GIẢM TẢI CHO TP THỦ ĐỨC - Bài 3: Để hết 'khát' nhân lực chất lượng cao

TP Thủ Đức đang trở thành nơi sử dụng và đi đầu trong cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho cả khu vực.

TP Thủ Đức là nơi tọa lạc của hàng loạt đại học lớn của TP.HCM như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Luật, ĐH Sư phạm kĩ thuật, ĐH Giao thông vận tải, Học viện Ngân hàng....

TP Thủ Đức cũng là nơi tọa lạc của Khu Công nghệ cao TP.HCM, KCN Linh Trung 1, Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu,...Do đó, TP Thủ Đức vừa là đơn vị đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa là nơi "hấp thụ" nguồn nhân lực này.

Sau 3 năm thành lập, TP Thủ Đức đang từng bước xây dựng trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, thách thức phía trước còn nhiều bởi thị trường lao động luôn biến đổi, nguồn lực còn hạn chế.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện TP.HCM có khoảng 5 triệu lao động, trong đó có 37% lao động được đào tạo, trong số này có 22,5% lao động được đào tạo đại học. Mỗi năm có khoảng 125.000 nhân lực được đào tạo đưa tới thị trường lao động trong và ngoài TP. Tuy nhiên, thực tế có đến 48% lao động làm việc không đúng ngành đã học, nhiều lao động phải đào tạo lại.

Anh Nguyễn Lê Hoàng (TP Thủ Đức) cho biết anh là sinh viên của Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG), hiện đang làm việc tại công ty ở khu công nghệ cao TP Thủ Đức.

“Sau khi tốt nghiệp, tôi khá bỡ ngỡ khi tiếp nhận công việc – dù khá đơn giản. Do chương trình học còn thiên về lý thuyết nên đa phần công việc tôi làm đều được công ty đào tạo lại từ đầu. Một trong những nguyên nhân là do trường thiếu các cơ sở thực hành. Bởi vậy, chúng tôi khó đề xuất mức lương cao so với mặt bằng lương của công ty. Sinh viên ra trường tất nhiên là thiếu kinh nghiệm, nhưng nhu cầu nhân lực doanh nghiệp cần và trường đào tạo chưa khớp nhau” – anh Hoàng chia sẻ.

Học ngành xuất nhập khẩu, chị Nguyễn Hồng Anh, TP Thủ Đức cũng chọn KCN VSIP Bình Dương để làm sau khi tốt nghiệp. Chị Hồng Anh cho biết môi trường làm việc, cơ sở vật chất, các vấn đề hạ tầng ở đây đều cơ bản đáp ứng, nên đã làm việc ở Bình Dương gần 10 năm nay.

“Tôi nghĩ TP Thủ Đức đã có cơ sở phát triển rất tốt, song cần cải thiện hơn nữa về tình hình giao thông, môi trường hoặc có cơ chế tuyển dụng đặc biệt hơn để thu hút sinh viên ở lại TP Thủ Đức”- chị Hồng Anh nói.

Ông Đậu Phi Quyết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho biết công ty thực sự thiếu nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi số, bao gồm điều khiển tự động, tin học, công nghệ thông tin,…

“Chúng tôi đã trải qua quá trình tuyển dụng, tìm kiếm từ bên ngoài… nhưng để thực sự đáp ứng công việc thì thực sự khó khăn. Hiện, công ty mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu nhân sự” - ông Quyết nói.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công ty Việt Thắng cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi môi trường đào tạo phải áp dụng chương trình tiên tiến, để khi tiếp cận môi trường làm việc, người lao động sẽ thích ứng ngay được.

Hơn hết, doanh nghiệp mong muốn sử dụng lao động “nóng”, không phải trải qua quá trình đào tạo lại từ đầu. Tốt nhất, doanh nghiệp chỉ cần giới thiệu quy trình và hướng dẫn thủ tục là có thể bắt tay ngay vào công việc.

Mặc dù, việc đào tạo sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới công ty như thời gian sắp xếp, kinh phí… nhưng thời điểm này là vô cùng cấp thiết bởi đây là hành trang quan trọng để công ty theo kịp công nghệ 4.0.

TS Thái Trí Dũng, Trưởng Bộ môn Quản lý nguồn nhân lực, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết nguồn nhân lực ở TP Thủ Đức rất nhiều, tuy nhiên lại đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là một thách thức rất lớn đối với TP Thủ Đức.

“Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể hiểu là lực lượng lao động mà có tay nghề được đào tạo một cách bài bản và nắm rõ về khoa học kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, nguồn nhân lực ấy cần phải được đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.”

Đề án nghiên cứu về "Phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP giai đoạn 2020-2035" của ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM dự báo từ năm 2020 đến năm 2040, TP Thủ Đức sẽ đạt các mốc phát triển dân số, kéo theo đó là nhu cầu về nguồn nhân lực.

Cụ thể, đến năm 2030, dân số TP sẽ đạt mức 1,5 triệu người, tương ứng có 50.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia. Đến năm 2040, dân số TP đạt 1,9 triệu người, tương ứng có 150.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia.

Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng – Phó Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQG TP.HCM, nguồn nhân lực chất lượng cao của một số lĩnh vực tại TP.HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung đang rất thiếu như ngành công nghệ thông tin, truyền thông, y tế, quản trị kinh doanh,... riêng nhân lực cho mảng chuyển đổi số đang thiếu khoảng 30% so với nhu cầu.

Hiện trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn nhất tại TP Thủ Đức là ĐHQG TP.HCM cho biết hiện ĐHQG đã đào tạo khoảng 5.000 sinh viên các ngành “khát”, song nếu có cơ chế đặt hàng ĐHQG có thể đào tạo lên tới 7.500 sinh viên/năm.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo lộ trình. Đơn cử như Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn TP đến năm 2025; Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” vào ngày 10-9 mới đây, TP.HCM xác định tập trung đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là khoa học công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh chất lượng nguồn nhân lực là một vấn đề cốt lõi giúp TP phát triển bền vững. TP.HCM phấn đấu có 87% nguồn nhân lực qua đào tạo vào năm 2025 và 89% vào năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị chú trọng các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, tự động hóa...để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.

Theo TS Thái Trí Dũng, Trưởng Bộ môn Quản lý nguồn nhân lực, trường ĐH Kinh tế TP.HCM, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, TP cần phải đẩy mạnh về hoạt động đào tạo. Trước hết, TP cần phải xây dựng chính sách hợp lý liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ riêng đối với doanh nghiệp mà cần có chính sách chung của cả TP.

Chẳng hạn, các trường cần định hướng kết hợp với các doanh nghiệp để giúp sinh viên có kỳ thực tập chất lượng và thực tế hơn. Doanh nghiệp cần có hình thức khuyến khích các trường đại học tự nâng cao chất lượng của mình bằng cách cử chuyên gia thực tế tới trường để chia sẻ.

Nắm bắt từ nhu cầu thực tế, TS Bằng cho biết ĐHQG TP.HCM luôn xem chất lượng đào tạo là ưu tiên hàng đầu và tập trung đầu tư vào bốn nội dung lớn.

Thứ nhất - đổi mới công tác tuyển sinh. ĐHQG TP.HCM đánh giá năng lực để tuyển chọn được sinh viên đầu vào có chất lượng.

Thứ hai - cải tiến chương trình đào tạo tiệm cận quốc tế, liên tục cải tiến chương trình đào tạo theo công nghệ 4.0, theo phương pháp mới.

Thứ ba - tăng cường đảm bảo chất lượng bên trong. ĐHQG TP.HCM đã có khoảng 118 chương trình đào tạo đạt kiểm định chuẩn quốc tế, đứng top 179 ở các đại học hàng đầu châu Á, theo chuẩn xếp hạng QS.

Thứ tư - tăng cường hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp. ĐHQG đã phối hợp tốt với các doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng các nhu cầu của “nhà tiêu dùng” sau khi sinh viên tốt nghiệp. Hiện giờ các doanh nghiệp đánh giá rất cao chất lượng của sinh viên ĐHQG TP.HCM.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với trường đại học trong tham gia ngay từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, triển khai đào tạo. Sự phối hợp giữa đại học và doanh nghiệp giúp sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay công việc mà không cần đào tạo lại.

Cuối cùng, sau khi đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, TP Thủ Đức cần xây dựng cơ chế để sử dụng, điều phối và phân bổ nguồn nhân lực này.

TS Thái Trí Dũng, Trưởng Bộ môn Quản lý nguồn nhân lực, trường ĐH Kinh Tế TP.HCM cho rằng Nghị quyết 98 (NQ98) về cơ chế đặc thù đối với TP.HCM sẽ cho phép TP Thủ Đức thu hút đầu tư đổi mới công nghệ và sáng tạo, ưu tiên phát triển nhiều ngành nghề.

Theo đó, từ NQ98, TP Thủ Đức có thể đầu tư những lĩnh vực mang tính đột phá cao như là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới và xây dựng chính quyền địa phương. Hạ tầng giao thông phát triển tốt hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư…Đây là cơ sở thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về TP Thủ Đức.

Từ NQ98, TP Thủ Đức sẽ ưu tiên phát triển như lĩnh vực khoa học kỹ thuật đòi hỏi chất lượng cao. Như vậy, các doanh nghiệp cũng sẽ có động lực để đào tạo đội ngũ nhân viên đủ kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mới, công nghệ mới… Tuy nhiên, để NQ98 đi vào thực tế và trở thành động lực thì cần cơ chế chính sách và con người.

TS Bằng cũng cho rằng NQ98 ra đời đã mang đến “làn gió mới” cho ngành giáo dục. Lúc này, TP có thể thu hút các chuyên gia đầu ngành, nguồn nhân lực chất lượng cao với cơ chế trả lương riêng, đặc thù.

Hơn hết, ngành giáo dục có chính sách cho vay vốn tài chính, tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, … Lúc này, các đơn vị có thể hưởng lợi và phát triển mạnh, nhanh về các nội dung giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, ĐHQG sở hữu nguồn nhân lực với hơn 3.000 chuyên gia, ở các lĩnh vực khác nhau sẽ có thể đồng hành cùng TP trong việc triển khai NQ98.

Trong tương lai, ĐHQG TP.HCM cũng đã sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

ĐHQG TP.HCM đã xây dựng đề án và chuẩn bị trình Chính phủ đề án phát triển ĐHQG TP.HCM thành nhóm cơ sở giáo dục, đào tạo hàng đầu Châu Á, chuyên tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện các đơn vị, doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn về công nghiệp bán dẫn cũng hứa cam kết sẽ đồng hành cùng ĐHQG TP.HCM để cùng đào tạo nguồn nhân lực.

ĐHQG sẽ xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.

Với đề án trên, ĐHQG TP.HCM sẵn sàng cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các Tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào TP.HCM và cả Đông Nam bộ.

Mới đây, vào ngày 7-9, TP.HCM đã chính thức khánh thành Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức. Với sự ra đời của trung tâm này, TP.HCM hướng đến mục tiêu đưa TP Thủ Đức trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của thế giới.

Có thể thấy, sự quyết tâm trên đã được thể hiện khi sự kiện khánh thành Trung tâm có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của Trung ương và TP.HCM như Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.,,,

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết định hướng phát triển sắp tới của khu công nghệ cao là tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, có sức lan tỏa lớn cho khu vực và cả nước. Trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn rất phát triển. Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp làm về vi mạch bán dẫn, song phần lớn chỉ thực hiện ở khâu lắp ráp trong chuỗi giá trị sản phẩm điện tử của các doanh nghiệp toàn cầu, nên giá trị gia tăng mang lại không cao.

Vì vậy, định hướng lâu dài là các doanh nghiệp phải dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang tự phát triển và sản xuất được con chip trong nước để nâng cao giá trị gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cần phải được ưu tiên phát triển, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Dữ liệu được công bố trên Cổng thông tin KH-CN quốc gia, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trong đó phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%)… nhưng những con số này vẫn còn rất khiêm tốn, nhất là đặt trong chiến lược phát triển ngành vi mạch của Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết vừa qua Quốc hội đã ban hành NQ98, cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế chính sách, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược. TP sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ để phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao, bao gồm công nghệ vi mạch bán dẫn. TP.HCM cũng sẽ thí điểm chính sách để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực và sản xuất ở Khu công nghệ cao.

Với tinh thần này, TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng cam kết sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp chíp, vi mạch chất bán dẫn – Trung tâm khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ ở tầm quốc gia mà còn cạnh tranh với cả khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định ngành công nghiệp điện tử có tầm quan trọng rất lớn đối với những đất nước công nghiệp. Đặc biệt hơn, nếu không có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ không có ngành công nghiệp điện tử. Hơn hết, nếu không có một đội ngũ tri thức, am hiểu để đáp ứng…thì cũng sẽ không có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Vì vậy, Chính phủ sẽ cùng TP.HCM và NQ98 để lắng nghe doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học để kết nối 70.000 các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực điện tử. Tất cả hướng tới mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện tử.

HỌ ĐÃ NÓI

Thực hiện: ĐÀO TRANG-NHẬT DIỄM- NGUYỄN TIẾN Đồ họa: MỸ DUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-tai-cho-tp-thu-duc-bai-3-de-het-khat-nhan-luc-chat-luong-cao-post750633.html