Gian nan… gieo chữ vùng cao
Dù quãng đường đến các điểm trường không xa, nhưng để vào đến nơi dạy học, các giáo viên vùng cao tại các xã như: Bảo Nam, Chiêu Lưu, Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phải mất hàng giờ đi bộ, cõng trên vai hàng chục kilogam nhu yếu phẩm, mới đến được với học sinh. Đặc biệt, trận mưa lũ vừa qua, đã khiến nỗi vất vả này tăng lên gấp bội, nhưng với niềm yêu con trẻ, tận tâm với nghề, họ đã vượt qua tất cả. Bằng lòng yêu nghề, có khi các thầy, cô phải đổi bằng máu và nước mắt.
Đi bộ 7 tiếng để đến trường
Những ngày đầu năm học mới, tỉnh Nghệ An nói chung và huyện vùng cao Kỳ Sơn mưa tầm tã. Trong đêm 4/9, những cơn mưa lớn đã xả xuống huyện biên cương này một lượng mưa kỷ lục. Trận mưa đã làm lũ ống xảy ra nhiều nơi, ước tính thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Không chỉ vậy, mưa đã khiến hàng nghìn em học sinh, hàng chục điểm trường không thể khai giảng đúng lịch, bởi con đường đến trường đã bị đất, đá vùi lấp.
Khởi hành cùng 8 đồng nghiệp từ cơ sở chính là trường Mầm non Bảo Nam lúc 7h sáng, bà Lương Thị Bé (giáo viên Mần non điểm trường Huồi Hốc) và các đồng nghiệp phải mất hơn 7 tiếng đồng hồ đi bộ mới vào được điểm trường lẻ để dạy học. Để vượt qua quãng đường ấy, bản thân bà Bé và các đồng nghiệp phải vượt qua 4 con suối, đi qua hàng chục điểm sạt lở sau trận lũ. Khi mệt, các cô giáo lại dừng chân bên một mô đất ngả lưng rồi đi tiếp. Dù đã có thâm niên gần 20 năm dạy học ở điểm trường lẻ nhưng mùa mưa năm nay là một dấu ấn không thể nào quên được với bà Bé và đặc biệt là nhiều đồng nghiệp trẻ khác. “Như những năm trước, đến ngày khai giảng, cô trò xúng xính cờ hoa, nô nức tựu trường. Nhưng năm nay, trước giờ khai giảng, mưa lớn khiến con đường vào trường bị sạt lở, nhiều điểm tắc nghẽn, việc đi xe máy là bất khả thi, chúng tôi buộc phải đi bộ vào các điểm trường” - bà Bé chia sẻ.
Cùng “hành trình” đến trường với bà Bé, bà Lô Thị Mai - giáo viên điểm trường Mầm non Huồi Hốc cho biết: Do đường vào các điểm trường bị sạt lở, nên để vào dạy học, bà phải men theo những con đường cheo leo bên sườn núi để vượt qua chỗ sạt lở bùn, đất khó di chuyển. “Chúng tôi cách điểm trường lẻ xa nhất nên phải đi từ 7 giờ sáng đến 15 giờ chiều mới vào đến bản Huồi Hốc. Riêng các đồng nghiệp ở những điểm trường gần hơn, cũng mất 4 giờ đi bộ mới đến nơi dạy học” - bà Mai nói.
Hành trang các giáo viên mang theo là vài bộ quần áo, một ít nhu yếu phẩm cần thiết. Bởi các giáo viên xác định, với quãng đường và thời gian đi bộ lâu như thế thì không thể mang theo nhiều đồ đạc. Đặc biệt, trên đoạn đường này có những điểm sạt lở nguy hiểm khi lòng đường đã bị đất đá từ trên núi vùi lấp hết. Để đi qua, các giáo viên phải men theo con đường nhỏ cheo leo nằm sát sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút để vượt qua các chỗ bị sạt lở đến trường.
Đó cũng là cảnh ngộ của của hàng chục giáo viên 2 trường gồm Trường Mầm non Chiêu Lưu 2 và Trường Tiểu học Chiêu Lưu, xã Chiêu Lưu. Theo bà Phan Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiêu Lưu và ông Lê Quỳnh Lưu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiêu Lưu, thì có nhiều thời điểm các khe, suối bị ngập, nhiều giáo viên phải đi vòng qua rất nhiều xã khác, với quãng đường hơn 70km, phải đi hơn 3 giờ mới tới điểm trường. “Trong trận mưa lũ vừa qua, nhiều giáo viên của trường, đã phải đi bộ vượt suối vào trường. Và hiện nay chỉ vào chứ chưa thể ra, vì đường đang còn tắc” - ông Lưu cho biết thêm.
Khó khăn chồng chất
Hành trình gian nan vào trường vất vả là vậy, nhưng theo các cô, điều đó không vất vả bằng việc những dụng cụ dạy học bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Với điều kiện của nhà trường, phụ huynh vùng cao biên giới này thì đó là mất mát lớn nhất. Bởi, sau trận mưa, lũ vừa qua, theo thống kê có 6 điểm trường thuộc 2 xã Bảo Nam và Chiêu Lưu bị thiệt hại nặng. Đơn cử như tại Trường Mầm non Chiêu Lưu 2, ngôi trường Chuẩn quốc gia gần như tan hoang sau trận mưa, lũ. Cụ thể, mưa, lũ đã làm sập 50m bờ rào tường xây, 90m bờ rào thép B40, cuốn trôi và làm hư hỏng hệ thống đồ dùng dạy học, đồ chơi của các cháu; mưa, lũ rút để lại một khối lượng bùn, đất trong toàn bộ khuôn viên nhà trường…. Phải mất gần 2 ngày, chính quyền xã huy động toàn bộ cán bộ, công chức, dân quân và hàng trăm phụ huynh học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chung tay khắc phục để đón các cháu tới trường.
Hay như, tại Trường Mầm non Hữu Lập, sau trận mưa, lũ, một bức tường rào dài gần 20m đã bị đổ, toàn bộ đồ chơi, đồ dùng khu trải nghiệm của trẻ bị hư hỏng. Một số điểm trường tại bản Noọng Ó, Chà Lắn mưa, lũ làm cuốn trôi đất đá vào khuôn viên điểm trường.
Theo bà Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bảo Nam: Năm học này, mưa, lũ làm chia cắt các tuyến giao thông trong xã nên các nhà trường không tiến hành khai giảng. Dẫu biết các tuyến đường vào các điểm trường còn bị ách tắc do sạt lở nhưng không thể để học sinh không được đến trường nên các giáo viên đồng thuận, sẵn sàng vượt khó đi bộ đến các điểm trường để khắc phục hậu quả mưa, lũ sớm đón học sinh trở lại trường.
Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn sau lũ đi qua, bà Phan Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiêu Lưu cho biết: Vì học sinh, hầu như giáo viên đều vượt qua vất vả để đến trường. Nhưng, các dụng cụ dạy học bị lũ cuốn trôi, hư hỏng thì vượt quá khả năng của cô và trò, cũng như phụ huynh. Do vậy, chúng tôi mong muốn cần có sự chung tay của xã hội để các em vùng cao đỡ thiệt thòi.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Văn Thiết - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau trận mưa lũ vừa qua, nhiều điểm trường của huyện không thể khai giảng đúng thời gian, trong đó có 6 điểm trường thuộc 2 xã Bảo Nam và Chiêu Lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường vào ách tắc, bùn lầy ngập trường, đồ dùng học tập bị cuốn trôi, hư hỏng. Tuy nhiên, sau khi các điểm trường được dọn dẹp, đồng thời để ổn định trường, lớp, vận động học sinh trở lại trường nên các giáo viên tại các điểm trường đó đã đi bộ vào trường. Riêng, những thiệt hại nói trên, hiện Phòng Giáo dục đang kêu gọi, vận động toàn ngành giáo dục và các nhà hảo tâm giúp đỡ các điểm trường bị lũ cuốn trôi đồ dùng, dụng cụ giảng dạy.
Xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lũ đã làm tuyến đường giao thông liên xã, liên bản bị ách tắc, có tới 62 điểm sạt lở với khối lượng đất, đá khoảng 4.000m3. Trong đó, quãng đường từ Trường Mầm non Bảo Nam đến các điểm lẻ dài chưa tới 10km nhưng các cô giáo phải mất gần 7 giờ đồng hồ đi bộ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gian-nan-gieo-chu-vung-cao-5696682.html