Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ về khó khăn khi thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh
Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu trả lời chất vấn về tình hình thực hiện Quy hoạch tỉnh, khó khăn khi thực hiện chính quyền 2 cấp và giải pháp khắc phục thời gian tới.
Chiều 23/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ nhất Kỳ họp thứ 30 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025.
Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Trần Tú Anh, Trần Văn Kỳ chủ tọa kỳ họp.
Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, các vị ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hiếu đăng đàn trả lời các nội dung xoay quanh tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và giải pháp thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Tài chính, sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh và kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh và đạt một số kết quả như: Tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh; hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch, đến nay đã phê duyệt 24 quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu triển khai quy hoạch tỉnh; hoàn thiện và triển khai cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch tỉnh; huy động đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng và các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên đầu tư…
Trả lời về tác động của việc thay đổi đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến việc thực hiện Quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Việc thay đổi địa giới hành chính đặt ra yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại cấu trúc không gian phát triển, định hướng phân vùng chức năng và các vùng động lực trong quy hoạch. Một số địa phương mới sáp nhập đang trong quá trình kiện toàn tổ chức nên ảnh hưởng đến việc phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ công tác rà soát, cập nhật nội dung quy hoạch cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch. Việc thay đổi địa bàn quản lý ảnh hưởng đến quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ ngân sách và các dự án ưu tiên theo vùng.
Để đảm bảo hiệu quả triển khai Quy hoạch tỉnh trong bối cảnh điều chỉnh địa giới hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo một số nhiệm vụ: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và hệ thống hành chính mới; khẩn trương tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn; đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác phát triển. Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ triển khai quy hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về quy hoạch nhằm phục vụ quản lý dữ liệu thông tin về quy hoạch trên địa bàn tỉnh…

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân cũ) đề cập tới giải pháp xử lý cơ sở nhà đất dôi dư trong thời gian tới. Sở đã rà soát Quy hoạch tỉnh như thế nào để phù hợp với chức năng của đơn vị hành chính cấp xã mới?
Đối với câu hỏi liên quan tới giải quyết trụ sở nhà đất dôi dư, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trước đây, trên cơ sở nghiên cứu các quy định, chủ trương, TP Hà Tĩnh (cũ) đã trình UBND tỉnh về việc cho thuê đất ngắn hạn trong thời gian 5 năm và được chấp thuận và hiện đang tiếp tục thảo luận về giá cho thuê. Đối với các trụ sở có lợi thế thương mại thì được phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích thương mại hoặc sang mục đích đất ở. Đối với các tài sản xa trung tâm sẽ được giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, điều phối sử dụng.
Về rà soát Quy hoạch tỉnh, ông Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để cập nhật, điều chỉnh. Đây là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, do vậy, cần có thời gian để triển khai thực hiện. Tuy vậy, trước mắt, cần căn cứ vào quy định của pháp luật để tiến hành điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu để phù hợp với ĐVHC mới. Trong đó, Hà Tĩnh cần tập trung tiến hành quy hoạch chức năng của KKT Vũng Áng và KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Đại biểu Phạm Nghĩa
Đại biểu Phạm Nghĩa - Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh (Tổ đại biểu huyện Can Lộc cũ) đề nghị ngành tài chính cho biết định hướng hoàn thiện hệ thống chính sách giai đoạn 2026 -2030 nhằm khắc phục tình trạng ban hành nhiều chính sách nhưng hiệu quả thấp như thời gian qua?
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hiếu thông tin: Năm 2024, ngân sách tỉnh bố trí 1.671 tỷ để thực hiện 43 đề án, chính sách. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đồng bộ và phần lớn còn đang giải ngân cơ học, chưa đánh giá được tác động của chính sách. Tỷ lệ giải ngân nhiều chính sách đạt thấp như: nhóm chính sách y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2021-2030; chính sách phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… Để khắc phục tình trạng này, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách cho giai đoạn 2026-2030 cần xây dựng theo hướng tinh gọn, trọng tâm lĩnh vực, thiết thực hiệu quả gắn với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay.