Giám sát sức khỏe lái xe: Vẫn còn bỏ ngỏ
Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến lái xe dương tính với ma túy xảy ra thời gian qua trên địa bàn cả nước khiến nhiều người lo lắng. Để ngăn ngừa, việc kiểm tra, phát hiện lái xe có sử dụng chất kích thích là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ bởi nhiều doanh nghiệp vận tải chưa thực sự quan tâm.
Theo quy định hiện nay, định kỳ 6 tháng/lần (đối với xe khách từ 40 ghế, xe tải từ 7 tấn trở lên) lái xe phải đi kiểm tra sức khỏe. Đây là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm an toàn giao thông nhưng nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện chưa nghiêm.
* Phát hiện nhiều lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia
Chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) Nguyễn Phan Trong cho hay, trong năm 2019 đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức 2 đợt kiểm tra khám sức khỏe định kỳ cho lái xe tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa tỉnh.
Hiện nay, chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp, lái xe không chấp hành kiểm tra sức khỏe còn khá nhẹ. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 28 Nghị định 46/CP/2016 ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với lái xe tối đa là 2 triệu đồng, còn mức phạt đối với doanh nghiệp tối đa là 4 triệu đồng.
Qua kiểm tra đối với 14 đơn vị, chỉ mới tổ chức khám sức khỏe định kỳ được cho 1.684 lái xe. Nếu so với tổng số gần 17 ngàn lái xe đang làm việc thì con số này rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 9,9%. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền 42 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các đơn vị vận tải hoàn tất tổ chức khám sức khỏe năm 2019 đối với những lái xe còn lại tại các đơn vị.
Ngoài ra, kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn đối với 175 lái xe và kiểm tra việc sử dụng ma túy, các chất kích thích khác đối với 139 lái xe tại những đơn vị này, lực lượng chức năng đã phát hiện 1 lái xe có phản ứng với ma túy. Điều này cho thấy, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sức khỏe của lái xe. Nếu không đảm bảo sức khỏe và sự minh mẫn để điều khiển phương tiện, tai nạn có thể xảy ra.
Thượng tá Đặng Thế Trung, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia. Theo đó, Công an tỉnh đã triển khai 3 đợt cao điểm tổng kiểm tra trên các tuyến quốc lộ trọng điểm là quốc lộ 1, quốc lộ 20 và quốc lộ 51.
Qua kiểm tra, lực lượng công an đã xử lý 18 trường hợp lái xe sử dụng ma túy, tạm giữ 18 phương tiện, tước giấy phép lái xe 8 trường hợp. Đối với chuyên đề về nồng độ cồn, cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 4 ngàn trường hợp vi phạm (gồm 174 xe ô tô và gần 1,8 ngàn xe mô tô) với số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng.
Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhằm phối hợp với các sở: Giao thông - vận tải, Y tế thực hiện chuyên đề kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng chất ma túy trên các tuyến đường giao thông và tại các đơn vị, doanh nghiệp vận tải. Đồng thời, công an các đơn vị, địa phương khi tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm cũng sẽ thường xuyên xử lý đối với hành vi này.
* Cần chế tài mạnh hơn
Không phải đến bây giờ chuyện lái xe sử dụng chất kích thích điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, cũng như việc quản lý sức khỏe của tài xế mới được nêu lên, mà từ trước đó rất lâu, cơ quan chức năng đã có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Cụ thể, tại Thông tư số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT của Liên bộ Y tế - Giao thông - vận tải ngày 24-8-2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.
Theo đó, người lái xe phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe và chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông - vận tải hoặc của người sử dụng lao động.
Đồng thời, người sử dụng lao động lái xe ô tô phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Y tế giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - vận tải) Vũ Văn Triển cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đều thực hiện kiểm tra sức khỏe đối với lái xe và báo cáo kết quả về Sở Giao thông - vận tải các địa phương, song không ít trường hợp thực hiện chỉ để đối phó.
“Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay mặc dù cũng thực hiện theo Bộ luật Lao động là kiểm tra sức khỏe với lái xe 6 tháng/lần, trong đó có kiểm tra việc sử dụng ma túy, nhưng phó mặc cho lái xe, cứ tự đi khám và mang kết quả về là xong. Do vậy, kết quả kiểm tra không phản ánh đúng thực trạng sức khỏe của đội ngũ lái xe” - ông Triển nói.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, rất cần sự thay đổi về cách làm, cách quản lý và trên hết là ý thức của người lái xe. Trong đó, các quy định pháp luật cần xác định đảm bảo sức khỏe an toàn là điều kiện bắt buộc để có thể hành nghề của lái xe.
“Nếu lái xe không tuân thủ quy định về khám sức khỏe định kỳ thì phải bị tước bằng lái, còn doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Chỉ có như vậy, người lái xe cũng như chủ doanh nghiệp mới coi việc đảm bảo sức khỏe là một việc không thể không làm nghiêm túc” - ông Hùng nhấn mạnh.