Giám sát đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh: Vẫn nóng quy hoạch 'treo'

Trong số khoảng 30 dự án được đưa vào danh sách theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ năm 2022 từ đề nghị của sở, ngành liên quan, UBND TPHCM nêu quan điểm sẵn sàng xóa các dự án quy hoạch 'treo'.

Khoảng 4.000 hộ dân sống tại siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã “treo” 30 năm.

Khoảng 4.000 hộ dân sống tại siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã “treo” 30 năm.

Ngăn chặn trục lợi từ “trễ hẹn”

Hoạt động đầu tư công đang là vấn đề thời sự nóng và là nội dung được người dân TPHCM quan tâm trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đây cũng là động lực để UBND TPHCM ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt trong giám sát đầu tư công, trong đó nhất quyết xóa khỏi quy hoạch các dự án thi công kéo dài.

Cụ thể, trong danh sách khoảng 30 dự án đầu tư công trong năm 2022 theo đề nghị từ Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố yêu cầu phải theo dõi, giám sát chặt chẽ. Trong số này, có những “siêu dự án” với quy mô nhiều tỷ đồng được người dân cả nước quan tâm, như Dự án tuyến Metro số 1, số 2; các tuyến Vành đai 2, 3, 4; Cao tốc TPHCM - Mộc Bài; Quốc lộ 50; cầu Thủ Thiêm 4; đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương;…

Hiện nay, danh mục các “siêu dự án” đầu tư công có chung tình trạng thi công kéo dài, trễ hẹn năm này qua năm khác. Thực trạng này dẫn tới danh mục các dự án trọng điểm rơi vào tình trạng “đội vốn”, quá trình giải quyết cũng vì thế kéo dài thêm nhiều thủ tục, tiểu dự án thành phần rất phức tạp. Việc thi công chậm trễ gây bức xúc dư luận, và sức ép phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đi kèm với chất lượng công trình rất khó đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Về thực trạng kể trên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã thẳng thắn đánh giá, các dự án công kém hiệu quả, thi công chậm trễ, kéo dài, quy hoạch “treo” đang nổi cộm, trong đó có nhiều dự án thụ hưởng từ Nghị quyết 54 của Quốc hội (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) nhưng lại rất chậm triển khai. Qua giám sát đối với 32 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, với tổng diện tích hơn 1.843ha. Sau đó, HĐND TPHCM cũng đã thông qua các nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.954 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Lệ đánh giá, dù đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ gửi qua các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thông thường 1 hồ sơ phải thực hiện ít nhất 6 tháng). Thế nhưng, các thủ tục triển khai thực hiện tiếp theo vẫn rất chậm và chưa chuẩn bị tốt. Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, trong số 31/32 dự án cho đến nay đều chung tình trạng chưa hoàn thành tiến độ. Dù vậy, cũng mới chỉ có 1/32 dự án đã trình HĐND thành phố hủy bỏ danh mục thu hồi đất. “Điều này cho thấy UBND TPHCM chưa thật sự kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm” - bà Lệ thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cốt lõi.

Có những “siêu dự án” với quy mô vốn đầu tư tới 10.000 tỷ đồng như Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã được chính Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TPHCM đề xuất với HĐND TPHCM xin được xem xét tái giám sát dự án này. Tính tới thời điểm hiện tại, “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM tiếp tục dang dở, trễ hẹn bàn giao qua năm thứ 4 so với kế hoạch.

Quyết liệt xóa quy hoạch “treo”

Qua hoạt động giám sát của HĐND TPHCM cũng đã ghi nhận mong mỏi rất lớn của người dân tại các vùng quy hoạch “treo” là chính quyền nên loại bỏ ra khỏi quy hoạch càng sớm càng tốt để người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt, làm ăn.

Để tìm giải pháp triệt để cho vấn đề trên, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, đã có chỉ đạo đối với sở, ban, ngành và các địa phương để tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến 647 nội dung. Riêng vướng mắc giữa doanh nghiệp và người dân có liên quan tới khoảng 62 dự án bất động sản đang chững lại các giao dịch. Theo ông Phan Văn Mãi, nếu tháo gỡ được các vướng mắc này sẽ giải quyết được lượng lớn hồ sơ giấy tờ nhà đất, khơi thông dòng tiền đầu tư.

Trong khi đó, đối với “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỷ đồng đã trễ hẹn qua năm thứ tư liên tiếp, từ đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị, HĐND TPHCM đã lên kế hoạch (số 225/KH-HĐND-ĐT) để tái giám sát chặt chẽ, đôn đốc các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành dự án. Hiện nay các đơn vị liên quan đã được yêu cầu gửi báo cáo về HĐND TPHCM để xem xét cụ thể việc tổ chức giám sát quá trình triển khai công trình nghìn tỷ này.

Để tránh những “lùm xùm” trong hoạt động đầu tư công, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Thanh tra TPHCM và các sở ngành rà soát lại các quy định liên quan việc chuyển nhượng và đấu giá dự án có dấu hiệu trục lợi. Sau đó, thành phố yêu cầu giám sát chặt chẽ từ công tác đấu giá đất đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án.

Từ hoạt động giám sát các dự án đầu tư công thụ hưởng từ Nghị quyết 54, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng nhìn nhận việc cần thiết phải giám sát chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đầu tư công để tránh lãng phí, thất thoát hoặc trục lợi từ chính sách. Bà Lệ dẫn chứng, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TPHCM. Thế nhưng, cho đến nay hầu như TPHCM chỉ có 2 nhà, đất đã được phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Dù vậy, ngay cả 2 tài sản công kể trên cho đến nay cũng chưa tiến hành được việc bán, chuyển nhượng, dẫn tới TPHCM không thu được 50% khoản tiền kể trên để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.

Các yếu kém trong giám sát tiến độ dự án đầu tư công không chỉ ở khía cạnh con người, chủ đầu tư dự án yếu kém mà còn xuất phát từ năng lực quản lý của cơ quan nhà nước có liên quan. Để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí hoặc trục lợi từ hoạt động đầu tư công, TPHCM đang tính cả phương án hậu kiểm thông qua phần mềm giám sát đầu tư, các dự án đầu tư công.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, qua rà soát các dự án đầu tư từ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố, Sở này ghi nhận còn khoảng 2.000 dự án ở các cấp, cùng nhiều bất cập khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai các dự án.

Về giải pháp lâu dài, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM sẽ tăng cường hậu kiểm thông qua phần mềm giám sát đầu tư, các dự án. Ngoài ra, định kỳ thành phố sẽ họp, lắng nghe, đối thoại với các sở, ngành liên quan để kịp thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nhất là triển khai thực hiện các dự án lớn trọng điểm để có giải pháp, kế hoạch tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ kịp thời.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ xem xét xóa khỏi quy hoạch đối với dự án “treo”. Trong đó, TPHCM đã kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN) “treo” hơn 10 năm là KCN Bàu Đưng và Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, KCN Xuân Thới Thượng ở huyện Hóc Môn. Riêng dự án KCN Bàu Đưng sẽ yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại, giữ hay không giữ sẽ thông tin công khai để đảm bảo quyền giám sát của người dân.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-dau-tu-cong-tai-tp-ho-chi-minh-van-nong-quy-hoach-treo-5686491.html