Giảm nghèo bền vững ở Hà TĩnhBài 2: Khơi dậy ý chí vươn lên của người dân

Từ những nhánh lan hồ điệp vùng cát trắng đến ao tôm công nghệ cao ven biển… Hà Tĩnh đang từng bước dựng xây những mô hình sinh kế không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên chủ động và bền vững, từ đồng hành của cộng đồng và trên hết là ý chí của người dân địa phương.

“Giấc mơ lan” trên vùng cát trắng

Dịp Tết vừa rồi, nhiều đoàn khách đã tìm về xã Thạch Khê (TP. Hà Tĩnh) tận mắt chiêm ngưỡng vườn lan hồ điệp của anh Phạm Văn Huy. Ít ai hình dung được rằng, nơi đây từng chỉ biết đến cát trắng, nắng gió và nghèo khó lại có thể nở hoa khoe sắc.

Anh Phạm Văn Huy vận hành hệ thống nhà kính trồng lan tại Thạch Khê, TP. Hà Tĩnh. Ảnh: Cẩm Hòa

Anh Phạm Văn Huy vận hành hệ thống nhà kính trồng lan tại Thạch Khê, TP. Hà Tĩnh. Ảnh: Cẩm Hòa

Giữa khu nhà kính rộng 2.500m², gần 70.000 chậu lan được chăm sóc bằng hệ thống tự động: từ điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ đến ánh sáng. Những bông lan trắng, vàng, tím rực rỡ vốn được xem là “loài hoa quý tộc” đua nhau khoe sắc… “Trồng lan ở Hà Tĩnh là thách thức lớn. Nhưng có công nghệ, có quyết tâm thì không gì là không thể”, anh Huy chia sẻ. Từng là công nhân kỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, anh quyết định quay về quê lập nghiệp với những kiến thức và khát vọng khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Với khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ từ chương trình khởi nghiệp của địa phương, anh bắt tay xây dựng nhà màng đầu tiên. Nhận được sự đồng hành kỹ thuật từ Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, sự tư vấn từ các hội đoàn thể, vườn lan dần hình thành và ổn định. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán 2025, doanh thu đã đạt gần 10 tỷ đồng.

Với anh Huy, giá trị kinh tế chưa phải điều quan trọng nhất. “Cái tôi quý là tạo được việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương, giúp họ có niềm tin vào việc ở lại quê, làm nông nghiệp một cách hiện đại”, anh Huy chia sẻ. Từ mô hình của anh Huy, nhiều thanh niên địa phương đã học hỏi kinh nghiệm.

Không chỉ là mô hình sinh kế, vườn lan giờ đã trở thành điểm sáng cho một phong trào khởi nghiệp nông thôn mới ở Hà Tĩnh - nơi người dân sản xuất nông nghiệp thông minh và gắn với thị trường.

Từ dữ liệu hộ nghèo đến mô hình "đúng người, đúng lúc"

Nếu như câu chuyện của anh Phạm Văn Huy là điểm sáng trong mô hình sinh kế, thì ở nhiều vùng quê khác, hàng trăm mô hình sinh kế quy mô nhỏ hơn cũng đang tạo nên những thay đổi thực chất, bắt đầu từ chính cách tiếp cận bài toán giảm nghèo.

Không còn dàn trải các gói hỗ trợ, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang sử dụng hệ thống dữ liệu hộ nghèo cập nhật theo từng xã, từng hộ để xác định nhu cầu, năng lực và nhu cầu của từng gia đình. Từ đó, mô hình sinh kế được thiết kế “đúng người, đúng lúc” giúp người dân có thể chủ động tiếp nhận và duy trì lâu dài.

Gia đình chị Lê Thị Thanh Loan ở xã Thạch Hạ từng thuộc diện hộ nghèo, sống chủ yếu nhờ vài sào ruộng và làm thuê. Bước ngoặt xảy ra khi chị được tham gia chương trình hỗ trợ sinh kế bằng mô hình chăn nuôi gà. Được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chị bắt đầu với lứa đầu tiên gồm 55 con. "Có nghề trong tay, tôi không còn nơm nớp sợ rơi vào cảnh tay trắng nữa”, chị Loan chia sẻ.

Cùng với các mô hình chăn nuôi, những mô hình sinh kế phi nông nghiệp như mở cửa hàng tạp hóa, bán hàng lưu động, dịch vụ nhỏ… được đánh giá là thiết thực và đang nhận được sự đồng tình của người dân. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và chính quyền các cấp, TP. Hà Tĩnh tích cực hỗ trợ hộ nghèo vượt qua mức sống tối thiểu. Các hộ tham gia không chỉ được hỗ trợ mặt bằng, nguồn vốn, mà còn được tập huấn kỹ năng giao tiếp, bán hàng, quản lý tài chính… Nhờ các giải pháp linh hoạt này, hàng trăm người nghèo trên địa bàn đã có cơ hội tiếp cận thông tin và cơ chế chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững.

Ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, bà Phạm Thị Thuận đã ngoài 60 tuổi, xúc động khi kể về con bò giống gia đình được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. “Nó đẻ bê rồi. Bán bê cũng được vài chục triệu. Có tiền lo thuốc men, con cháu ăn học. Tôi thấy mình có lối đi rồi”, bà Thuận chia sẻ.

Niềm vui nối tiếp ở vùng biển Cương Gián (Nghi Xuân). Từng là hộ khó khăn, ông Trần Hữu Phúc đã chuyển đổi 0,5ha ao sang nuôi xen ghép tôm, cua, cá sau khi được hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn từ cán bộ khuyến ngư. “Nuôi xen ghép giúp ao sạch hơn, ít dịch bệnh, thu nhập đều đặn hơn,” ông Phúc chia sẻ. Nhờ mô hình này, mỗi năm ông lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng, cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững.

Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã xây dựng hàng trăm mô hình sinh kế gắn với dữ liệu hộ nghèo, nhiều địa phương lựa chọn tổ chức theo hình thức nhóm hộ - cách làm giúp các thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ, kỹ thuật và phòng tránh rủi ro.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giam-ngheo-ben-vung-o-ha-tinh-bai-2-khoi-day-y-chi-vuon-len-cua-nguoi-dan-10373255.html