Giảm tác động của hiện tượng đảo nhiệt đô thị: Giải pháp nào?
Nhiệt độ tầng bề mặt đất khu vực nội thành những ngày nắng nóng thường cao hơn tầng không khí khoảng 3-5 độ C trở lên, trong khi vùng ngoại thành không có khác biệt lớn. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị này là nội dung cuộc trao đổi nhanh giữa phóng viên Báo Hànôịmới với Tiến sĩ Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Tăng diện tích cây xanh để nội thành Hà Nội giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình nắng nóng trong tháng 6?
- Tháng 6 vừa qua, thành phố Hà Nội xảy ra 2 đợt nắng nóng diện rộng: Đợt 1, từ ngày 30-5 đến 13-6 và đợt 2 từ ngày 16 đến 30-6. Trong đợt 1, nhiệt độ không khí cao nhất tại trạm đo Láng 39,8 độ C, Hà Đông 39,6 độ C, Ba Vì 39,5 độ C... Còn đợt 2, nhiệt độ cao nhất tại trạm đo Láng 40,2 độ C, Hà Đông 39,4 độ C, Ba Vì 39 độ C... Những số liệu này cho thấy, nhiệt độ không khí ở khu vực nội thành cao hơn vùng ngoại thành.
Ở góc nghiên cứu khác, chúng tôi nhận thấy, nhiệt độ tầng bề mặt đất ở khu vực nội thành trong những ngày nắng nóng thường cao hơn tầng không khí khoảng 3-5 độ C trở lên; trong khi vùng ngoại thành không có sự khác biệt lớn. Sự chênh lệch nhiệt độ ở tầng bề mặt đất và tầng không khí tại khu vực nội thành Hà Nội so với vùng ngoại thành được ngành Khí tượng thủy văn gọi là hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Dự báo trong tháng 7, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra 2-3 đợt nắng nóng. Đợt 1 sẽ bắt đầu từ khoảng thứ hai tuần sau (6-7); các đợt 2 và 3 sẽ xuất hiện vào khoảng trung tuần tháng 7. Xen kẽ các đợt nắng nóng này là những ngày mưa, dông...
- Vì sao khu vực nội thành lại có hiện tượng đảo nhiệt, thưa ông?
- Trước tiên là do mật độ xây dựng công trình giao thông, nhà cao tầng dày đặc và sử dụng chủ yếu các loại vật liệu bê tông, gạch, đá, kim loại, kính, nhựa... Khi nhiệt lượng từ mặt trời tỏa xuống, diện tích bề mặt sử dụng những loại vật liệu này chỉ hấp thụ được khoảng 20%, 80% nhiệt lượng còn lại phản ngược vào không gian và bị các khối nhà cao tầng giữ lại, không thể phát tán ra khu vực xung quanh, lên bầu khí quyển. Nhân tố thứ hai là lượng nhiệt thải từ phương tiện giao thông và hệ thống điều hòa không khí...
Ngược lại, khu vực ngoại thành có nhiều diện tích cây xanh, đồng cỏ, ao hồ, mặt đất..., có khả năng hấp thụ nhiệt lượng cao hơn. Do vậy, nhiệt độ bề mặt ở khu vực ngoại thành ít tăng so với nhiệt độ không khí. Điều này cũng lý giải vì sao tham gia giao thông trong những ngày nắng nóng ở khu vực nội thành, nhất là trên các tuyến phố ít cây xanh, nhiều nhà cao tầng, như: Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Văn Phú..., người dân cảm thấy nóng bức hơn rất nhiều so với khu vực trồng nhiều cây xanh, ít nhà cao tầng.
- Vậy, giải pháp nào để giảm hiện tượng đảo nhiệt, phát triển đô thị bền vững?
- Theo tôi, việc quan trọng nhất và khả thi nhất có thể làm là trồng nhiều cây xanh, tăng diện tích ao, hồ... nhằm hấp thụ nhiều hơn nhiệt lượng tỏa ra từ mặt trời. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trong khu vực nội thành; nghiên cứu và đưa vào sử dụng tấm lợp mái nhà, xưởng sản xuất, trải thảm mặt đường... bằng những loại vật liệu có khả năng hấp thụ nhiệt cao, thay thế mái tôn, bê tông, nhựa, đá tự nhiên...
Đặc biệt, khi quy hoạch đô thị, nên dành nhiều diện tích trồng cây xanh, thảm thực vật, xây dựng hệ thống hồ điều hòa; lưu ý khoảng cách giữa các khối nhà bảo đảm khả năng lưu thông của gió để phát tán nhiệt lượng bề mặt đất, không khí ra môi trường rộng hơn, hoặc thoát lên bầu khí quyển...
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!