ định thầu...) với cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn doanh nghiệp sân sau.
Theo các đại biểu, việc giám sát để đảm bảo chính sách không nằm trên giấy, để các cam kết cải cách không chỉ là lời hứa thì vai trò của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là của người dân, báo chí là vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm và làm việc tại Trung tâm hành chính phường Ninh Kiều. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của đại biểu, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trong đó có việc "phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh." Điều này cho thấy sự theo dõi sát sao và yêu cầu cụ thể từ phía cơ quan lập pháp. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng, tạo cơ chế để người dân và doanh nghiệp tham gia phản biện chính sách, theo dõi quá trình thực thi và kịp thời phản ánh những bất cập, tiêu cực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu siết chặt kỷ luật ngân sách, đẩy mạnh chuyển đổi số, ưu tiên vốn cho khoa học công nghệ, cải cách bộ máy đồng thời thúc đẩy giải ngân đầu tư công và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cần nâng cao hiệu quả quản trị, tái cơ cấu toàn diện để giảm chi phí, tăng năng suất và chỉ đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn. Đồng hành với đó, kinh tế tư nhân đảm bảo nhận được sự hỗ trợ thực chất (đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ). Hộ kinh doanh được tạo điều kiện để dễ dàng chuyển đổi thành doanh nghiệp và có hướng dẫn rõ ràng về việc bỏ thuế khoán.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát của cộng đồng, tạo cơ chế để người dân và doanh nghiệp tham gia phản biện chính sách, theo dõi quá trình thực thi và kịp thời phản ánh những bất cập, tiêu cực.
Ông cũng nhấn mạnh về giải quyết nhanh thủ tục cho các dự án lớn, công nghệ cao, kiên quyết xử lý các dự án FDI kém hiệu quả, gây ô nhiễm đồng thời phát triển theo mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế sinh thái bền vững và tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương.
Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp sẽ ghi nhận và giám sát những chuyển biến thực chất trong nền kinh tế. Trong đó, thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa thực chất và các chính sách hỗ trợ phải được đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả.
Theo các đại biểu, những quyết sách được đưa ra tại Kỳ họp thứ 9, khi được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chắc chắn sẽ tạo ra một "cú hích" lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và người dân sẽ được củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho những bước phát triển đột phá trong tương lai.
Các nội dung thảo luận và chất vấn tại Quốc hội khóa XV, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã một lần nữa khẳng định tinh thần "Quốc hội bám sát hơi thở đời sống." Các vấn đề nóng, những bức xúc của cử tri và doanh nghiệp đã được đưa ra nghị trường một cách thẳng thắn, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, những cam kết cải cách từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội hứa hẹn mở ra một giai đoạn hành động quyết liệt hơn nữa.
Kỳ họp này là điểm khởi đầu cho một chu trình mới “từ hoạch định chính sách, đến triển khai thực hiện và quan trọng hơn cả là giám sát, đánh giá” để đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống và sự vào cuộc của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua thách thức, kiến tạo một môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn, tạo đà cho những bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới./.

Các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: TTXVN)