Giảm thiểu yếu tố ngoại trừ trong hoạt động kiểm toán

Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội dành nhiều đánh giá tích cực đối với những nội dung trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ngày 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội dành nhiều đánh giá tích cực đối với những nội dung trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng Tổng Kiểm toán nhà nước nắm rất chắc các vấn đề với cách trả lời mạch lạc. Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi. Qua nội dung chất vấn của các đại biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần phân biệt rõ bản chất giữa kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước.

“Kiểm toán nhà nước là kiểm toán tài chính công và tài sản công, tuy nhiên có một vài câu hỏi của đại biểu Quốc hội đang hiểu nhầm sang nội dung về kiểm toán độc lập. Hiện nay chúng ta đang có hai luật về kiểm toán, Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Kiểm toán độc lập. Với trách nhiệm là Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng chí Ngô Văn Tuấn đã trả lời rất rõ, mạch lạc về các căn cứ pháp lý là Luật Kiểm toán nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong kiểm toán tài chính công và tài sản công”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Đối với một số các dự án sau khi đã kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để góp phần khắc phục tình trạng này, thời gian tới Kiểm toán nhà nước cần trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Trong đó có việc sửa Luật Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là sửa những văn bản hướng dẫn, quy định để làm rõ, giảm thiểu yếu tố ngoại trừ và phải đầy đủ các căn cứ, cơ sở khi đưa ra kiểm toán. “Đồng nghĩa với việc Kiểm toán nhà nước phải tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các kết luận, kiến nghị trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện của các đối tượng đã được kiểm toán. Như vậy chất lượng sẽ được nâng lên, cũng tránh được việc sau khi kiểm toán xong vẫn xảy ra sai phạm”, đại biểu Sơn nêu ý kiến. Liên quan tới một số vụ việc đã xảy ra sai sót, sai phạm trong thời gian vừa qua, Tổng Kiểm toán nhà nước đã nhấn mạnh đây là các doanh nghiệp không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, không có tài chính công, không có tài sản công nên quá trình kiểm toán dựa vào Luật Kiểm toán độc lập và các cơ quan kiểm toán độc lập đã kiểm toán báo cáo này: “Trong chuẩn mực kiểm toán của Luật Kiểm toán độc lập có quy định rất rõ về các yếu tố ngoại trừ. Tôi cho rằng yếu tố ngoại trừ này là một trong những bất cập cần phải sửa trong thời gian tới”, đại biểu tỉnh Hải Dương nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Minh Nam phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đánh giá, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, với cách trao đổi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.

Về những chất vấn liên quan đến trách nhiệm và giải pháp khắc phục đối với việc thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp nhưng sau này vẫn có những sai phạm, đại biểu đánh giá, Tổng Kiểm toán nhà nước đã giải đáp rõ rằng vấn đề này xuất phát từ đặc trưng chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước là đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công. Việc Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán mục tiêu là xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, kiểm toán; đánh giá việc tuân thủ các quy định pháp luật của đơn vị được kiểm toán; đánh giá để xác định tính kinh tế, tính hiệu quả, hiệu lực trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Phương pháp kiểm toán chủ yếu là theo thông lệ quốc tế. Việc kiểm toán cũng căn cứ theo hồ sơ, tài liệu, chứng từ do các đơn vị được kiểm toán cung cấp để thực hiện theo quy trình, hệ thống chuẩn mực. Đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, việc triển khai thực hiện kiểm toán cần phải nhìn nhận ở góc độ là kiểm toán để đánh giá đầy đủ, toàn diện mọi hoạt động của đơn vị được kiểm toán; vừa nhằm xác nhận toàn bộ thông tin trên báo cáo đánh giá, bên cạnh đó là đánh giá việc tuân thủ quy định trên tất cả các hoạt động, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các đơn vị được kiểm toán. “Cho nên không phải kiểm toán là cơ quan chuyên sâu để đi vào các vụ việc cụ thể như thanh tra, điều tra. Đó cũng là một trong những vấn đề làm cho kết quả kiểm toán có thể là khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào làm rõ theo vụ việc thì lại phát hiện ra những sai phạm”, đại biểu nêu quan điểm. Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho hay, theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2019 và Luật Phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán nhà nước có nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng. “Theo tôi biết năm 2023 Kiểm toán nhà nước đã có hướng dẫn để thực hiện quy trình kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tuy nhiên theo quan điểm của tôi, dù trong quy định của luật giao nhiệm vụ nhưng các điều kiện để tổ chức thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng vẫn đang còn hạn chế. Muốn khắc phục vấn đề này cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu Lê Minh Nam nói.

Hiền Hạnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giam-thieu-yeu-to-ngoai-tru-trong-hoat-dong-kiem-toan/336567.html