Giảm giới hạn cấp tín dụng: Doanh nghiệp lo thiếu vốn

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu bị giảm giới hạn cấp tín dụng, nguy cơ bị đứt gãy vốn đột ngột khiến thiếu hụt dòng tiền rất dễ xảy ra.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan.

Theo đó, so với hiện hành, dự thảo luật đã điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Trước thông tin này, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng về tiếp cận nguồn vốn, từ đó gặp khó trong phát triển kinh doanh, mở rộng dự án.

Giảm giới hạn cấp tín dụng: Doanh nghiệp lo thiếu vốn

Giảm giới hạn cấp tín dụng: Doanh nghiệp lo thiếu vốn

Lãnh đạo một tập đoàn bất động sản cho biết, quy định mới nếu được thông qua sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, làm giảm cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con thường có nhiều dự án cùng triển khai, mỗi dự án đều có nhu cầu đi vay vốn. Nếu các công ty thành viên cùng vay một ngân hàng thì lượng vốn được vay sẽ rất nhỏ, buộc phải chia nhỏ nhu cầu để đi vay hoặc phải thu xếp vay đồng tài trợ nhiều ngân hàng cho dự án mới đủ vốn đáp ứng nhu cầu. Điều này gây nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp", vị này nói.

Hơn nữa, theo vị này, mức giới hạn 15% áp dụng cho tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và mức giới hạn 25% áp dụng cho tổng mức dư nợ cấp tín dụng cho khách hàng và người có liên quan theo quy định hiện hành (Điều 128 Luật các TCTD 2010) đang đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

"Với những lý do trên, tôi đề xuất giữ nguyên tỷ lệ như luật hiện hành", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) đánh giá, mục đích của quy định mới nhằm ngăn chặn nợ xấu là tốt nhưng chưa thực sự hợp lý.

“Hiện nay các ngân hàng phải chủ động về mức tín dụng, cũng như đánh giá điểm về tín dụng của doanh nghiệp. Về bản chất, ngân hàng đều thẩm định, đánh giá chính xác được uy tín của khách hàng, kể cả dư nợ của khách, vì vậy việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan là không cần thiết.

Chưa kể, điều này còn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dễ rơi vào khó khăn khi tiếp cận vốn”, ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, thời điểm hiện tại lượng tiền trong ngân hàng còn nhiều, bản thân các ngân hàng cũng phải đi tìm khách vay. Quy định mới vì thế cũng phần nào gây khó cho ngân hàng trong việc hút khách.

Tương tự, ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) chia sẻ, nếu doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng sẽ phải đi huy động từ nhiều nguồn khác, điều này dễ làm tăng chi phí kinh doanh. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng cũng có thể dẫn đến nhiều rủi ro khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi.

Phần lớn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng cấp. (Ảnh minh họa: CAND)

Phần lớn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng cấp. (Ảnh minh họa: CAND)

Ông Phạm Ngọc Tùng, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nói: “Cần có sự đánh giá thật kỹ các tác động hiện nay của quy định mới đến thực trạng vay vốn và rủi ro cho doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp nhất, không tác động quá lớn đến dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh".

Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Siết giới hạn cấp tín dụng giảm thiểu được nhiều rủi ro cho nền kinh tế, tránh tình trạng cho vay các tập đoàn sân sau, giúp trải đều vốn cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, các ngân hàng và doanh nghiệp sân sau vẫn có thể có cách để lách luật. Trong khi, gỉam giới hạn cấp tín dụng có thể dẫn đến cắt giảm đột ngột dòng tín dụng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 qua đi chưa được bao lâu, dư âm và hậu quả vẫn lớn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn thì việc áp thêm các quy định hạn chế tín dụng thì sẽ là "lợi bất cập hại".

Trước đó, khi dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, việc thay đổi tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho một khách hàng và người liên quan cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.

Lý do là hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp. Trên thực tế, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Không chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện các dự án trọng điểm của nền kinh tế cũng có nguy cơ thiếu vốn.

PHẠM DUY-CÔNG HIẾU

Nguồn VTC: https://vtc.vn/giam-gioi-han-cap-tin-dung-doanh-nghiep-lo-thieu-von-ar846410.html