Giảm việc 'lót tay' khi sử dụng dịch vụ hành chính công
Theo kết quả khảo sát năm nay, tỉ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa lót tay khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023.
Hôm nay (15/4), báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024) công bố cho thấy tham nhũng, đói nghèo và việc làm là ba vấn đề cấp bách nhất mà người dân kỳ vọng Nhà nước tập trung giải quyết trong năm tới. Đáng chú ý, tham nhũng được người dân đánh giá là vấn đề hệ trọng hàng đầu trong số 40 vấn đề họ tự nêu.
So với đói nghèo - vấn đề từng chiếm vị trí hàng đầu từ năm 2015 đến 2023 - tham nhũng đã vươn lên trở thành mối quan tâm lớn nhất của người dân trong năm 2024, với 22,58% lựa chọn. Đói nghèo tụt xuống vị trí thứ hai (14,2%), theo sau là vấn đề việc làm (12,64%).
Đáng chú ý, tỷ lệ người dân coi tham nhũng là vấn đề đáng lo ngại nhất đã tăng đột biến 17% điểm so với năm 2023 (từ 5,25%). Trong khi đó, tỷ lệ người trả lời chọn đói nghèo giảm đến 8% so với năm 2023.
Kết quả này được đánh giá là phần nào phản ánh bối cảnh của năm 2024 khi kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2023, và cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng diễn ra quyết liệt hơn.

Tham nhũng là vấn đề được người dân đánh giá là hệ trọng nhất trong tổng số 40 vấn đề người dân tự nêu lên, theo báo cáo PIPA 2024. Ảnh: BTC
Có 2 động thái trong năm 2024 có thể là lý do giải thích về sự thay đổi vị trí giữa 2 vấn đề đói nghèo và tham nhũng.
Thứ nhất, có thể do những khó khăn về kinh tế giảm dần qua các quý trong năm 2024, nên đói nghèo không còn là vấn đề hàng đầu như những năm trước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tăng 7,09% năm 2024, với tốc độ tăng trưởng cao dần qua 4 quý.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tính đến hết quý 4/2024 là 1.65%, giảm so với tỷ lệ 1,98% cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến mối quan ngại về tham nhũng gia tăng. Tin tức về việc khởi tố nhiều cán bộ, công chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến các vụ việc tham nhũng trên báo chí trong năm 2024 có thể tác động đến cảm nhận của người dân.
Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi: Liệu tỷ lệ gia tăng này phản ánh cảm nhận và trải nghiệm thực tế của người dân về hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam năm vừa qua, hay quan điểm của người dân chịu tác động của tin tức rộng khắp về công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước?
Mặc dù tham nhũng là vấn đề có số lượng người trả lời chọn là mối quan ngại hàng đầu, đánh giá của người dân nói chung về nỗ lực chống tham nhũng của các cấp chính quyền đã nâng lên đáng kể trong năm 2024.
Cụ thể, các chỉ số trong nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” năm 2024 đều cao hơn so với 3 năm trước đó. Ngay cả điểm nội dung thành phần “Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương”, vốn giảm liên tục từ năm 2021 đến 2023, cũng tăng lên và đạt 1,99 điểm (thang điểm: 0,25-2,5) vào năm 2024.

Điểm số cho các nội dung thành phần của Chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công"
Tăng sự công bằng trong tuyển dụng vào khu vực Nhà nước
Theo kết quả khảo sát năm nay, tỉ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa lót tay khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc dịch vụ công đã giảm so với năm 2023.
Báo cáo khuyến nghị chính quyền các cấp tăng cường tính minh bạch trong cung ứng dịch vụ công, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ người tố cáo ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.
Chỉ số nội dung thành phần “Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực Nhà nước” cũng có mức gia tăng đáng kể vào năm 2024. Kết quả này cho thấy người dân ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ hơn của chính quyền các cấp trong việc kiểm soát việc nhận hối lộ và “vị thân” trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Con số này đang giảm ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp xã.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ người trả lời cho rằng cần có các mối quan hệ với người có chức, có quyền trong cơ quan Nhà nước để có được một vị trí công chức, viên chức là “quan trọng” và “rất quan trọng” tiếp tục giảm. Xu hướng này được ghi nhận từ năm 2017 khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, dù đang trong xu hướng giảm, tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, dao động từ 56% đến 61%. Đặc biệt, tỷ lệ này cao nhất đối với 2 vị trí công chức địa chính và công chức tư pháp cấp xã, với hơn 60% số người trả lời cho rằng “quan hệ” là yếu tố quan trọng. Con số này với vị trí nhân viên văn phòng ủy ban cấp xã là 55,85%; với vị trí giáo viên trường tiểu học công lập là 56,15%.

Tầm quan trọng của quan hệ cá nhân khi xin việc vào khu vực Nhà nước, 2012-2014
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2024, 18.894 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ trung ương đến cơ sở từ năm 2009.