Giảm thuế trước bạ ô tô: Doanh nghiệp cần chung tay để kích cầu

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước dự kiến áp dụng từ ngày 1/7. Nhưng để thị trường ô tô 'ấm' lên, doanh nghiệp cũng cần có động thái chung tay với Chính phủ để kích cầu.

Thị trường ô tô ảm đạm chờ được kích cầu

Lượng xe tồn kho lớn, sức mua suy giảm là những khó khăn của thị trường ô tô trong những tháng đầu năm.

Hàng loạt báo cáo tài chính quý I công bố hồi tháng 4 của nhiều doanh nghiệp phân phối ôtô cũng đều cho thấy rõ thực trạng kinh doanh đi lùi của toàn ngành. Savico - ông lớn phân phối nhiều hãng xe như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki và Volvo ghi nhận quý kinh doanh ảm đạm.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam lãi sau thuế 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho vượt 2.000 tỷ đồng.

Theo giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung của các hãng xe dồi dào song sức mua chậm do ảnh hưởng chung từ sụt giảm toàn thị trường, làm tăng mạnh giá trị hàng tồn kho. Mặt khác, các chi phí hoạt động tăng cùng chi phí lãi vay cao làm chỉ tiêu lợi nhuận của Savico giảm mạnh.

Thị trường ô tô ảm đạm trong những tháng đã qua của năm 2023 (Ảnh minh họa)

Thị trường ô tô ảm đạm trong những tháng đã qua của năm 2023 (Ảnh minh họa)

Không chỉ vậy, Công ty CP City Auto - đơn vị ủy quyền chính thức của Ford Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận đi lùi nhẹ 21% xuống hơn 11 tỷ đồng do lượng vay nợ chiếm tới 80% nguồn vốn công ty.

Với Hyundai, tổng doanh số bán ra tháng 4 đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3/2023 bán được 5.773 chiếc. Nếu tính cả chuỗi từ tháng 11/2022 tới nay, doanh số bán xe của Hyundai giảm mạnh.

Tương tự, đại gia phân phối Mercedes-Benz - Haxaco cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi về lợi nhuận do thị trường ôtô chịu ảnh hưởng vì lãi suất tăng cao và nhu cầu giảm.

Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần của Haxaco chỉ đạt gần 993 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nắm thị phần phân phối Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam cũng chỉ ghi nhận mức lãi trước thuế 5,6 tỷ đồng trong quý I, giảm khoảng 92% so với cùng kỳ và lãi ròng thu về chỉ 3,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với cùng kỳ tháng 4/2022.

Trong đó, doanh số bán xe du lịch trong tháng 4/2023 đạt 15.748 du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Theo đó, doanh số xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước.

Ngoài ra, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường xe ô tô tính đến hết tháng 4/2023 giảm 30% so với 2022, đạt 92.801 xe. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58% so với năm ngoái. Đồng thời, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 39% trong khi xe nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải cùng chung tay “gỡ khó”

Trước thực tế thị trường ô tô giảm sút mạnh, với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã “vào cuộc” từ rất sớm cùng chung tay với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bằng chứng là ngay từ hồi cuối tháng 4, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Bộ Tài chính về chính sách điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tại Công văn, Bộ Công Thương khẳng định, hai lần giảm thuế trước bạ trước vào năm 2020 và 2022, chính sách được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực. Do đó, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một cho đến hết 2023 là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho do tình hình kinh tế khó khăn, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.

Từ công văn của Bộ Công Thương, từ kiến nghị của các Doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lệ phí trước bạ ô tô CKD sẽ thực hiện theo hướng giảm 50% và áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.

Xe lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% thuế trước bạ từ 1/7

Xe lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% thuế trước bạ từ 1/7

Đây là một thông tin sẽ tạo hứng khởi cho thị trường ô tô Việt Nam trong bối cảnh lực cầu đang có dấu hiệu suy kiệt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia theo dõi ngành ô tô nhận định, từ đầu năm đến nay, gần như toàn bộ các hãng xe đều đang trực tiếp kích cầu thông qua hình thức hỗ trợ lệ phí trước bạ, phần lớn ở mức tương đương 100%. Việc Chính phủ đưa ra chính sách giảm 50% phí trước bạ rất có thể dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp ngừng các chương trình kích cầu của riêng mình, chuyển “gánh nặng” sang Chính phủ.

Thực tế cũng cho thấy, ở hai lần Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô CKD trước đây, các hãng xe đều quyết định ngừng các đợt giảm giá, khuyến mại. Qua đó, những quyền lợi của người tiêu dùng hoàn toàn không có sự thay đổi.

Do đó, muốn thị trường ô tô ấm lên trong những tháng tiếp theo thì rất cần cả “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm”. Nghĩa là doanh nghiệp vẫn áp dụng chương trình kích cầu hỗ trợ phí trước bạ cho người mua từ 50 đến 100%, cộng gộp với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ, người tiêu dùng ô tô xem như được giảm giá 10-17% tùy theo từng địa phương. Đây là một khoản chi phí rất lớn mà người tiêu dùng có thể tiết kiệm được.

Muốn thị trường ô tô ấm lên trong những tháng tiếp theo thì rất cần cả “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” (Ảnh minh họa)

Muốn thị trường ô tô ấm lên trong những tháng tiếp theo thì rất cần cả “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” (Ảnh minh họa)

Sở dĩ nói doanh nghiệp phải “chung tay” với Chính phủ là bởi nếu họ đứng ngoài cuộc, họ “rút chân” khỏi các đợt giảm giá, kích cầu thì xem như mọi chuyện không có gì xảy ra nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng. Tiêu cực hơn, không ít người tiêu dùng sẽ có những phản ứng "tẩy chay" và đó sẽ là diễn biến xấu với các hãng xe. Sức mua ô tô trên toàn thị trường thậm chí sẽ còn thấp hơn nếu người mua chỉ thấy được hỗ trợ từ phía Chính phủ, trong khi doanh nghiệp không phải “hy sinh” điều gì để kéo khách hàng trở lại.

Thế Đạt

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/bai-viet/giam-thue-truoc-ba-o-to-doanh-nghiep-can-chung-tay-de-kich-cau-14480.htm