Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Hài hòa lợi ích người lao động

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) điều chỉnh quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí từ tối thiểu 20 năm xuống còn 15 năm

Quy định mới nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định mới nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng để hưởng lương hưu hằng tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) điều chỉnh quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí từ tối thiểu 20 năm xuống còn 15 năm đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người lao động.

Mong ước của người lao động

Ở cái tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu thì ông Nguyễn Văn San (60 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn phải chạy xe ôm hàng ngày để mưu sinh và chăm sóc cho người vợ bệnh nặng. Lý do, cả hai vợ chồng ông San đều không có lương hưu. Ông San cho biết, ông và vợ đều quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi chưa đóng đủ thời gian 20 năm theo quy định. Vì vậy, giờ đây đã hết tuổi lao động nhưng vợ chồng ông vẫn phải vất vả kiếm sống.

Chị Trần Thị Mật (40 tuổi, quê Thanh Hóa) cho hay, trước đây bản thân từng làm công nhân ở xưởng may hơn 9 năm. Song, vài năm trước do kinh tế khó khăn, chị Mật quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần, được hơn 50 triệu đồng để về quê mở hàng tạp hóa. Thế nhưng công việc làm ăn không thuận lợi, chị Mật đóng cửa hàng để lên thành phố làm giúp việc gia đình.

Nói về nguyên nhân không tiếp tục đi làm ở công ty để được đóng bảo hiểm xã hội, có lương hưu khi về già, chị Mật chia sẻ: “Tôi cũng mong được tham gia bảo hiểm xã hội lại để sau này có lương hưu chi trả sinh hoạt, có đồng ra đồng vào lúc ốm đau. Song, giờ tham gia lại thì muộn quá vì tôi cũng 40 tuổi rồi. Vậy nên tôi đành tìm một công việc khác, thu nhập ổn định để tích lũy cho tuổi già”, chị Mật chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 3,7%. Đa số là người lao động ngừng đóng bảo hiểm xã hội sau một năm, chiếm khoảng 98%.

Tạo cơ hội cho người lao động

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành, sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Luật Bảo hiểm xã hội mới sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, gồm 11 chương, 141 điều, tăng 1 chương và 5 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành. Trong đó, một điểm đáng chú ý, nhận được nhiều quan tâm từ người lao động, đó là việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí từ tối thiểu 20 năm xuống còn 15 năm.

Bà Trần Thị Thu (48 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang là bảo vệ tại một phòng tập Yoga cho biết, bà không khỏi vui mừng khi hay tin số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu hàng tháng được kéo giảm 5 năm so với quy định hiện hành. Do đã có tuổi và mắc một số bệnh về xương khớp, bà Thu lo lắng sức khỏe không đảm bảo để tiếp tục gắn bó với công việc lâu dài.

“Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 12 năm rồi, nếu theo Luật cũ thì tôi sẽ phải làm việc thêm 8 năm nữa mới đủ thời gian. Nhưng thực tế mỗi tuổi, sức khỏe tôi mỗi khác, tôi chỉ sợ mình không theo nổi công việc nữa. Vì vậy mới đây, khi nghe tin thời gian đóng bảo hiểm xã hội được rút xuống, tôi rất yên tâm vì sẽ được về hưu sớm hơn mà vẫn đảm bảo đồng lương hưu khi tuổi già.

Con cái đều phải có cuộc sống, gia đình riêng. Tôi không muốn đến khi già, không còn khả năng lao động lại trở thành gánh nặng cho các con. Mặc dù lương hưu không quá nhiều nhưng đó cũng là sự đảm bảo về tinh thần và cả vật chất cho tôi”, bà Thu tâm sự.

Chị Vũ Thị Hoài (33 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, do công việc gia đình, chị Hoài đã từng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chuyển công việc mới, nghĩ đến việc phải đóng bảo hiểm lại trong vòng 20 năm, thời gian quá dài khiến chị Hoài không khỏi hoang mang, cân nhắc. Theo chị Hoài, thời gian đóng bảo hiểm xã hội được rút ngắn xuống còn tối thiểu 15 năm rất hợp lý, tạo động lực cho chị tham gia lại để lấy cuốn sổ hưu khi về già.

Nỗi lo của bà Thu, chị Hoài cũng là lo lắng của rất nhiều người lao động. Do tính chất công việc nặng nhọc, nhiều người lao động không đủ sức khỏe làm việc tới lúc được hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy, quy định mới nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hàng tháng.

Thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần, các lao động nghỉ việc sau 15 năm lao động được khuyến khích tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho tới khi 60 tuổi để được hưởng lương hưu.

Theo nhiều doanh nghiệp, đây vừa là cơ hội cho người lao động và cũng là cơ hội của các doanh nghiệp. Bởi, người lao động sẽ tập trung vào công việc, ít nghỉ việc hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cũng sẽ thu hút được lao động ở nhiều lứa tuổi, kể cả người lao động ở độ tuổi trung niên.

Mặc dù khi rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, số tiền người lao động được hưởng sẽ thấp hơn nhưng bù lại, số người tham gia và được hưởng chế độ hưu trí sẽ gia tăng. Từ 1/7/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực, sẽ có khoảng 100.000 người đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giam-thoi-gian-dong-bao-hiem-xa-hoi-hai-hoa-loi-ich-nguoi-lao-dong-post691817.html