Giảm hay giữ nguyên lãi suất: Fed đang bối rối vì tác động của thuế quan

Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một kịch bản 'tiến thoái lưỡng nan': hoặc phải ứng phó với suy thoái, hoặc phải chèo lái nền kinh tế qua một thời kỳ đình lạm (stagflation)...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Reuters.

Theo nhận định của tờ báo Wall Street Journal, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed diễn ra vào trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, các nhà hoạch định chính sách có lẽ sẽ tập trung thảo luận nên truyền đạt tới công chúng như thế nào sự đánh đổi này. Một cách truyền đạt hợp lý sẽ giúp Fed tránh rơi vào một tình thế khó khăn hơn.

Giới chuyên gia dự báo Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông sẽ duy trì lập trường “chờ xem” trong vấn đề tiếp tục cắt giảm lãi suất. Sự kiên nhẫn có tính toán này phản ánh quyết tâm của Fed trong việc tránh từ bỏ quá sớm cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng vấn đề là nếu Fed giữ nguyên lãi suất quá lâu để đưa lạm phát về mục tiêu, họ sẽ phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế yếu đi. Ngược lại, nếu họ sớm hạ lãi suất để cứu tăng trưởng, lạm phát có thể sẽ trỗi dậy.

“Chắc chắn là chúng tôi sẽ phải đưa ra một đánh giá rất khó khăn”, ông Powell nói hồi tháng 4.

“Đây không phải là một chu kỳ kinh tế mà Fed nên giảm lãi suất kiểu phủ đầu vì có dự báo suy giảm tăng trưởng. Thay vào đó, họ sẽ phải chờ các số liệu kinh tế thực tế, nhất là thị trường lao động”, cựu Phó chủ tịch Fed Richard Clarida, người hiện là cố vấn cấp cao tại công ty đầu tư trái phiếu Pimco, nhận định.

Nhưng đợi cho tới khi nền kinh tế lộ rõ sự suy yếu mới bắt đầu giảm lãi suất sẽ đồng nghĩa rủi ro xảy ra một cuộc suy thoái sâu.

“Trong suốt 7 năm qua dưới sự lãnh đạo của ông Powell, Fed luôn đợi cho tới khi rất chắc chắn về dữ liệu rồi mới hành động rất nhanh chóng. Nếu thị trường lao động suy yếu nhiều, tới lúc đó Fed mới sẵn sàng cho việc giảm lãi suất”, bà Lael Brainard - cũng là một cựu Phó chủ tịch Fed - phát biểu.

VẤN ĐỀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT

Việc Fed giảm lãi suất đôi khi để tối đa hóa những chuyển biến tốt, có những lúc lại nhằm giảm thiểu những diễn biến xấu. Chẳng hạn, Fed hạ lãi suất năm ngoái vì lạm phát giảm, nhưng thuế quan có thể buộc Fed phải giảm lãi suất để tránh sự giảm tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, Fed đang trì hoãn giảm lãi suất vì áp lực lạm phát có nguy cơ tăng cao cho thuế quan. Thay vì hạ lãi suất, Fed đang chờ xem liệu việc tăng giá cả do thuế quan có phải là tăng một lần rồi thôi, hay sẽ gây ra sức ép lạm phát dai dẳng.

Việc xác định phạm vi và mức độ của sự tăng giá do thuế quan là một công việc không dễ dàng. Ngoài ra, giới chức Fed nói rằng kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể dẫn tới lạm phát tăng trên thực tế, và lạm phát tăng lại đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, dẫn tới một vòng xoáy tự mạnh lên. Bởi vậy, việc kiềm chế kỳ vọng lạm phát có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế tổn thất của cuộc chiến chống lạm phát.

Theo bà Brainard, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và Fed bắt đầu tính đến việc giảm lãi suất, câu hỏi quan trọng nhất là “lạm phát thực chất đã tăng thêm bao nhiêu?” Câu trả lời sẽ quyết định lãi suất cần giảm bao nhiêu.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc thiết lập mức lãi suất phù hợp, Fed và ông Powell còn đối mặt thách thức trong việc truyền đạt chính sách ra sao tới công chúng. Việc tỏ ra quá mềm mỏng - tức là sẵn sàng giảm lãi suất - có thể sẽ không mang lại lợi ích gì trong việc ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế, trong khi việc tỏ ra cứng rắn - cảnh giác với rủi ro lạm phát - có thể ảnh hưởng tới hành vi thiết lập giá cả và tiền lương trong nền kinh tế.

“Ngay cả khi nghĩ đến việc giảm lãi suất, tôi vẫn sẽ tỏ ra cứng rắn vì tôi muốn kiềm chế kỳ vọng lạm phát”, ông Robert Kaplan - cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas - phát biểu.

Giới chức Fed nhất trí rằng việc cắt giảm lãi suất là chưa phù hợp chừng nào họ chưa nhận thấy những dấu hiệu rõ ràng của suy giảm tiêu dùng và gia tăng thất nghiệp. Tuy nhiên, các quan chức Fed có mức độ tin tưởng không đồng nhất vào đánh giá cho rằng giá cả tăng và sự khan hiếm hàng hóa do thuế quan chỉ là tạm thời. Mà niềm tin này lại chính là yếu tố quyết định Fed sẽ hạ lãi suất nhanh hay chậm khi thị trường việc làm xấu đi.

CHẬM TRỄ LÀ KHÔN NGOAN?

Thống đốc Fed Christopher Waller nói thuế quan sẽ chỉ khiến giá hàng hóa tăng trong năm nay rồi thôi. Ông là thành viên duy nhất của Fed công khai ủng hộ việc sớm cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp của ông Waller không cho rằng áp lực lạm phát do thuế quan sẽ được giải tỏa sớm và dễ dàng như vậy. “Tôi thà chậm mà đúng, còn hơn là nhanh mà lại đi nhầm đường”, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, bà Beth Hammack, phát biểu hồi tháng 4.

Mối hoài nghi của những người như bà Hammack xuất phát từ hai mối lo. Thứ nhất, kỳ vọng lạm phát cao hơn sẽ khiến cho việc kéo lạm phát xuống khó khăn hơn. Và thứ hai, sự gián đoạn nguồn cung có thể khuyếch đại áp lực lạm phát ngay cả khi hiệu ứng giá cả tăng do thuế quan không còn.

“Liệu sự suy giảm nhu cầu rốt cục sẽ giúp bù đắp lại tác động của giá cả tăng? Sự thật là rất khó đoán ở thời điểm này”, ông Kaplan nhận xét.

Ông Eric Rosengren - người giữ cương vị Chủ tịch Fed chi nhánh Boston trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2021 - trong một môi trường giá cả tăng không chỉ do thuế quan mà còn do sự khan hiếm hàng hóa, nếu Fed hạ lãi suất, áp lực lạm phát trong nền kinh tế có thể trầm trọng hơn mà sức ép suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn không thể được giải tỏa.

Theo ông Rosengren, Fed có thể sẽ “án binh bất động” trong 2-3 cuộc họp tới. Việc hạ lãi suất sẽ hợp lý hơn khi nền kinh tế suy yếu vì lãi suất giảm có thể chống lại sự suy giảm của nhu cầu, trong khi lãi suất giảm không có tác dụng nhiều trong việc khắc phục những gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông cho rằng Fed cần hạ lãi suất mạnh tay, với mức giảm nửa điểm phần trăm mỗi lần, một khi nhu cầu yếu đi.

Nếu không vì mối nguy lạm phát tăng do thuế quan, Fed rất có thể đã giảm lãi suất thêm rồi. “Fed đôi khi chậm trễ. Đó là sự thật. Nhưng đôi khi, việc kiên nhẫn và chấp nhận rủi ro của việc chậm trễ là không ngoan”, ông Kaplan - hiện là Phó chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs - nhận xét.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giam-hay-giu-nguyen-lai-suat-fed-dang-boi-roi-vi-tac-dong-cua-thue-quan.htm