Giảm rủi ro phòng vệ thương mại: Cần chủ động ứng phó sớm

Trước sự tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều nước trên thế giới, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chủ động để có biện pháp ứng phó sớm…

Mặc dù các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại, nhưng vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, phòng vệ thương mại sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thượng mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.

Việc tham gia các FTA đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thế giới, song các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng - Ảnh minh họa

Việc tham gia các FTA đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thế giới, song các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, việc tham gia các FTA đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn trên thế giới, song các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần thị trường xuất khẩu.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 năm gần đây (từ 2017-2023) số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.

Để giảm rủi ro, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chủ động để có biện pháp ứng phó sớm - Ảnh minh họa

Để giảm rủi ro, theo chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chủ động để có biện pháp ứng phó sớm - Ảnh minh họa

Mới đây nhất, ngày 8/3 vừa qua, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam. Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ. Theo đó, Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng, loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu...

Chưa kể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã phát đi thông tin tiếp tục gia hạn thời gian điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024.

Trước thực tế đã nêu, để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, thời gian qua, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đã liên tục công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động để có biện pháp ứng phó sớm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại và kỹ năng sử dụng công cụ này. Đặc biệt, doanh nghiệp phải luôn duy trì hệ thống kế toán minh bạch, chặt chẽ và phù hợp. Lý do là các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đòi hỏi cung cấp các số liệu, bằng chứng về chi phí sản xuất hàng hóa, các giấy tờ giao dịch liên quan của các lô hàng trong giai đoạn điều tra - thường là trong vòng 1 năm liền trước vụ kiện. Khối lượng công việc phải làm, các chứng từ số liệu phải cung cấp thường rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng lại rất ngắn, nếu không chủ động chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ khó theo đuổi được các vụ kiện.

“Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước từ sớm. Việc cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra”, bà Trang khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại, như: pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại; những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới...

“Việc doanh nghiệp tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các vụ việc có ý nghĩa hết sức quan trọng”, ông Chu Thắng Trung bày tỏ.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giam-rui-ro-phong-ve-thuong-mai-can-chu-dong-ung-pho-som-707555.html