Giám sát việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn
Sáng 5-4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã dẫn đầu Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giám sát về tình hình tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).
Tham dự đoàn giám sát có các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; một số đại biểu Quốc hội thành phố; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở, ban, ngành.
Báo cáo với đoàn, đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51ha. Dự án được khởi công từ tháng 8-2019. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ, đáp ứng nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của thành phố Hà Nội. Nhà máy xây dựng có công suất 4.000 tấn/ngày - đêm cùng các công trình phụ trợ, công trình cơ sở hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn. Đến nay, các công trình, thiết bị thuộc giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và sẵn sàng đi vào vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, công suất 800 tấn/ngày - đêm...
Đại diện công ty cho biết thêm, theo kế hoạch ban đầu hoàn thành dự án tháng 10-2020, nhưng do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công… Để sớm hoàn thành dự án, đại diện chủ đầu tư đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo, phối hợp xác nhận thủ tục vận hành thử nghiệm các hạng mục môi trường, đấu nối điện.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, với sự cố gắng của Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội và tạo điều kiện của chính quyền các cấp của thành phố, công trình nhà máy điện rác đã cơ bản xong, dự kiến ngày 30-4, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và phấn đấu năm 2022, xây dựng hoàn chỉnh nhà máy với công suất 4.000 tấn/ngày - đêm…
Đồng chí Nguyễn Trọng Đông đề nghị thời gian tới, chủ đầu tư sớm hoàn thiện các công trình phụ trợ, trồng cây xanh xung quanh; các sở, ngành tham mưu giải quyết xong các thủ tục về cấp phép môi trường; các đơn vị được giao vận hành bãi rác cần lưu tâm, tránh xảy ra sự cố; huyện Sóc Sơn sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích còn lại để triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố đặc biệt quan tâm công tác môi trường, trong đó, Thành ủy đã ban hành các nghị quyết, chương trình chỉ đạo tổ chức thực hiện. Thời gian qua, HĐND thành phố cũng ưu tiên quyết sách nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến dự án đầu tư, dân cư xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. “Việc giám sát để đánh giá kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, xem tồn tại vướng mắc để từ đó đôn đốc, tháo gỡ, tập trung có giải pháp yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai thực hiện và có chỉ đạo kịp thời”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Để đưa vào vận hành hiệu quả Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các đơn vị với huyện Sóc Sơn, để bảo đảm vận hành hiệu quả. Cần tập trung vào những nút thắt, lựa chọn những công việc cụ thể để ưu tiên tập trung triển khai. Sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố sẽ ban hành kết luận, chỉ rõ lộ trình, tiến độ từng hạng mục, những tồn tại, kiến nghị các giải pháp để tập trung chỉ đạo.
Đối với Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để sớm hoàn thiện dự án, trong đó phải xây dựng kế hoạch chi tiết để đưa vào vận hành.
“Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội phải triển khai toàn bộ nội dung đã cam kết, tăng nhân lực, vật lực để bảo đảm tiến độ dự án. Các sở, ngành của thành phố có trách nhiệm tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sâu sát để công trình không chậm muộn tiến độ”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.