Giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số tại Đăk Nông (Bài cuối): Tăng liên kết trong kinh tế hợp tác

Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm 55,77% dân số), để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho bà con, việc phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Đăk Glong (Đăk Nông) theo chuỗi giá trị sản phẩm và tăng tính liên kết ngày càng đòi hỏi cấp thiết.

Là một nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở bon R’Sông, xã Đắk R’măng, chị Vi Thị Thanh, 48 tuổi, dân tộc Thái, đã vận động bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trong bon, trong xã cùng sản xuất theo hướng hữu cơ và cùng 14 hộ dân trong xã thành lập Tổ hợp tác nông sản sạch Đắk R’măng.

Liên kết phát triển đa cây

Theo chị Thanh, vườn cây của các thành viên Tổ hợp tác hiện đều phát triển đa cây (như vườn tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng…) theo hướng hữu cơ. Do đó, chị đang nỗ lực theo đuổi việc sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị, đưa sản phẩm của Tổ hợp tác ra thị trường.

Tổ hợp tác nông sản sạch Đắk R’măng giúp bà con DTTS trồng cà phê theo hướng hữu cơ.

Tổ hợp tác nông sản sạch Đắk R’măng giúp bà con DTTS trồng cà phê theo hướng hữu cơ.

Chị Thanh cho biết, nhờ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo hoặc tiếp xúc, giao lưu trong và ngoài tỉnh, chị tìm hiểu được nhiều thông tin thị trường để phục vụ đầu ra cho Tổ hợp tác.

Trong thời gian tới, Tổ hợp tác nông sản sạch Đắk R'măng hướng tới nâng cao năng lực tổ chức và sản xuất nhằm hướng tới việc sản xuất những sản phẩm an toàn và tự nhiên.

“Hy vọng với sự nỗ lực của các thành viên và sự giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền, chúng tôi sẽ sớm xây dựng được những vườn cây theo tiêu chuẩn VietFarm”, chị Thanh kỳ vọng. Theo đó, VietFarm là một hệ thống tiêu chuẩn độc lập về sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông sản, áp dụng cho các hộ sản xuất nhỏ, HTX, tổ hợp tác, trang trại…

Trong khi đó, ở xã Quảng Sơn - nơi có 70% dân số là đồng bào DTTS, thời gian qua, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Danofarm đã đẩy mạnh liên kết trồng dâu, nuôi tằm, trồng mắc ca và cà phê với bà con địa phương.

HTX có 11 thành viên tham gia góp vốn và 82 thành viên tham gia liên kết sản xuất các cây trồng, trong đó có trên 60% chị em là người DTTS. Chẳng hạn như hiện nay, HTX liên kết với các thành viên trồng trên 40 ha dâu để nuôi tằm và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với thu nhập chung của người dân trong vùng.

Trung bình mỗi hộ trồng 1 ha dâu nuôi tằm bán kén, sau khi trừ chi phí sản xuất thu về khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. HTX hỗ trợ kỹ thuật trồng dâu và cây giống, làm nhà nuôi tằm cho bà con.

Theo lãnh đạo xã Quảng Sơn, hiện trong xã có gần 100 gia đình, trong đó có 40% là đồng bào DTTS tham gia liên kết trồng dâu nuôi tằm. Tất cả những nông dân này trước khi bắt tay vào sản xuất đều được HTX Danofarm giúp đỡ về kỹ thuật, cam kết về đầu ra cho sản phẩm nên rất phấn khởi, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.

Tận dụng tiềm năng thế mạnh

Ở xã Quảng Sơn hiện nay, đồng bào dân tộc M’nông, H'Mông, Dao… vẫn lưu giữ nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thêu thùa và các giá trị văn hóa như cồng chiêng, chợ tình, ẩm thực…

Trong đó, thôn Đắk Snao 1 và Đắk Snao 2 thuộc xã Quảng Sơn có trên 470 hộ dân (chủ yếu người H'Mông) sinh sống. Nơi đây có thác, hồ nước đẹp và các hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày yên bình, thích hợp với nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm.

Phụ nữ DTTS ở xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) liên kết trồng dâu nuôi tằm với HTX Danofarm.

Phụ nữ DTTS ở xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) liên kết trồng dâu nuôi tằm với HTX Danofarm.

Từ các giá trị văn hóa và cảnh quan này, HTX Danofarm đang đầu tư phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở xã Quảng Sơn để tạo hướng đi mới. HTX cũng xác định, các sản phẩm của bà con DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái có thể phát triển lâu dài, ổn định.

Hiện nay, đã có 6 hộ DTTS tham gia làm du lịch với HTX. Bà H’Mai, ở thôn Quảng Hợp cho biết, nếu HTX đưa thổ cẩm vào phục vụ du lịch, bà rất vui và sẵn sàng hợp tác. Gia đình bà sẽ chuẩn bị chu đáo về khung dệt, chỉ, len và sẵn sàng hướng dẫn để du khách tìm hiểu và dệt thổ cẩm.

Toàn huyện Đăk Glong hiện có 32 HTX nông nghiệp ở 7 xã (Quảng Sơn, Đắk Som, Đắk R Măng, Quảng Hòa, Đắk Ha, Đắk Plao, Quảng Khê). Việc phát triển các HTX nông nghiệp đã và đang giúp bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong canh tác, liên kết ổn định đầu ra cho vật nuôi, cây trồng và giúp họ có thêm việc làm, vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả hơn.

Đăk Glong là huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS cao (chiếm 55,77% dân số), để hướng tới giảm nghèo bền vững, việc phát triển tổ hợp tác và HTX kiểu mới trong những vùng tập trung đông bà con DTTS và tận dụng được thế mạnh của họ là đòi hỏi cấp thiết.

Thời gian tới, huyện cũng xác định đẩy mạnh xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX ngành hàng, tổ hợp tác hoạt động theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế trang trại. Qua đó sẽ giúp đời sống của bà con DTTS ở Đăk Glong ngày càng được nâng lên.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/giam-ngheo-o-vung-dan-toc-thieu-so-tai-dak-nong-bai-cuoi-tang-lien-ket-trong-kinh-te-hop-tac-1080143.html