GIÁM SÁT CỦA CƠ QUAN DÂN CỬ TẠI ĐỊA PHƯƠNG: NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI, THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT VẤN ĐỀ ĐƯỢC CỬ TRI QUAN TÂM

Qua kết quả tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 cho thấy, từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, hoạt động giám sát của HĐND được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là đã phân định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề nóng, cấp thiết được dư luận quan tâm.

Trong tổ chức của chính quyền địa phương ở nước ta, Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, có hai chức năng quan trọng là quyết định và giám sát. Trong đó, chức năng giám sát của HĐND được thể hiện ở những nội dung như: Giám sát của HĐND nhằm bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; Giám sát của HĐND bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND; Giám sát của HĐND nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương; Giám sát của HĐND nhằm phát hiện và ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền lực, góp phần tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Từ khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 được ban hành, hoạt động giám sát có nhiều đổi mới

Từ thực tế triển khai hoạt động giám sát của HĐND một số địa phương cho thấy việc thực hiện chức năng giám sát, HĐND thể hiện vai trò cơ bản trong cơ chế kiểm soát quyền lực thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. Chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân là một trong các định chế quan trọng bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả, minh bạch và trung thực.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Thắng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Thắng

Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân được ban hành ngày 12/9/2022, hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, với nhiều đổi mới, đạt được kết quả quan trọng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Thắng cho biết, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của Hội đồng nhân dân, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của Hội đồng nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Qua công tác giám sát, đã ban hành các kết luận, kiến nghị sát, đúng trên nhiều lĩnh vực đến UBND tỉnh và các ngành, các cấp có liên quan để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế tồn tại. Thường trực HĐND Tỉnh theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đối với những nội dung kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực và các Ban HĐND Tỉnh; tổ chức xem xét kết quả thực hiện các kiến nghị để tiếp tục giám sát trong năm tiếp theo, hầu hết các kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đều được sự đồng thuận cao và tích cực thực hiện từ các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.

Hình thức giám sát đa dạng phù hợp với từng nội dung giám sát

Tại thành phố Hà Nội, thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cùng với sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm của thành phố Hà Nội.

Điều làm nên hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố Hà Nội là xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm, nội dung, đối tượng cần giám sát; không để trùng lắp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm; giám sát, tái giám sát đến cùng; tổ chức giám sát công khai, sát dân, sát cơ sở, có kết hợp giữa giám sát chung với giám sát thường xuyên, giữa giám sát qua văn bản với đi giám sát thực tế ở cơ sở, trong đó có giám sát cấp thực thi ở dưới cấp sở ngành, quận, huyện...

HĐND thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố tại công trình nút giao thông Giải Phóng - Kim Đồng

HĐND thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố tại công trình nút giao thông Giải Phóng - Kim Đồng

Đặc biệt, trong điều kiện đặc điểm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố và xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường.

Nhờ những nỗ lực ấy, thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND Thành phố, các cơ quan tư pháp và bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao, bảo đảm quyền thực thi pháp luật và thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội của bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn địa phương. Cũng thông qua hoạt động giám sát, nhiều khó khăn, hạn chế trong các lĩnh vực trên địa bàn thành phố đã được tập trung chỉ đạo, khắc phục có hiệu quả, được nhân dân ghi nhận.

Còn với Quảng Ninh đã phát huy được vai trò, thẩm quyền của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND trong việc quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng của địa phương xây dựng cơ chế phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2023. Đây là một nội dung sát với thực tiễn trong tư duy đột phá, đổi mới của Quảng Ninh trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, hoạt động giám sát của HĐND thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương góp phần tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, hoạt động giám sát được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch thông tin tại các Kỳ họp HĐND tỉnh; có nhiều đổi mới tích cực hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn và xem xét trả lời chất vấn; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giải trình.

Trong năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng và thực hiện 07 cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; triển khai 32 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời cung cấp thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung của tỉnh phục vụ công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ninh được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là đã phân định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề nóng, cấp thiết được dư luận quan tâm. Hình thức giám sát đa dạng phù hợp với từng nội dung giám sát; phạm vi các cuộc giám sát được mở rộng, giám sát đến xã, phường, thị trấn; Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những tác động tích cực tới việc bảo đảm thực thi pháp luật, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân ngày càng cao.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến

Còn tại tỉnh Hậu Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, khảo sát được tăng cường, trong đó tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh bố trí 01 phiên để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động chất vấn ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu. Các phiên giải trình với sự đổi mới theo hướng tăng cường các cuộc khảo sát để nắm bắt đầy đủ về kết quả triển khai thực hiện các chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh và lựa chọn các nhóm vấn đề cần được giải trình, làm rõ, ttừ đó nội dung giải trình có trọng tâm.

Chia sẻ về kết quả đạt được trong hoạt động giám sát của HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, bám sát các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc biệt là Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND tỉnh Bắc Giang đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát. Hộng giám sát thường xuyên đối với các quyết định của UBND cùng cấp cũng như xem xét việc ban hành các nghị quyết của HĐND cấp huyện, thành phố được chú trọng.

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh được tiếp tục đổi mới, nghiêm túc, thực chất, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu HĐND, các Ban của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã dự kiến “đúng và trúng” những nhóm lĩnh vực để HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn tại kỳ họp, là những vấn đề quan trọng, thiết thực, tác động lớn với thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh, những vấn đề bức xúc mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Công tác tổ chức các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh cũng được chú trọng, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; kết thúc phiên giải trình, chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh ban hành "Kết luận" xác định rõ trách nhiệm và lộ trình thực hiện.

“Tái giám sát” việc thực hiện các kiến nghị giám sát

Một điểm mới trong hoạt động tái giám sát tại Tây Ninh đó là, trong năm 2023 là trên cơ sở căn cứ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 02 cuộc giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị qua giám sát, giải trình, chất vấn. Việc rà soát, tái giám sát kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, kiến nghị của HĐND không chỉ giúp HĐND nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát; mà quan trọng đây là cơ sở giúp cho UBND tỉnh đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ngành phụ trách và đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các quy định, các chỉ đạo, giải pháp thực hiện trong thực tế từ phản ánh của cơ sở, qua đó có sự đối chiếu, điều chỉnh phù hợp hơn giúp ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

 Thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, năm 2023 lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Phiên Giải trình, giám sát về kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề

Thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, năm 2023 lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Phiên Giải trình, giám sát về kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề

Thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND được quyết định bởi việc thực hiện các kiến nghị giám sát. Bởi lẽ, việc thực hiện kiến nghị giám sát là khâu cuối cùng của hoạt động giám sát. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện các kết luận giám sát, thời gian qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã coi trọng việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị giám sát; Thường trực HĐND đã chỉ đạo Văn phòng theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát; các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện tái giám sát đối với một số nội dung; thực tế nhiều nội dung sau khi tái giám sát đã được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, năm 2023 lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Phiên Giải trình, giám sát về kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV với mục tiêu đánh giá những tồn tại, hạn chế, bất cập, để tìm ra những giải pháp hữu hiệu sớm giải quyết nhằm đảm bảo các kiến nghị, kết luận được thực thi nghiêm túc và có hiệu quả.

Để chuẩn bị cho phiên giám sát - giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Đoàn giám sát đã tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương và xây dựng báo cáo kết quả khảo sát bằng hình ảnh. Qua giám sát cho thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND tỉnh.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85900