Giảm vào phiên cuối tuần, đồng USD vẫn hướng đến tuần tăng giá thứ ba liên tiếp

Đồng USD đã yếu đi trong phiên giao dịch ngày 2/5, khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước khi báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ được công bố, bất chấp những diễn biến mới trong các cuộc đàm phán thương mại.

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Đồng tiền đô la Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Vào cuối phiên giao dịch tại New York, khoảng 2 giờ sáng 3/5 theo giờ Việt Nam, chỉ số đồng USD, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm 0,22% xuống còn 100,029 USD.

So với đồng USD, đồng euro đã tăng giá lên mức 1,1300 USD từ mức 1,1286 USD phiên trước. Đồng USD cũng giảm giá so với đồng yen Nhật, xuống còn 145,03 yen từ mức 145,68 yen. Ngoài ra, đồng bạc xanh cũng yếu đi so với franc Thụy Sỹ, giao dịch ở mức 0,8271 franc đổi 1 USD, giảm so với đồng CAD ở mức 1,3813 CAD đổi 1 USD và giảm so với đồng krona Thụy Điển giao dịch ở mức 9,6584 krona đổi 1 USD. Trong khi đó, đồng bảng Anh giảm nhẹ xuống 1,3274 USD so với mức 1,3278 USD trước đó.

Trước đó, trong phiên giao dịch tại châu Á và châu Âu, đồng USD cũng đã giảm giá so với các đồng tiền chính khác. Đồng euro có thời điểm tăng 0,35% lên 1,1330 USD và đồng USD giảm 0,45% so với yen Nhật xuống 144,76 yen đổi 1 USD. Đồng NDT của Trung Quốc tại thị trường nước ngoài cũng chạm mức cao nhất trong gần 6 tháng, giao dịch ở mức 7,225 NDT đổi 1 USD.

Sự suy yếu của đồng USD diễn ra trong bối cảnh thị trường đang tập trung chờ đợi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Dữ liệu này được coi là manh mối quan trọng để đánh giá sức khỏe thị trường lao động Mỹ và dự báo về thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất. Các nhà kinh tế phố Wall dự báo nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 130.000 việc làm trong tháng trước, giảm so với con số 228.000 của tháng 3/2025.

Ông Kenneth Broux, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối và lãi suất doanh nghiệp tại Societe Generale, cho rằng sự thận trọng của nhà đầu tư trước dữ liệu việc làm là yếu tố chính gây áp lực lên đồng bạc xanh. Ông cũng lưu ý rằng đồng USD đã được hưởng lợi từ dòng tiền cuối tháng và các yếu tố hỗ trợ khác vào đầu tuần, như lập trường ôn hòa của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ.

Mặc dù giảm trong phiên, đồng USD vẫn đang trên đà ghi nhận tuần tăng giá thứ ba liên tiếp so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi đã phục hồi từ đợt giảm mạnh vào tháng trước do lo ngại về chính sách thuế quan và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.

Thị trường cũng theo dõi các diễn biến thương mại. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/5 cho biết đang đánh giá đề nghị của Mỹ về việc tổ chức các cuộc đàm phán thương mại. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đang diễn ra.

Minh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/giam-vao-phien-cuoi-tuan-dong-usd-van-huong-den-tuan-tang-gia-thu-ba-lien-tiep-20250503113718232.htm