Giảm rủi ro, tăng thu hút đầu tư

Hình thức hợp đồng dầu khí, pháp luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dầu khí là những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người tại Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Không “đóng đinh” hợp đồng

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu lập pháp, tính đến nay có 108 hợp đồng dầu khí, tuy nhiên số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng nào). Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia.

Thực tế cho thấy, hợp đồng dầu khí là hợp đồng về tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Chính vì thế, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí mang tính rủi ro cao, xác suất thành công từ 5 - 10%. Tại Điều 15.3, Dự thảo đã quy định Hợp đồng mẫu của Hợp đồng phân chia sản phẩm. Luật sư Phạm Liêm Chính, Văn phòng Luật sư Chính và Cộng sự đề nghị: “cần nêu rõ khái niệm Hợp đồng phân chia sản phẩm". Theo đó, hợp đồng phân chia sản phẩm là hình thức hợp tác theo đó nhà thầu (công ty dầu khí nước ngoài) bỏ vốn, kỹ thuật ra tiến hành tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Ở góc độ khác, PGS.TS. Ngô Huy Cương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn: "Đây là hợp đồng hành chính hay hợp đồng thương mại, khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) đại diện cho Nhà nước, hợp đồng phải có sự phê duyệt của Chính phủ, đối tượng hợp đồng là của cải của quốc gia. Nếu là hợp đồng thương mại, thì các quy định liên quan đến tư pháp quốc tế. Nếu là hợp đồng hành chính, cách thức quy định, điều tiết phải khác".

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Dự thảo chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc đối với hợp đồng dầu khí; có quy định mở về việc có nhiều loại hợp đồng dầu khí. Nội dung cụ thể của từng loại hợp đồng dầu khí sẽ được phát triển trên cơ sở các nguyên tắc đã có trong luật hoặc đưa vào nghị định hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt, không bị “đóng đinh” vào loại hình hợp đồng chia sản phẩm dầu khí như nội dung hiện tại. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc về việc có thể chuyển đổi điều kiện hợp đồng giữa điều kiện bình thường và điều kiện ưu đãi hoặc giữa hai mức ưu đãi để tận thu tài nguyên, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Lấy ý kiến các chuyên gia về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Lấy ý kiến các chuyên gia về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực).

Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp là vấn đề quan trọng mà các bên hết sức quan tâm. Thông thường, để giải quyết mọi bất đồng/tranh chấp giữa nước chủ nhà và công ty dầu khí nước ngoài thì theo truyền thống, các bên quy định trong hợp đồng giải quyết bất đồng thông qua thương lượng và hòa giải. Nếu thương lượng, hòa giải không thành thì một trong hai bên hoặc cả hai bên sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài. Cơ quan tài phán mà các nước lựa chọn là Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC).

Tại Điều 4.3, Dự thảo quy định: “Trong trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định, các bên có thể thỏa thuận việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế”. Luật sư Phạm Liêm Chính kiến nghị: “Luật áp dụng là luật Việt Nam, có thể được bổ sung một số điều luật cần thiết của luật nước ngoài và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Như vậy mới bảo đảm được việc bảo vệ chủ quyền pháp lý của nước chủ nhà".

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS. Ngô Huy Cương cho rằng, theo thông lệ, để bảo đảm độ tin cậy cho nhà đầu tư, các quốc gia thường lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài. Tuy nhiên, trong điều khoản áp dụng nếu quá thoải mái cho nhà đầu tư nước ngoài thì quá rủi ro đối với chúng ta, trong khi các luật sư không đủ năng lực và cần mẫn để tìm hiểu luật nước ngoài. Ngược lại, nếu chỉ áp dụng 100% Luật Việt Nam thì giảm tính hấp dẫn đối với nước ngoài.

Đình Khoa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-ban-phap-luat/giam-rui-ro-tang-thu-hut-dau-tu-i291207/