Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở Mường Nhé: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

9 tháng năm 2024, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện Mường Nhé có chiều hướng tăng. Cụ thể, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi chiếm 19,1‰ và tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi chiếm 30,9‰, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Bác sĩ Lường Văn Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé kiểm tra tình hình sức khỏe cho trẻ điều trị tại đơn vị.

Vừa dẫn chúng tôi “mục sở thị” công tác chăm sóc sức khỏe tại đơn vị, bác sĩ Lường Văn Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé vừa chia sẻ: Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn. Các hoạt động tiêm chủng, dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em… hay công tác khám chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế đã khiến cho lực lượng y tế gặp khó khăn trong việc quản lý đối tượng, khó tiếp cận để tuyên truyền hay chăm sóc sức khỏe người dân. Cùng với đó, một số gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng tại các xã: Huổi Lếch, Nậm Kè, Mường Toong, Quảng Lâm vẫn còn chủ quan, không đưa con đến điểm tiêm phòng tại cơ sở y tế theo thông báo. Không được tiêm phòng đầy đủ dẫn đến việc trẻ tử vong do viêm phổi, viêm não, suy hô hấp tuần hoàn khá phổ biến. Những nguyên nhân đó khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi tại địa bàn vùng sâu, vùng xa tại Mường Nhé có dấu hiệu gia tăng hơn so với cùng kỳ…

Thực tế hiện nay, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được quan tâm hơn nhiều so với trước đây. Nhất là ở những địa bàn gần trung tâm huyện, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nhận thức của người dân cao hơn thì tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tử vong cũng ít hơn. Song ở các xã xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn và tâm lý chủ quan của người dân khiến tỉ lệ trẻ em tử vong vẫn xảy ra.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chung Chải tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Hằng năm trên địa bàn xã Nậm Vì xảy ra 1 - 2 trường hợp trẻ em tử vong. Dù tỷ lệ tử vong khá thấp nhưng đó là kết quả từ những nỗ lực của đội ngũ y tế, còn người dân trên địa bàn vẫn rất chủ quan với sức khỏe, tính mạng của con em mình. Thậm chí, một bộ phận nhỏ người dân còn chưa mặn mà với các hoạt động y tế, khi đội ngũ y tế triển khai công tác tiêm chủng hay các hoạt động y tế khác, họ không nhiệt tình hưởng ứng và thiếu hợp tác. Điều đó đã tạo ra khoảng trống trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. Ông Lò Văn Inh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Vì cho biết: “Nhiều người dân còn thiếu kiến thức chăm sóc trẻ em nên không thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Cùng với sự chủ quan, nhiều người dân không chịu đưa con em đến thăm khám bệnh kịp thời hoặc có đưa ra cơ sở y tế điều trị lại quá muộn và không thể cứu chữa khiến trẻ bị tử vong. Không những thế, trong công tác tiêm chủng, phòng bệnh cũng vậy, một số phụ huynh có con em trong độ tuổi còn không cho trẻ đi tiêm phòng, nếu chúng tôi không đến từng nhà để vận động hay tiêm chủng tại nhà, chắc chắn tỷ lệ trẻ tử vong ở trẻ còn cao hơn nhiều!”.

Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, với hầu hết dân cư là người dân tộc thiểu số, nhận thức về công tác dân số còn chưa cao. Chính vì vậy, để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng, cả hệ thống chính trị huyện cũng như ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, huyện luôn quan tâm tìm giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng bệnh để giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện có Phòng Đơn nguyên sơ sinh và Khoa Nhi để tăng cường, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai duy trì thường xuyên đúng lịch tại 11/11 trạm y tế xã. 9 tháng năm 2024, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ chiếm tỷ lệ 72,3%; tỷ lệ trẻ 18 - 24 tháng tuổi tiêm sởi - rubella đạt 71,6%; tỷ lệ trẻ từ 1 - 5 tuổi được tiêm viêm não 2 mũi đạt 66,1%. Tỷ lệ trẻ từ 2 - 5 tuổi được tiêm viêm não mũi 3 đạt 71,8%.

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ rất cần sự chủ động, quan tâm của các bậc phụ huynh. Trong ảnh: Người dân xã Mường Toong đưa con em đến chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Dù đã vào cuộc rất quyết liệt để giảm tỷ lệ trẻ tử vong các năm trước đây, nhưng 9 tháng qua, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tử vong có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, điều đó đòi hỏi trong thời gian tới, huyện Mường Nhé cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Trong đó cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc vận động các đối tượng đi tiêm chủng; đồng thời tiếp tục tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện để phụ nữ có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế đảm bảo an toàn cho mẹ và trẻ sơ sinh. Có như vậy mới thay đổi hành vi của mỗi người để giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em; góp phần thực hiện các mục tiêu của chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/219099/giam-ty-le-tu-vong-tre-em-o-muong-nhe-can-su-chung-tay-cua-ca-cong-dong