Giám đốc WB: Việt Nam sẽ đi nhanh hơn khi đẩy mạnh cải cách
Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, các chương trình cải cách là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn và thực sự trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao trong thời gian tới.
Phải tự lực
Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế và các tổ chức đưa ra những dự báo khác nhau về tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều nhận định chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức dù đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong suốt 5 năm qua. Ông nhận định thế nào về tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới?
Trước tiên, theo tôi cần nhìn nhận lại cả một quá trình phát triển của Việt Nam trong các năm qua. Việt Nam bây giờ khác hẳn các thời kỳ trước đây và không nhiều nước trên thế giới làm được như Việt Nam. Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu khác nhau để hiểu rõ Việt Nam đang ở đâu và những thách thức gì đang đặt ra để từ đó tìm ra những giải pháp để làm gì.
Thực tế cho thấy, có nhiều thành tựu Việt Nam đã đạt được. Như đầu tư vào hạ tầng của Việt Nam rất lớn. Khi tôi còn bé, thì hình ảnh của Việt Nam là nước nông nghiệp còn đói nghèo, giờ đây Việt Nam đã là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu.
Tôi cũng đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam là chúng tôi chỉ là những lái phụ, hành khách còn lái chính vẫn là Chính phủ và người dân Việt nam trong con tàu phát triển. Hiện nay những gì Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm được thì các nhà tài trợ phải bớt phần việc của mình đi. Giống như khi còn đứa trẻ thì cần sự chăm sóc nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì sự quan tâm cũng có sự thay đổi. Rõ ràng Việt Nam đã và đang có sự chuyển đổi.
Câu chuyện đặt ra là Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn được nữa không. Vẫn có thể nhanh hơn nữa được! Tuy nhiên, vẫn có những đoạn vấp, cần giải quyết, không thể nhanh được. Trong những năm vừa qua, quá trình phát triển không đi nhanh nhưng rõ ràng cần có một tầm nhìn phát triển phải thống nhất, rõ ràng.
Thực tế trong 2-3 năm vừa qua, con đường phát triển của Việt Nam dường như rõ ràng hơn. Các chính sách chiến lược đưa ra cũng rõ hơn. Điều này thể hiện ở tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng ổn định.
Chính phủ đã bắt đầu chương trình về chính phủ điện tử để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, đơn giản hóa các thủ tục. Quy trình, thủ tục chậm do mọi thứ không rõ ràng. Việc áp dụng Chính phủ điện tử sẽ giúp mọi việc sẽ rõ ràng và được giải quyết nhanh hơn. Đây là những điểm tích cực.
Thúc đẩy cải cách nhiều hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không nỗ lực thúc đẩy nhanh hơn cải cách về môi trường kinh doanh, giảm bớt các thủ tục hành chính, Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước khác. Ý kiến của ông thế nào?
Về cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam, một nhóm nghiên cứu của WB cũng đã bay từ Mỹ sang để trình bày về việc Chính phủ các nước đã và đang làm gì trong việc cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Vấn đề ai thực hiện nhiều thay đổi, đi nhanh hơn thì sẽ ghi được điểm. Đến nay, Chính phủ đã có lắng nghe và có thay đổi.
Việt Nam năm nay tụt hạng 1 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu. Nhưng theo tôi, phải coi đây là dịp để nhìn lại các vấn đề. Phải coi đây là một cuộc thi chạy và các nước có nhiều cải cách hơn và đang chạy nhanh hơn Việt Nam.Xây dựng Chính phủ kiến tạo là đề ra định hướng đúng để cải cách cho Việt Nam. Trong những năm qua, rõ ràng đã có một số tiến bộ nhưng tôi cho rằng, có thể Việt Nam vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra và chúng ta còn có thể làm được tốt hơn.
Để tăng cường, đẩy mạnh những biện pháp cải cách môi trường kinh doanh, theo tôi cần làm 3 việc. Thứ nhất, cải cách ngành ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng Nghị quyết 42 và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi mới được ban hành. Vấn đề nợ xấu cần tiếp tục được xử lý và cần tăng cường dự phòng tài chính trong một số trường hợp.
Cải cách hệ thống ngân hàng là yêu cầu quan trọng để loại bỏ nguy cơ bất ổn, nhưng cũng là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả trong nền kinh tế.
Thứ hai, trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có một số tiến bộ và cần phải duy trì bằng cách tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hóa có hiệu lực, chất lượng, cũng như cần tăng cường điều hành, quản trị doanh nghiệp đối với các DNNN chưa cổ phần hóa.
Thứ ba, cải cách luật pháp, quy chế vẫn là yếu tố quan trọng. Đây không chỉ là cải cách về luật pháp mà còn cần các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi, triển khai luật định.
Vậy khi làm được những việc trên, kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?
Chúng ta sẽ phải tìm hiểu để chơi được ở hạng trên thì chúng ta cần có những cải cách gì để thăng tiến chơi ở thứ hạng trên đó. Như giải quyết thủ tục phá sản chẳng hạn hoặc như cải cách, thoái vốn DNNN. Chúng ta làm theo kinh nghiệm quốc tế và thực hiện đầy đủ thì sẽ giúp cho chúng ta có cải cách thành công.
Tôi nghĩ việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là động lực tiếp theo để Việt Nam cải cách sâu và rộng trong top 10 nước CPTPP. Một điều chúng ta cần chú ý là cải cách không chỉ sau 1 đêm là xong và tôi cũng biết người Việt Nam đòi hỏi rất là cao. Người Việt Nam cũng rất tham vọng và mong muốn những cải cách được thực hiện rồi chứ không phải để đến ngày hôm nay.
Sức chịu đựng trước các cú sốc bên ngoài rất tốt
Ông dự báo gì về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, những thách thức đi kèm là gì?
Việt Nam sẽ gặp thách thức gì và giải quyết các thách thức đó như thế nào? Theo tôi, thách thức với Việt Nam không phải là cần làm gì. Cái cần làm thế nào mới là thách thức với Việt Nam.
Rõ ràng phải thừa nhận là Việt Nam đã có nỗ lực rất tốt khi chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động, giữ được lạm phát thấp tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư và thu hút FDI tăng lên.
Trong báo cáo mới nhất của WB, chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2019. Nền kinh tế Việt Nam khi nói đến ổn định kinh tế vĩ mô dường như tính chịu đựng trước các cú sốc bên ngoài rất tốt. Điều này tạo tiền đề cho chúng ta vượt qua các khó khăn. Nếu chúng ta làm được thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%, biết đâu sẽ còn cao hơn.
Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thực hiện cải cách. Ví dụ chất lượng giáo dục, đầu tư, cải cách, đặc biệt là những cải cách, sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số để đưa Việt Nam lên tầm cao hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung vào: Lựa chọn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, đòi hỏi hàm lượng khoa học kỹ thuật cao; Tập trung vào công nghệ cao, lao động chất lượng cao; Tập trung cao vào năng lượng sạch, năng lượng gió, điện mặt trời, giảm lượng khí phát thải để làm cho phát triển của Việt Nam xanh hơn.
Chúng ta có thể tạo cho các đô thị dễ sống hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Về nông nghiệp cần các mặt hàng có chất lượng xuất khẩu cao hơn.
Việt Nam cũng cần chú ý giải quyết tình trạng giải ngân chậm. Chúng tôi trong thời gian vừa qua đã nhìn vào chất lượng giải ngân, chất lượng đấu thầu các dự án và đưa ra nhiều khuyến cáo để chất lượng giải ngân tốt hơn. Khi chúng ta có điều kiện đầy đủ thì việc giải ngân sẽ tốt, nhanh hơn. Nếu giải ngân chậm thì kết quả sẽ lâu hơn, kéo dài hơn. Với tôi thà dự án chậm còn hơn chúng ta làm dự án kém đi. Đây cũng là việc Việt Nam cần chú ý trong năm tới cũng như các năm sau.
Ngoài ra, cũng cần tập trung vào những chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng để nâng cao sức kháng chịu của Việt Nam trước những biến động, cũng như tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn là việc cần phải làm.
Cảm ơn ông
Cải cách là cả quá trình và rất là khó, phải thực hiện từng bước một, không cắt được bước nào. Khi làm được sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Khi đó, những cải cách sẽ giúp Việt Nam củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Các chương trình cải cách là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn và thực sự trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao trong thời gian tới.