Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói về các nội dung liên quan đến đào tạo nghề, trợ cấp cho người có công

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh là người thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn.

Sáng 12/12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 23 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, cùng với lãnh đạo Sở Nội vụ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh đã đăng đàn trả lời chất vấn.

 Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.

Mở đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn của ngành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh làm rõ một số hạn chế, chưa tương xứng trong đầu tư nguồn lực và bất cập về học phí ở các trường nghề (chưa có hướng dẫn về học phí đối với các trường thực hiện cơ chế tự chủ 100%), trong khi đó tỷ lệ tuyển sinh hằng năm các trường nghề chiếm hơn 50%; giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là chế độ BHYT, BHXH; nguyên nhân vì sao đến nay người có công ở tỉnh ta vẫn chưa nhận được mức trợ cấp mới theo Quy định tại Nghị định số 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

 Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh đăng đàn trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh đăng đàn trả lời chất vấn.

Người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH cho biết: Từ khi Luật Giáo dục ra đời và có hiệu lực từ năm 2019, việc bất cập trong đầu tư nguồn lực cho các trung tâm GDTX được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, chi phí quản lý, lương giáo viên và các phúc lợi khác, trong khi đó các trường dạy nghề tự chủ hoặc tự chủ một phần thì phải liên kết với các trung tâm GDTX để hoàn tất hồ sơ cấp bằng tốt nghiệp, phải tự lo lương giáo viên và các phúc lợi khác. Trong khi học phí được quy định thực hiện chung như nhau, do đó việc đầu tư cho các trường nghề lâu nay hết sức bất cập.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho các trường nghề, tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn chế nên việc đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu. Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh chủ trương xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2025-2030. UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì tham mưu phối hợp các sở liên quan bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở đầu tư cho các trường nghề.

Về vấn đề học phí ở các trường nghề thuộc thẩm quyền giải quyết các cơ quan trung ương, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang có các văn bản để đề xuất Chính phủ sửa đổi phù hợp.

Đối với giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Phan Tấn Linh cho biết, bên cạnh việc tham gia BHYT, BHXH, hiện nay, trên địa bàn vẫn còn tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động và đặc biệt nợ đọng BHXH của 2.925 đơn vị DN, HTX làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực đối với 25.265 người lao động.

Để đưa chính sách BHXH, BHYT thực sự đi vào đời sống, việc phối hợp liên ngành giữa BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh, Sở KH&ĐT và các đơn vị có liên quan chia sẻ dữ liệu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, giải thể, phá sản, ngừng hoạt động làm căn cứ để có giải pháp triển khai công tác thu BHXH, BHYT, BHTN.

Căn cứ dữ liệu quyết toán thuế của các đơn vị sử dụng lao động, BHXH tỉnh rà soát, đối chiếu đơn vị chưa tham gia BHXH hoặc còn lao động chưa tham gia, gửi văn bản đến đơn vị yêu cầu tham gia BHXH cho người lao động; theo dõi chặt chẽ việc đăng ký tham gia của các đơn vị để đôn đốc, xử lý. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT và thực hiện hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục phối hợp liên ngành giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH; khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động ra tòa án để thu hồi, xử lý "nợ xấu" hoặc khoanh nợ đối với một số doanh nghiệp không có khả năng chi trả.

Về thực trạng hiện nay người có công trên địa bàn chưa được nhận mức trợ cấp mới, ông Phan Tấn Linh cho biết: UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp UBND các địa phương rà soát, tổng hợp nguồn kinh phí tăng thêm theo mức trợ cấp, phụ cấp mới. Tổng kinh phí tăng thêm theo mức mới là 204 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí còn thiếu thực hiện theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ là 82 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí Trung ương chưa cấp cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là 286 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao Sở có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cấp nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, Bộ vẫn chưa thực hiện. Sau khi Bộ cấp nguồn kinh phí bổ sung theo quy định, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương thực hiện ngay việc chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc đảm bảo nguồn lao động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh cho hay: Hà Tĩnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); trong đó có 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 2 trung tâm GDNN, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, 1 phân hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại trực thuộc Bộ Công thương.

 Đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu câu hỏi về việc đảm bảo nguồn lao động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh

Đại biểu Phạm Nghĩa – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu câu hỏi về việc đảm bảo nguồn lao động cho khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh

Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao với tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt hơn 80%. Trong những năm qua, các cơ sở GDNN đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế trên cơ sở nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo chương trình được chuyển giao từ các nước và tăng cường liên kết, phối hợp, đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động... Để chủ động nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn trên địa bàn, UBND tỉnh đã giao cho đơn vị xây dựng đề án đảm bảo nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Và hiện Sở LĐ-TB&XH đang tập trung triển khai nội dung này.

Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục cập nhật...

Nhóm PV

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/giam-doc-so-ld-tbxh-noi-ve-cac-noi-dung-lien-quan-den-dao-tao-nghe-tro-cap-cho-nguoi-co-cong-post279014.html