Cơ hội để Bình Dương chuyển mình thành cực tăng trưởng FDI công nghệ cao

Quý 1/2025, Bình Dương tiếp tục cho thấy sức hút mạnh mẽ trên bản đồ đầu tư của Việt Nam. Chỉ riêng các khu công nghiệp thu hút gần 588 triệu USD vốn FDI, tăng trưởng tới 232% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt hơn 53% kế hoạch năm 2025.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương (Ban Quản lý) cho biết, những con số vượt xa kỳ vọng này là mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong những năm gần đây, khẳng định sức hấp dẫn của tỉnh Bình Dương trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Quý I/2025, các khu công nghiệp Bình Dương đã thu hút gần 588 triệu đô la Mỹ FDI, đạt hơn 53% kế hoạch năm 2025 (Ảnh minh họa).

Kết quả này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả từ chiến lược phát triển công nghiệp bền vững, quy hoạch đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng mà tỉnh đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.

Trong đó, các doanh nghiệp đến từ Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương. Đây đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ có thế mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ - những lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới.

Đại diện Ban Quản lý cho biết, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Bình Dương thông qua các dự án quy mô lớn tại các khu công nghiệp VSIP với định hướng phát triển công nghiệp xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Các nhà đầu tư Hồng Kông và Đài Loan cũng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, nhựa và công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì đầu tư ổn định và đang có xu hướng mở rộng sản xuất tại Bình Dương do đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh.

Không chỉ đạt kết quả cao về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bình Dương cũng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở dòng vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 435 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ và đạt 44% kế hoạch năm. Tổng cộng trong quý 1, Bình Dương đã cấp mới 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 60 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 26 dự án với số vốn bổ sung gần 528 triệu USD, tăng mạnh về số lượng và quy mô vốn so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 14.790 ha, trong đó có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 84%. Giai đoạn 2025-2030, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thêm 12 khu công nghiệp mới nhằm mở rộng quỹ đất sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quan trọng hơn nữa, tỉnh Bình Dương còn có hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống khu công nghiệp đồng bộ và môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông kết nối vùng được đầu tư mạnh mẽ như tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến cao tốc và hệ thống cảng cạn logistics hiện đại đã giúp Bình Dương nâng cao năng lực cạnh tranh và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa tới cảng biển, sân bay quốc tế. Ngoài ra, công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những kết quả đạt được trong quý I/2025, Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp năng động của cả nước, giữ vững vị trí top 2 về thu hút FDI và là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn ngày càng gay gắt giữa các địa phương.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương tin tưởng rằng, với định hướng phát triển công nghiệp bền vững, xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh và chú trọng lĩnh vực công nghệ cao, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút thành công những nhà đầu tư chiến lược, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Hiện, trong các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương có 3.252 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.561 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 31 tỷ đô la Mỹ và 691 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 93.664 tỷ đồng (Ảnh minh họa).

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025 về việc sáp nhập tỉnh Bình Dương vào TP.HCM, đây không chỉ là điều chỉnh về địa giới hành chính mà còn mở ra nhiều động lực mới cho tỉnh trên hành trình thu hút đầu tư.

Theo đó, việc chính thức trở thành một phần của TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo đà để Bình Dương phát huy tối đa lợi thế, khẳng định vị thế là trung tâm thu hút FDI hàng đầu cả nước, đồng thời tạo bước chuyển quan trọng để Bình Dương phát triển từ một trung tâm công nghiệp truyền thống sang cực tăng trưởng về công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.Bình Dương sẽ được mở rộng không gian kinh tế, trở thành một phần của vùng đại đô thị năng động nhất cả nước - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về tài chính, hạ tầng, logistics, nhân lực chất lượng cao và thị trường tiêu dùng lớn.

Khi sáp nhập, Bình Dương sẽ được thụ hưởng hạ tầng liên vùng đã và đang hình thành, bao gồm Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế. Đây chính là yếu tố giúp giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả chuỗi cung ứng và rút ngắn thời gian kết nối thị trường quốc tế - một trong những tiêu chí hàng đầu của các nhà đầu tư hiện đại.

Ngoài ra, Bình Dương có thể chủ động liên kết với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.HCM như các đại học, trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, hỗ trợ doanh nghiệp FDI hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển ngay trong khu công nghiệp.

Đây là bước tiến lớn để Bình Dương không chỉ là nơi sản xuất - gia công mà trở thành một cực công nghiệp có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao. Mặt khác, trong không gian tích hợp này, Bình Dương sẽ có thêm điều kiện tiếp cận cơ chế điều phối vùng, chia sẻ nguồn lực hạ tầng, tài chính và quy hoạch tổng thể – điều kiện quan trọng để phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và các ngành dịch vụ chất lượng cao.

Sự sáp nhập này nếu được quản trị hiệu quả sẽ giúp Bình Dương không mất đi bản sắc phát triển riêng, mà ngược lại, được nâng tầm trong một cấu trúc vùng mới - nơi tỉnh giữ vai trò là cực công nghiệp chủ lực, hiện đại, thông minh và dẫn dắt chuỗi giá trị khu vực.

Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2024. Về thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút được 630 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2024) và 31.000 tỷ đồng vốn đăng ký trong nước (tăng 18,3%).

Công Danh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/co-hoi-de-binh-duong-chuyen-minh-thanh-cuc-tang-truong-fdi-cong-nghe-cao-192250415105915323.htm