Giám sát toàn diện: Cần giải pháp mạnh xóa 4.000 điểm đen giao thông đường sắt và đảm bảo an toàn hàng hải

Với mục tiêu không ngừng 'đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội', hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng được cải tiến, đổi mới từ việc xây dựng thể chế cho đến việc triển khai thực hiện từng nội dung giám sát, trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Một trong những chuyên đề giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn trong năm nay là ' Việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Qua giám sát có thể thấy, một trong những bất cập cần có phương án giải quyết kịp thời là xóa bỏ các đường ngang, lối đi tự mở ở các tuyến đường sắt cũng như xử lý nghiêm tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có hơn 4.000 lối đi tự mở. Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện đang có 363 lối đi tự mở và 252 vị trí vi phạm về bảo vệ công trình thông tin tín hiệu, 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt. Điều đáng nói, số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở chiếm tới hơn 70%. Biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

Hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra cho câu chuyện mất an toàn giao thông đường sắt này, nhưng chủ yếu vẫn do ý thức của người tham gia giao thông, các lối đi tự mở không có rào chắn, không có đèn cảnh báo nguy hiểm. Những vấn đề này đã được đoàn giám sát thẳng thắn chỉ ra tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai - địa phương đang có 189 điểm giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó có 177 lối đi tự mở.

Khẳng định trong tham gia giao thông ý thức của người dân rất quan trọng, các thành viên đoàn giám sát đề nghị các địa phương cần có giải pháp đặc thù trong công tác tuyên truyền, nhất là đối với khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tính trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm xảy ra khoảng 190 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 82 người chết, 120 người bị thương, làm hư hỏng gần 90 ô tô, xe máy các loại. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 66 vụ (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2023), làm 48 người chết (tăng 3 nạn nhân so với cùng kỳ). Những con số này cho thấy có quá nhiều vụ tai nạn xảy ra từ những lối dân sinh này. Bên cạnh tồn tại về đường ngang, lối mở tự phát trên tuyến đường sắt thì vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng hải cũng đang còn những bất cập. Đây cũng là vấn đề được các thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra khi đi giám sát thực tế tại các địa phương.

Có thể thấy, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từ thực tế tại địa phương, qua nhìn nhận tổng hợp của thành viên đoàn giám sát sẽ góp phần giúp các Bộ ngành, địa phương rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng như đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn tiếp theo.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Thu Quỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/giam-sat-toan-dien-can-giai-phap-manh-xoa-4000-diem-den-giao-thong-duong-sat-va-dam-bao-an-toan-hang-hai-233737.htm