Giảm thiểu gian lận thuế kinh doanh qua mạng

Năm 2025, thêm một ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trong quản lý thuế là Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số.

“Việc đưa ứng dụng này vào quản lý thuế sẽ giảm thiểu số người kinh doanh TMĐT muốn trốn thuế”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Sau khi triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (etaxvn.gdt.gov.vn) vào vận hành, mới đây, ngành thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT. Bà đánh giá thế nào về việc này?

Triển khai etaxvn.gdt.gov.vn đã cho thấy, việc quản lý thuế rất hiệu quả, không chỉ tăng thu ngân sách nhà nước, giảm áp lực công việc trong quản lý thuế, mà còn giảm tối đa thời gian, công sức, chi phí cho người nộp thuế, tạo điều kiện cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam tuân thủ pháp luật thuế khi có doanh thu tại Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, từ thời điểm triển khai vận hành etaxvn.gdt.gov.vn (ngày 21/3/2022) đến nay đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế với số tiền thuế đã khai - nộp trực tiếp qua etaxvn.gdt.gov.vn năm 2024 là 8.687 tỷ đồng, tăng 26% số thu cùng kỳ năm 2023, vượt 74% so với dự toán.

Trước sự thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, ngày 19/12/2024, ngành thuế đã đưa Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT vào vận hành. Cổng thông tin này sẽ hỗ trợ tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki; cung cấp hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội Facebook, Zalo; cá nhân nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên các nền tảng như Google, YouTube; cá nhân cung cấp phần mềm trên các chợ ứng dụng CH Play, Apple Store và có thu nhập từ kinh doanh trên các nền tảng khác thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế dễ dàng, thuận tiện.

Cổng thông tin góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Thông tin người nộp thuế kê khai là nguồn thông tin quan trọng trong cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT; phục vụ cho quản lý thuế theo rủi ro, giúp cơ quan thuế xác định được các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước với TMĐT thông qua môi trường số.

Bà có nghĩ rằng, việc đưa Cổng thông tin này vào vận hành sẽ giảm thiểu được tình trạng gian lận thuế, trốn thuế trong TMĐT?

Chắc chắn là có, vì ngành thuế rất quyết liệt chống thất thu thuế đối với kinh doanh TMĐT theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Nhiều trường hợp trốn thuế đã bị phát hiện, truy thu, phạt, thậm chí đã bị cơ quan công an điều tra, khởi tố và truy tố trước pháp luật. Trước động thái này, rất nhiều người kinh doanh, có thu nhập trên không gian mạng đã chủ động đến cơ quan thuế để kê khai, nộp thuế.

Việc kê khai, nộp thuế trực tiếp mất rất nhiều thời gian, công sức cho cả cơ quan thuế lẫn người nộp thuế. Trong trường hợp nộp chậm, nộp thiếu, người nộp thuế sẽ bị thiệt hại và nhiều trường hợp còn bị nộp tiền phạt do không kê khai, nộp thuế đúng thời gian quy định. Vì vậy, khi có Cổng thông tin, tôi tin rằng, người nộp thuế sẽ tuân thủ pháp luật về thuế tốt hơn, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế kinh doanh TMĐT sẽ giảm mạnh.

Người kinh doanh TMĐT được lợi thế nào khi đăng ký, kế khai nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, thưa bà?

Theo quy định hiện hành, hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh thương mại (không phân biệt kinh doanh truyền thống hay TMĐT) có đăng ký phải nộp thuế với thuế suất là 1,5% trên doanh thu, trong đó 1% là thuế giá trị gia tăng và 0,5% doanh thu là thuế thu nhập cá nhân; hoạt động cung cấp dịch vụ là 7% hoa hồng, trong đó 5% là thuế giá trị gia tăng và 2% là thuế thu nhập cá nhân. Nhưng kinh doanh TMĐT không có địa chỉ cụ thể, cố định, nên không thể đăng ký kinh doanh, không đăng ký, kê khai thuế thì khi phát sinh thu nhập phải tạm khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân 10% số thu nhập và hết năm phải kê khai, quyết toán thuế và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% đến 35%.

Tôi đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người làm nghề livestream có doanh thu bán hàng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng và nhiều người kinh doanh TMĐT có thu thu nhập rất lớn. Tất cả họ đều muốn đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Khi Cổng thông tin điện tử đi vào vận hành, chắc chắn người kinh doanh TMĐT sẽ chủ động đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế vì chỉ phải nộp với mức bằng 1,5% doanh thu hoặc 7% tính trên hoa hồng nhận được. Với mức thuế hợp lý sẽ tăng cường tính tuân thủ của người nộp thuế, giảm thiểu gian lận về thuế.

Chuyển đổi số đang được thực hiện rất mạnh mẽ. Bà đánh giá thế nào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế?

Tôi từng sang Indonesia, Philippines và nhiều nước khác để học hỏi họ cách áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Nhưng bây giờ, dù khiêm tốn cũng phải nói rằng, Việt Nam đã áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế đi trước nhiều nước trên thế giới và khu vực, kể cả những nước mà ngành thuế từng sang học hỏi kinh nghiệm.

Trong khi nhiều nước còn đang loay hoay với quản lý thuế của cá nhân thế nào, thì Việt Nam có ứng dụng (app) eTaxmobile. Với ứng dụng này, chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối Internet, cá nhân có thể đăng ký mở tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế; tra cứu nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; nghĩa vụ tài chính về đất...; nộp thuế điện tử thông qua kết nối, tích hợp trực tuyến với hệ thống ngân hàng thương mại. Đặc biệt, chỉ cần chiếc điện thoại, ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, cá nhân đều có thể tra cứu hồ sơ khai thuế; quyết toán thuế; thông tin người nộp thuế; thông tin người phụ thuộc và nhiều tiện ích khác cho người nộp thuế.

Ngoài hệ thống công nghệ thông tin hiện hành, tới đây, ngành thuế sẽ ứng dụng “trợ lý ảo”, hoạt động hỗ trợ người nộp thuế sẽ tiến thêm bước mới, thưa bà?

Tổng cục Thuế đang áp dụng thí điểm ứng dụng trợ lý ảo (Chatbot) hỗ trợ người nộp thuế. Tôi được mời tham dự Lễ ra mắt Chatbot của Cục Thuế Hà Nội. Tại đây, tôi đã hỏi Chatbot về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2024 nếu có nhiều nguồn thu nhập, chỉ trong vòng chưa đến 5 giây đã có câu trả lời, hướng dẫn cụ thể.

Chủ động chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tôi được biết, năm 2024, ngành thuế đã hỗ trợ hơn 3,2 triệu lượt người nộp thuế qua hình thức thư điện tử, mạng xã hội, website của cơ quan thuế. Đây là hình thức hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và tiết kiệm được chi phí.

Sau khi đưa Cổng thông tin điện tử dành cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ TMĐT vào vận hành, ngành thuế sẽ triển khai Chatbot và hàng loạt ứng dụng công nghệ thông tin khác để hỗ trợ người nộp thuế. Thực tế cho thấy, chỉ khi hỗ trợ người nộp thuế tốt hơn, chính sách thuế hợp lý hơn, thì tính tuân thủ thuế của người dân, doanh nghiệp sẽ cao hơn, hành vi trốn thuế sẽ được giảm thiểu.

Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế không chỉ mang lại lợi ích cho người nộp thuế, mà rủi ro của cơ quan quản lý thuế cũng giảm đi, khối lượng, áp lực công việc cũng được giảm thiểu.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-thieu-gian-lan-thue-kinh-doanh-qua-mang-d241076.html