Giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ vượt dự trữ bắt buộc về 0%

Từ ngày 1/9, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ giảm từ 0,05%/năm xuống 0%/năm theo quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, từ ngày 1/9, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm. Trong khi đó, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam, tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ áp dụng lãi suất 0%/năm.

Mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc kể trên sẽ thay thế quy định lãi suất trong Quyết định 1349/QĐ-NHNN áp dụng từ ngày 6/8/2020 trước đó.

So với lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đang áp dụng, quy định mới giữ nguyên lãi suất áp dụng với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam, tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã điều chỉnh giảm lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,05%/năm xuống 0%/năm.

- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay:

Trong hoạt động chính sách tiền tệ, dự trữ bắt buộc là một trong các công cụ được cơ quan quản lý tiền tệ thực hiện để kiểm soát lượng tiền trên thị trường, đặc biệt là kiểm soát lạm phát.

Tỷ lệ này yêu cầu các ngân hàng thương mại phải gửi một lượng tiền nhất định tại NHNN để đảm bảo cân đối giữa lượng tiền gửi và lượng tiền bơm ra thị trường.

Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc NHNN yêu cầu với các ngân hàng là 3% với tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng; 1% với tiền gửi VNĐ kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Với tiền gửi ngoại tệ, tỷ lệ tiền gửi của các ngân hàng ở nước ngoài tối thiểu là 1%. Tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngân hàng hợp tác xã là 7%, trong khi nhóm tổ chức tín dụng khác là 8%.

Tương tự, tiền gửi ngoại tệ kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngân hàng hợp tác xã hiện áp dụng tối thiểu 5%, trong khi các ngân hàng khác phải duy trì ở mức 6%.

Trên lý thuyết, điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc sẽ tác động lớn tới tỷ lệ lạm phát trên thị trường.

Cụ thể, khi muốn kiểm soát lạm phát đang tăng cao, cơ quan quản lý tiền tệ sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, từ đó khiến khả năng cho vay và thanh toán của các ngân hàng giảm, dẫn tới hoạt động tín dụng giảm, lãi suất tăng, đầu tư giảm và làm lạm phát giảm.

Ngược lại, khi cơ quan quản lý giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khả năng cho vay và thanh toán của các ngân hàng tăng, dẫn đến tăng tín dụng trong nền kinh tế, tăng cung tiền, giảm lãi suất trên thị trường và tăng lạm phát.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giam-lai-suat-tien-gui-ngoai-te-vuot-du-tru-bat-buoc-ve-0-post1255945.html