Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM: 'Tôi được xử phạt mạnh tay hơn'
Tân Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh người dân cần ý thức nguồn gốc thực phẩm khi mua, không nên tin tưởng đồ trôi nổi.
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh không quốc gia nào chỉ trông cậy vào việc thanh tra, kiểm tra rồi phát hiện vi phạm.
Ngay cả Sở cũng không thể kiểm tra từng bếp ăn của mỗi nhà, tự cộng đồng phải biết bảo vệ mình.
Sau 7 năm hoạt động, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM trở thành Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đây là sở phụ trách an toàn thực phẩm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.
Lo nhiều hơn mừng
- Khi nhận quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm, bà có thấy áp lực tăng thêm?
- Chúng tôi rất vui vì được đánh giá cao, có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, anh em cũng yên tâm công tác. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi lại lo nhiều hơn mừng. Khi trở thành Sở, đòi hỏi và yêu cầu của cấp trên, cộng đồng sẽ cao hơn.
- Qua những ngày tháng đảm nhận trách nhiệm là người đứng đầu của một Ban thí điểm, có khi nào bà có ý định từ bỏ không?
- Tôi luôn tâm niệm công việc là vinh quang, bất kỳ nhiệm vụ nào cấp trên giao, chúng tôi đều cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên, khi chuyển công tác từ Sở Y tế TP.HCM sang làm Trưởng Ban An toàn thực phẩm, đôi lúc, tôi cảm thấy sợ.
Tôi sợ vì nghĩ mình không đảm đương nổi trách nhiệm công việc, sợ không hoàn thành tốt nhiệm vụ. May mắn trong quá trình làm việc, tôi có đội ngũ anh em đồng nghiệp rất đoàn kết, không phân biệt công việc, không ưu tiên ai.
Họ cùng tôi vượt qua một số thời điểm khó khăn của Ban, chưa bao giờ nản lòng, vì một mục tiêu chung là ổn định và phát triển ngành an toàn thực phẩm của thành phố.
- Trước đây, Ban gặp khó khăn trong việc xử lý khi phát hiện vi phạm, vậy khi thành Sở, điều này được gỡ khó như thế nào?
- Khi trở thành Sở, chúng tôi thuận lợi hơn trong việc xử lý vi phạm. Lúc còn ở Ban, chúng tôi chỉ là thanh tra chuyên ngành. Mỗi lần đi thanh tra thì trưởng ban phải ký quyết định, sau đó trưởng ban ký xử phạt.
Thời điểm Chính phủ ra nghị định bãi bỏ quyền xử phạt của trưởng ban, chúng tôi gặp khó khi trưởng ban hàng ngày vẫn ký quyết định thanh tra, nhưng khi có quyết định xử phạt thì chuyển lại cho UBND quận, huyện ký. Chỉ trong vòng 2 ngày phải hoàn thành từ biên bản, gửi về Ban, Ban lại làm công văn gửi cho UBND quận, huyện.
Bây giờ, chúng tôi có Chánh thanh tra, được quyền ký quyết định thanh tra và xử phạt. Mỗi thanh tra viên được bổ nhiệm ngạch, có quyền xử lý 24/24. Điều này giúp quá trình thanh tra diễn ra nhanh, thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng sẽ mạnh tay hơn trong xử lý những cơ sở vi phạm.
Sở không thể kiểm tra bếp ăn của từng nhà
- Vấn đề ngộ độc thực phẩm ở TP.HCM sẽ được giải quyết như thế nào?
- Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm luôn là chỉ tiêu các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm mong muốn đạt được về số lượng và quy mô. Ở TP.HCM, số vụ ngộ độc đông người, có hệ thống như ở các bếp ăn tập thể trường học, công ty giảm rất nhiều trong những năm qua.
Đây là kết quả tích cực của Ban, khi làm tốt công tác phòng ngừa, thường xuyên đi thanh tra kiểm tra, hướng dẫn quy trình, xem cơ sở sai ở đâu thì uốn nắn ngay từ đầu.
Thành phố không còn xảy ra ngộ độc tập thể nhưng lại xảy ra những trường hợp ngộ độc cá thể rất đặc biệt.
Hình thức bán hàng online đang bùng nổ, cũng là thách thức lớn
Bà Phạm Khánh Phong Lan
Ví dụ, cồn sát khuẩn để rửa tay tồn dư sau dịch, nhiều người không biết lấy pha rượu uống, gây ngộ độc cấp, mù mắt, tổn thương thần kinh hay tử vong. Với những sự vụ ngộ độc này, chỉ có thể giáo dục ý thức cộng đồng, rất khó để phát hiện hay xử phạt.
Bên cạnh đó, ngộ độc Botulinum cũng gây ra những hậu quả nghiệm trọng, nhưng đến nay, ngành y tế vẫn chưa khẳng định nó đến từ đâu.
Những vụ gần đây chỉ biết là ăn chả lụa, nhưng không thể khẳng định được phương thức phát triển của bào tử. Lúc này, bệnh nhân cần có thuốc điều trị càng sớm càng tốt, chứ không phải tìm ra nguyên nhân.
Sở chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tương đối hiệu quả trên số đông, đối với từng gia đình cần tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu.
- Vậy nhiệm vụ và mục tiêu trong thời gian đến của sở là gì?
- Sở sẽ tiếp tục hoàn thành những công việc đã có kế hoạch, đặc biệt là chuẩn bị cho dịp Tết Giáp Thìn. Dù mới thành lập, Sở sẽ nhanh chóng ổn định tổ chức, tập trung thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý vi phạm trong dịp Tết.
Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã bắt đầu tổng kiểm tra tất cả kho bãi chứa nguyên liệu, chợ đầu mối, siêu thị. Thời gian này Sở tiếp tục kiểm tra lĩnh vực phân phối, tránh tình trạng hàng giả hàng kém chất lượng hàng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào.
Tiếp theo, Sở sẽ nâng chất lượng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong truy xuất nguồn gốc hàng loạt thực phẩm
Bên cạnh đó, Sở sẽ xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm đưa vào TP.HCM, dựa trên Luật của Việt Nam.
- Còn điều gì khiến bà lo lắng, trăn trở nhất?
- Không quốc gia nào chỉ trông cậy vào việc thanh tra, kiểm tra rồi phát hiện vi phạm. Sở không thể kiểm tra từng bếp ăn của mỗi nhà, tự cộng đồng phải biết bảo vệ mình. Người dân nên tiêu thụ sản phẩm ở cơ sở hợp pháp, đừng mua đồ trôi nổi.
Tại Việt Nam, bên cạnh các loại hình buôn bán thực phẩm được cấp phép, còn có loại hình chợ tự phát. Những thực phẩm được bán ở đây rất khó kiểm soát chất lượng, khó bắt quả tang cơ sở bán thực phẩm bẩn.
Thêm nữa, hình thức bán hàng online đang bùng nổ, cũng là thách thức lớn không chỉ cho ngành an toàn thực phẩm mà cho tất cả ngành nghề.
Sự nghiệp nâng cao an toàn thực phẩm cho người Việt không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của người dân.
Mỗi người tiêu dùng hãy trở thành một thanh tra, phản ánh những cơ sở buôn bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, bản thân người tiêu dùng kiên quyết không ủng hộ hàng bất hợp pháp, hàng lậu sẽ hạn chế được lượng người bán.