Gian nan 'chặn' rửa tiền trong giao dịch tiền ảo

Cùng với sự bùng nổ công nghệ 4.0, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền, nhất là đối với các giao dịch tiền ảo, nơi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện…

Việt Nam đang phải đối diện với nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền, nhất là đối với các giao dịch tiền ảo. Ảnh minh họa

Việt Nam đang phải đối diện với nhiều phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền, nhất là đối với các giao dịch tiền ảo. Ảnh minh họa

Theo đó, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Theo các chuyên gia, những năm gần đây, tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.

Xung quanh câu chuyện này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng, trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn Binance.com, với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1/10/2021 - 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian. Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...

Thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hóa tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.

Phó Chủ tịch thường trực VBA cũng cho biết: “Đối với thị trường tiền mã hóa trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hóa sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027”.

Đáng chú ý, ông Phan Đức Trung nhận định có hai thách thức chính mà hoạt động phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa phải đối mặt. Thứ nhất, tính ẩn danh và sự phức tạp của các giao dịch tiền mã hóa gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc theo dõi và phát hiện các nguy cơ rửa tiền nếu không có chuyên môn, đặc biệt khó kiểm soát việc chuyển tiền mã hóa do tính chất xuyên biên giới; phải phụ thuộc vào các công cụ tư nhân chi phí cao.

Thứ hai, thiếu quy định đồng bộ toàn cầu. Hiện tại chỉ có một số nước ban hành các quy tắc để quản lý thị trường tiền mã hóa. Phần lớn các quốc gia đều đang thiếu hụt khung quy định. Do đó việc tuân thủ các khuyến nghị chung từ Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) là khá khó khăn.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, tiền mã hóa “hấp dẫn” tội phạm rửa tiền nhờ tính chất ẩn danh, giao dịch tức thì xuyên biên giới và thiếu quy định đồng bộ. Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ cũng việc xác định và xử lý hành vi rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn. Chẳng hạn, tội phạm rửa tiền chuyển tiền mã hóa từ Liên minh châu Âu (EU) có cơ sở xác định hành vi phạm tội, nhưng khi chuyển khoản tiền này vào thị trường Việt Nam thì sẽ khó xác minh hành vi phạm tội do Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa.

Do đó, các định chế tài chính được khuyến nghị cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FAFT) cũng như các tổ chức quốc tế.

“Đồng thời, các cơ quan liên quan phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản số theo các quy tắc và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS”, luật sư Nguyễn Đức Kiên nói.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gian-nan-chan-rua-tien-trong-giao-dich-tien-ao-695005.html