Doanh nghiệp chi tiền xong ngồi chờ 10 năm chưa xong thủ tục 2 ha đất

Dù Cần Thơ là thành phố lớn, có điều kiện tốt, nhưng số lượng doanh nghiệp ít và yếu, những lợi thế chưa khẳng định được, chưa có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư. Cũng có doanh nghiệp phản ánh dự án mở rộng nhà máy ở Cần Thơ đã hơn 10 năm không xong thủ tục đất đai, dù doanh nghiệp đã chi tiền giải phóng xong mặt bằng.

Phản ánh trên của doanh nghiệp được đưa ra tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP. Cần Thơ và doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn, sáng 23/7.

Dự án ‘treo’ 10 năm vì thủ tục

Đại diện Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris nêu khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án mở rộng mặt bằng sản xuất của công ty. Theo đó, dự án mở rộng nhà máy thêm 2ha được Thành phố chấp thuận từ năm 2014, tới năm 2016 công ty đã chi hơn 18,3 tỷ đồng hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà nước cho thuê phần đất mở rộng.

 Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến. Ảnh: CK.

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến. Ảnh: CK.

Để giải quyết cho dự án trên, tháng 6/2023, UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đến tháng 3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường có thông báo việc thực hiện dự án mở rộng của công ty chưa đảm bảo quy định, nên không có cơ sở cho công ty thuê đất.

“Tháng 5/2025, lãnh đạo Thành phố, các sở ngành đã làm việc trực tiếp tại công ty để tháo gỡ vướng mắc của dự án. Công ty mong sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý còn tồn tại để dự án được triển khai sau hơn 10 năm chờ đợi”, đại diện công ty trên kiến nghị.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết, Cần Thơ là địa phương tiên phong tổ chức họp mặt DN sau khi sáp nhập tỉnh thành. Sau sáp nhập, Cần Thơ có quy mô kinh tế lớn, không gian phát triển rộng, với đầy đủ hạ tầng sân bay, đường cao tốc, cảng biển... tạo nền tảng, sự kỳ vọng cho DN trong tương lai.

Tuy nhiên, dưới góc độ của cộng đồng DN, ông Lam cho rằng dù tăng trưởng cao hay điều kiện tốt, là một thành phố lớn nhưng Cần Thơ lại có số lượng DN ít và yếu, rất đáng lo ngại. Trong 6 tháng đầu năm, số DN rời khỏi thị trường nhiều, trong khi số DN đăng ký thành lập mới vẫn thấp. So với các địa phương khác, những DN đăng ký mới tại Cần Thơ có tổng số vốn đăng ký chỉ trên 11.000 tỷ đồng, trong khi các DN tại Tây Ninh đăng ký vốn hơn 94.000 tỷ đồng, cho thấy chênh lệch rất lớn.

Dù Cần Thơ có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, nhưng theo ông Lam, những dự án như trung tâm liên kết sản xuất tiêu thụ nông nghiệp, logistics của thành phố vẫn chưa hình thành. Cùng đó, những lợi thế của Cần Thơ chưa khẳng định được, chưa có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn lực, chưa có khu công nghệ tập trung để thu hút chuyên gia và nhà đầu tư lớn.

 Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL. Ảnh: CK.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL. Ảnh: CK.

Ông Nguyễn Phương Lam kiến nghị, cộng đồng DN rất cần thành phố hoạch định rõ chiến lược phát triển, điều chỉnh quy hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, trong đó DN được hưởng lợi gì, cần làm gì.

“Lãnh đạo Cần Thơ cần duy trì đối thoại với DN thường xuyên để lắng nghe, chủ động tháo gỡ khó khăn. Không thể để DN chờ 10 năm với 2ha đất không xong thủ tục”, ông Lam đề xuất.

Kiểm tra ngay kiến nghị của DN

Sau các kiến nghị của DN, ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - đề nghị, UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành kiểm tra ngay kiến nghị của Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris. “Thẩm quyền của ai thì tháo gỡ sớm nhất, nhanh nhất, lần họp sau phải không còn kiến nghị này, chuyện không lớn”, ông Bình chỉ đạo.

Về kiến nghị của ông Lý Văn Bon (HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn), ông Bình đề nghị các sở ngành rà soát xem Cồn Sơn có quy hoạch làm du lịch không, nếu chưa phải bổ sung, nếu có phải chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, sớm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt và chống sạt lở.

“Sau sáp nhập, muốn phát triển thành phố căn cơ, sẽ thuê đơn vị tư vấn có tầm cỡ thế giới để xây dựng quy hoạch chung, không chỉ một khu vực nào”, ông Bình cho biết thêm.

Ông Đỗ Thanh Bình cũng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố có chỉ đạo cụ thể, cố gắng tháo gỡ khó khăn cho DN để góp phần phát triển thành phố. Các sở ngành ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của DN, nghiên cứu kỹ các khó khăn vướng mắc để có biện pháp, phối hợp tháo gỡ, từ xã phường đến sở ngành, cơ quan đơn vị đều có trách nhiệm này.

 Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: CK.

Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: CK.

Người đứng đầu Thành ủy Cần Thơ cam kết thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động, sẵn sàng đón nhận các DN, nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư. Tất các các cơ quan, đơn vị, DN đồng hành với lãnh đạo thành phố để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, tất cả vì sự phát triển chung của Thành phố.

“Lãnh đạo thành phố rất mong tiếp tục nhận được góp ý của DN trong thời gian tới, có thể bằng văn bản, họp mặt, hoặc điện thoại trực tiếp cho tôi. Khó khăn được nói cụ thể cơ quan nào, đồng chí nào sẽ rất tốt, rất cần sự phản ánh của DN và người dân", ông Bình nói.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-chi-tien-xong-ngoi-cho-10-nam-chua-xong-thu-tuc-2-ha-dat-post1762889.tpo