Giảm nỗi lo tỷ lệ 'chọi' trường công lập khi miễn học phí, cách nào?

Theo các ĐBQH, miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông là chủ trương nhân văn, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, cần lường trước những tình huống có thể phát sinh để có giải pháp phù hợp.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, một số học sinh THPT thuộc diện chính sách đã được miễn học phí tại các trường công lập; một số tỉnh, thành phố cũng có chính sách riêng về miễn học phí cho học sinh.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Media Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: Media Quốc hội.

Tuy nhiên, khi việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT trở thành một chính sách chung của cả quốc gia sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác và việc này nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Để chính sách phát huy được hiệu quả, bà Nga cho rằng cần rà soát thật kỹ để lường trước một số bất cập có thể phát sinh, từ đó có giải pháp phù hợp.

Đơn cử như, tình trạng thiếu hệ thống các trường công lập, đặc biệt tại các đô thị lớn. Khi chưa miễn học phí cho học sinh các trường công lập, tỷ lệ "chọi" của học sinh đầu cấp (lớp 1, 6, 10) vào các trường công lập ở những thành phố lớn đã rất áp lực.

"Thực trạng này có thể căng thẳng hơn khi chính sách miễn học phí có hiệu lực, đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh rất khó để giành một suất vào trường công lập, các gia đình có điều kiện dễ dàng thuê gia sư dạy kèm con để nâng cao kiến thức phục vụ cho kỳ thi đầu vào thì các gia đình khó khăn lại không thể.

Không vào được trường công lập để được miễn học phí, rất có thể con em những gia đình khó khăn sẽ phải học tại các trường ngoài công lập với học phí cao", bà Nga nhìn nhận.

Vì thế để san sẻ áp lực cho các trường công lập vốn rất ít hiện nay, cần có chính sách ưu đãi cụ thể đối với các trường ngoài công lập để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao.

Khi đó, sẽ thu hút được bộ phận các gia đình có điều kiện về kinh tế cho con em học tại các trường này, giảm áp lực cho các trường công lập.

"Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là nỗ lực để xây dựng hệ thống các trường công lập đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt các trường công lập mầm non. Hiện nay, trường công lập mầm non vẫn thiếu quá nhiều, nhất là ở các đô thị tập trung đông dân cư, các vùng có khu công nghiệp, cụm công nghiệp", bà Nga nhìn nhận.

Cùng quan điểm, ĐBQH Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng, bên cạnh khối công lập cần có chính sách về học phí cho học sinh khối ngoài công lập.

ĐBQH Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Yến Chi.

ĐBQH Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh). Ảnh: Yến Chi.

Về chủ trương dạy học hai buổi/ngày không thu phí, áp dụng từ năm học 2025-2026, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng các địa phương, cơ sở giáo dục cũng cần chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất đáp ứng cho chương trình học này.

Bởi hiện nay tình trạng thiếu lớp học vẫn xảy ra rất nhiều ở các địa phương, nhiều trường học đang bố trí cùng một phòng học nhưng buổi sáng khối này học, buổi chiều lại khối khác, đều là chương trình chính khóa. Cũng bởi thiếu lớp học nên số lượng học sinh trong một lớp khá nhiều so với mức quy định của Bộ GD&ĐT.

"Thiếu lớp học, cơ sở vật chất có thể khắc phục được trong thời gian ngắn, nhưng bài toán thiếu giáo viên mới đáng ngại và cần phải xây dựng một lộ trình bài bản để tuyển được số giáo viên cần thiết. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện ngành giáo dục vẫn đang thiếu hơn 100.000 giáo viên, con số này khá lớn", bà Nga nêu ý kiến.

Cùng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và giáo viên, nữ đại biểu cho biết, chương trình học cũng cần lưu ý xây dựng 2 buổi học sao cho hợp lý, có thể học chính khóa một buổi và buổi còn lại học kỹ năng sống, các bộ môn nghệ thuật. Tránh tình trạng học hai buổi đều chính khóa, tiếp tục nhồi nhét kiến thức cho học sinh, làm gia tăng áp lực học tập cho các em.

ĐBQH Bế Trung Anh cho rằng, để triển khai chương trình học 2 buổi/ngày, đội ngũ giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được: "Quan trọng nhất là họ được nhìn nhận xứng đáng với nghề mà họ theo đuổi, đam mê và cống hiến".

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm sau cuộc làm việc ngày 18/4 với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo, chuẩn bị Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về đột phá phát triển giáo dục, đào tạo.

Sau khi nghe Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, phát biểu của các cơ quan, Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận, đồng ý giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo (tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ).

Đồng thời, trình Bộ Chính trị cho chủ trương về Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thời hạn hoàn thành trong tháng 5/2025.

Thống nhất chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa.

Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.

Ngày 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Dự kiến, thời gian trình thông qua, ban hành nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV để áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.

Theo dự thảo nghị quyết, ước tính cần khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng/năm học trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng còn khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng.

Yến Chi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/giam-noi-lo-ty-le-choi-truong-cong-lap-khi-mien-hoc-phi-cach-nao-192250510115826181.htm