Giám sát thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng

Hôm nay 13/10, đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh do Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân làm trưởng đoàn tiếp tục làm việc với 2 xã Hướng Tân và Hướng Phùng về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã người dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2025, chiến lược đến năm 2030 và khảo sát tác động của các dự án điện gió trên địa bàn các xã.

 Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại dự án điện gió Hướng Tân - Tân Linh- Ảnh: ĐV

Đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại dự án điện gió Hướng Tân - Tân Linh- Ảnh: ĐV

Xã Hướng Tân hiện có 20 CBCC, trong đó có 10 CBCC là người DTTS. Tính từ năm 2018 đến nay, số CBCC là người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn xã là 5/6 cán bộ chuyên trách và 4/4 công chức xã đã có trình độ chuyên môn đại học. Trong hai năm 2020 và 2021, xã có 4 CBCC người DTTS được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, tin học văn phòng và các kỹ năng hành chính.

Toàn xã Hướng Phùng hiện có 21 CBCC. Đến năm 2022 xã có 8/21 CBCC là người DTTS; trong đó trình độ chuyên môn đại học là 7 người; lý luận chính trị cao cấp 1 người, lý luận chính trị trung cấp 6 người. Từ năm 2018 đến nay xã có 4 người được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, quản lý nhà nước.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã là người DTTS của 2 xã Hướng Tân và Hướng Phùng đã phát huy hiệu quả vào thực tiễn. Đội ngũ CBCC người DTTS được đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, cải cách hành chính, giảm nghèo, bảo tồn những bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Tại buổi làm việc, các xã kiến nghị tỉnh tăng chỉ tiêu cho CBCC đi đào tạo lý luận chính trị và tăng số lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên để CBCC các xã sớm đạt chuẩn theo quy định; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo mới, đào tạo lại nâng cao năng lực, trình độ cho CBCC là người DTTS; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng CBCC dưới 45 tuổi đối với nam và 40 tuổi đối với nữ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cần sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính và gắn với tiêu chuẩn cơ cấu, tính kế thừa, bố trí, sắp xếp cán bộ; hỗ trợ thêm kinh phí cho CBCC nữ là người DTTS được cử đi đào tạo…

Về các dự án điện gió, trên địa bàn xã Hướng Tân đến nay có 2 dự án điện gió trực tiếp thi công và 3 dự án có đường dây truyền tải điện đi qua. Xã Hướng Phùng có 5 dự án điện gió đi vào vận hành và hòa lưới điện quốc gia, 2 dự án đang giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB). Bên cạnh những tác động tích cực mang lại, các dự án điện gió trên địa bàn các xã cũng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc: nguy cơ sạt lở rất từ các bãi thải của các công trình điện gió, nhất là vào mùa mưa lũ; diện tích ruộng lúa của người dân bị vùi lấp không nhỏ, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm…

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC người DTTS, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân đề nghị các xã cần xây dựng, ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng CBCC; trong đó quan tâm ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ được quy hoạch có năng lực, triển vọng để tạo nguồn kế cận cho cấp xã, huyện. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Liên quan đến các dự án điện gió trên địa bàn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân về việc thỏa thuận với chủ đầu tư các dự án về mức hỗ trợ, bồi thường, GPMB một cách hợp lý; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, quản lý hộ khẩu chặt chẽ.

Rà soát các hộ thiếu đất, bị thu hồi đất, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến người dân để đề nghị với các chủ đầu tư dự án điện gió có giải pháp khắc phục. Quan tâm giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của người dân ngay từ cơ sở, tránh để kéo dài.

Đối với các dự án điện gió Hướng Tân - Tân Linh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị cần có kế hoạch xử lý triệt để những phần đất thi công đang còn tồn đọng; xử lý an toàn các chất thải nguy hại; có giải pháp khảo sát và phương án khắc phục, tiếp tục trồng cây xanh trên diện tích có nguy cơ sạt lở; gia cố bờ kè các công trình điện gió nằm ở vị trí trên đồi núi cao nhằm hạn chế sạt lở gây lấp ruộng lúa, hoa màu của người dân ở những nơi thấp trũng.

Đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ chương trình an sinh xã hội, các mô hình sinh kế cho những hộ bị thu hồi đất nông nghiệp để ổn định đời sống cho người dân. Thực hiện vận hành công trình đảm bảo an toàn, nhất là đối với người dân, vật nuôi ở địa phương.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=171193&title=giam-sat-thuc-hien-chinh-sach-dao-tao-boi-duong-can-bo-dan-toc-thieu-so-tai-cac-xa-huong-tan-huong-phung