Giảm tổn thất điện năng - Bài 1: Biện pháp hữu hiệu là ứng dụng công nghệ mới
Giảm tổn thất điện năng cho giai đoạn 5 năm tới (2016-2020) còn 6,5% được coi là một trong những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng của ngành điện nói chung và của từng đơn vị điện lực nói riêng.
Sau khi thực hiện có hiệu quả chương trình giảm tổn thất điện năng trong giai đoạn 2011-2015, từ 9,23% xuống 7,94%, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đặt mục tiêu giảm tổn thất điện năng cho giai đoạn 5 năm tới (2016-2020) còn 6,5%. Đây được coi là một trong những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng của ngành điện nói chung và của từng đơn vị điện lực nói riêng.
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt với khoảng 6.000km đan xen nhau nên Bến Tre hiện còn khoảng 880 hộ, chủ yếu thuộc vùng sâu, cù lao trên sông chưa có điện lưới quốc gia, chiếm 0,23%. Mặc dù vậy, đây là một trong số ít những tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều giải pháp nỗ lực kéo giảm tổn thất điện năng trên địa bàn xuống theo từng năm.
Chỉ riêng 7 tháng năm nay, Bến Tre đã giảm tổn thất điện năng trên địa bàn xuống 6,42%, thấp hơn so cùng kỳ năm trước 0,72% và thấp hơn kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao là 0,18%.
Có được kết quả này, theo ông Phạm Thanh Trúc, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực Bến Tre, một trong những giải pháp được công ty áp dụng hiệu quả trong công tác giảm tổn thất điện năng thời gian qua là áp dụng công nghệ mới.
Đơn cử như Công ty đã áp dụng hệ thống giám sát khai thác dữ liệu online-Mimic vào quản lý vận hành lưới điện phân phối 22kV. Hiệu quả hệ thống mang lại là giám sát được tất cả những thông số để lưới điện vận hành hiệu quả và kinh tế thì tổn thất điện năng trên lưới điện sẽ giảm xuống.
“Sử dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống giám sát cho lưới điện trung áp 22kV nên tổn thất hiện nay trên lưới điện trung áp ở Bến Tre chỉ còn dưới 3%”, ông Trúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sử dụng công nghệ GPRS truyền dữ liệu từ công tơ điện tử về Công ty. Thực hiện giải pháp này, đến nay, toàn Công ty Điện lực Bến Tre đã lắp hơn 1.000 công tơ có ghi chỉ số từ xa cho khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt với sản lượng tương đương 33 triệu khách hàng, chiếm 32,69% điện thương phẩm.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, song song với đó, Công ty cũng triển khai ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa như công nghệ PLC (truyền dữ liệu qua đường dây điện).
Đến tháng 8 này, Công ty đã lắp đặt và đưa vào vận hành gần 47.300 công tơ điện tử ứng dụng công nghệ này, sản lượng khai thác bình quân hơn 11,2 triệu kWh/tháng. Riêng tại Điện lực thành phố, toàn bộ khách hàng đã thay công tơ điện tử không phải ghi điện.
Về ứng dụng công nghệ RF (sóng vô tuyến), hiện nay Công ty đang triển khai áp dụng 2 công nghệ bán tự động và tự động.
Trên thực tế, sau khi ứng dụng hệ thống thu thập dữ liệu từ xa đã giúp khách hàng có thể giám sát được việc sử dụng điện của gia đình thông qua các thông số hiển thị trên công tơ, kịp thời phát hiện khi hệ thống điện trong nhà bị chạm chập, rò rỉ để xử lý kip thời, chống thất thoát điện năng.
Đối với ngành điện, công tơ điện tử có chức năng tự động truyền dữ liệu về điện lực, không phải làm phiền khách hàng khi ghi chỉ số công tơ hàng tháng, hạn chế việc ghi sai chỉ số, đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa bên mua và bên bán.
Đồng thời, phát hiện tình trạng tổn thất bất thường, điện áp đầu nguồn tăng giảm để điều chỉnh vận hành lưới điện một cách tối ưu nhất, góp phần giảm tổn thất điện năng.
Mặt khác, Công ty còn lắp đặt máy biến áp Amorphous siêu giảm tổn thất, vừa nâng cao hiệu suất tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng, giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, vừa có thể tiết kiệm điện tới 75% so với máy biến áp truyền thống.
Chỉ tính riêng áp dụng giải pháp này, trong hai năm 2015-2016, Công ty Điện lực Bến Tre đã lắp đặt 380 máy biến áp Amorphous cho các trạm biến áp công cộng trên địa bàn công ty quản lý, sản lượng tổn thất giảm sau khi lắp đặt khoảng 16.812 kWh.
Công ty Điện lực Bến Tre còn cho biết, trong thiết kế thi công lưới điện hiện nay, công ty còn lắp đặt vật tư thiết bị điện theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với vùng biển để chống tính trạng rò rỉ điện, phóng điện do sương muối như thay đà sắt bằng đà composite cách điện, sứ đứng polymer thân dài… Thực hiện giải pháp này cũng góp phần giúp giảm tổn thất điện năng trên địa bàn.
Tuy nhiên có một thực tế là trong những năm qua, phụ tải của Bến Tre phát triển rất nhanh. Lưới điện hạ áp nông thôn của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú trước kia chủ yếu chỉ cấp điện cho thắp sáng và sinh hoạt thì hiện nay lại cấp điện cho cả sản xuất với quy mô lớn và số lượng hộ dân nuôi thủy sản quá lớn dẫn đến trong thời gian không xa lưới điện hiện hữu không đáp ứng được.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2006, đến nay Công ty Điện lực Bến Tre còn 133 trạm biến áp hạ thế có tổn thất lớn hơn 10% với sản lượng tổn thất điện năng đến nay là hơn 3,3 triệu kWh, chiếm 4,41% sản lượng tổn thất toàn công ty.
Theo lộ trình của EVNSPC, Công ty Điện lực Bến Tre được giao chỉ tiêu đến năm 2020 phải giảm tổn thất điện năng về mức 4,4%. Phó Giám đốc Phạm Thanh Trúc cho rằng, trước mắt đây là mục tiêu khó thực hiện.
Do vậy biện pháp hữu hiệu nhất mà công ty đã và đang làm theo ông Trúc vẫn là tiếp tục duy trì và mở rộng các giải pháp công nghệ mới đang áp dụng có hiệu quả như điện kế điện tử, lưới điện thông minh và tận dụng nguồn vốn Tổng Công ty “rót” cho công ty hàng năm.
Trong Kế hoạch đầu tư, cải tạo lưới điện trung hạ áp giai đoạn 2016-2020, Công ty Điện lực Bến Tre sẽ triển khai thực hiện công trình cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện khu vực thành phố, thị xã, thị trấn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức với số tiền khoảng 146 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, triển khai dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo theo Quyết định 2081/QĐ-TTg về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 ở khu vực Bến Tre với vốn đầu tư khoảng 356 tỷ đồng.
Đồng thời thực hiện dự án đầu tư và phát triển lưới điện 22kV đảm bảo tiêu chuẩn n-1 vay vốn ODA với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng trên địa bàn trung bình mỗi năm khoảng 66 tỷ đồng… cũng là những giải pháp hữu hiệu giúp Bến Tre hoàn thành mục tiêu giảm tổn thất về mức 4,4% vào năm 2020./.
>>> Đón đọc: Bài 2: Thành quả của quá trình đầu tư