Gian nan gỡ vướng đất đai

Đà Nẵng hiện còn hàng trăm dự án vướng mắc về đất đai nếu được tháo gỡ sẽ khơi thông nguồn lực phát triển khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều dự án vướng mắc còn lại được ví như những 'ca khó', việc tìm đầu ra rất gian nan. Năm 2024 thành phố thực hiện chủ đề khơi thông nguồn lực đầu tư, tăng cường kỷ cương gắn với thực hiện Chỉ thị 34 của Thành ủy về chống đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ, điều này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm rất lớn của mỗi cán bộ trong thực hiện gỡ vướng về đất đai.

* Bài 1: Mở nút thắt những dự án ngàn tỷ

Dự án Saphia của Công ty Hai Hạnh hiện đang được tháo gỡ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính.

Dự án Saphia của Công ty Hai Hạnh hiện đang được tháo gỡ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính.

Trước rất nhiều dự án vướng mắc về đất đai liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, Đà Nẵng đã phân nhóm về mức độ, thẩm quyền để tháo gỡ cho từng dự án. Nhờ vậy nhiều dự án lớn có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã được khơi thông. Những dự án còn nhiều vướng mắc, thành phố tiếp tục nỗ lực tháo gỡ từng nút thắt.

Dự án Khu khách sạn và dân cư Saphia tại phường Khuê Mỹ quận Ngũ Hành Sơn do Công ty Cổ phần TM-DV Hai Hạnh (Công ty Hai Hạnh) thực hiện trên diện tích 6,2ha, tổng vốn đầu tư 1000 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang "mắc kẹt" chưa thể triển khai tiếp tục do một phần diện tích gồm 19 lô đất ở, 3 lô đất shophouse, 1 lô đất trường mẫu giáo chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Sở dĩ tổng cộng 23 GCN này chưa được cấp vì lý do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, khu đất 6,2 ha này theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ thuộc diện phải thu hồi 10% tiền sử dụng đất đã được ưu đãi trước đây. Tổng số tiền phải thu hồi là 120 tỷ đồng. Công ty Hai Hạnh nhận chuyển nhượng lại khu đất này từ nhà đầu tư khác, vì vậy là nhà đầu tư thứ cấp, theo chủ trương của thành phố không phải nộp lại 10% tiền sử dụng đất đã ưu đãi. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ, giải quyết các thủ tục pháp lý, Công ty Hai Hạnh đã cam kết tự nguyện nộp 120 tỷ đồng này, và đã nộp vào ngân sách thành phố 60 tỷ đồng (50%).

Theo ông Chương, có một thời gian tương đối dài, để giải quyết nhanh thủ tục triển khai các dự án, thành phố cho cơ chế để nhà đầu tư tự nguyện tham gia nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất trước đó được giảm 10%. Nhà đầu tư có thể nộp tiền trực tiếp vào ngân sách hoặc có thể được ngân hàng bảo lãnh thông qua tài sản thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính. Công ty Hai Hạnh cam kết đứng tên cho nhà đầu tư sơ cấp để nộp tiền ưu đãi 10% trước đây vào ngân sách, và ngân sách thành phố ghi nhận thu với nhà đầu tư sơ cấp. Như vậy khẳng định số tiền 60 tỷ đồng Công ty Hai Hạnh đã nộp không có cơ sở trả lại. Với 60 tỷ đồng (50% còn lại) chưa nộp và hơn 40 tỷ đồng phạt chậm nộp, được ghi vào nghĩa vụ tài chính nhà nước chưa hoàn thành hơn 100 tỷ đồng, nên không có cơ sở cấp 23 GCN còn lại tại dự án.

Công ty Hai Hạnh cho rằng, mình là nhà đầu tư thứ cấp, nhận chuyển nhượng lại khu đất 6,2 ha từ nhà đầu tư sơ cấp nên không phải nộp lại số tiền 10% được ưu đãi trước đó. Do vậy, Công ty Hai Hạnh kiến nghị không nộp 60 tỷ đồng còn lại theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ, đồng thời miễn giảm khoản tiền chậm nộp hơn 40 tỷ đồng. Ông Lương Công Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, HĐND TP cho biết, hiện chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt chậm nộp số tiền hơn 40 tỷ đồng với Công ty Hai Hạnh mà cơ quan thuế xác nhận. Bởi lẽ, trước đây việc miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm 10%...thì UBND TP có văn bản hành chính, tuy nhiên hiện nay để thu nộp tiền này lại thì chưa có quyết định của UBND TP. Trên cơ sở quyết định của UBND TP về mức thu, đối tượng thu thì cơ quan thuế mới phát hành thông báo thuế, khi đó mới phát sinh ra vấn đề chậm nộp, xử phạt chậm nộp.

Ông Đặng Công Nhựt- Phó chánh Văn phòng UBND TP cho biết, hai nội dung kiến nghị của Công ty Hai Hạnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trong đó, kiến nghị không nộp 60 tỷ đồng, thành phố đã có công văn xin ý kiến Thanh tra Chính phủ từ tháng 1-2022 đến nay chưa có phản hồi. Tuy vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án, thực hiện cấp 23 GCN trong thời gian chờ đợi, Sở TN&MT đã làm việc với Công ty Hai Hạnh đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Cụ thể, Công ty Hai Hạnh thuê đơn vị tư vấn xác định giá đối với tài sản bảo đảm và có văn bản gửi Sở để có cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét việc cấp GCN sau khi Công ty phát hành chứng thư thông qua bảo lãnh ngân hàng để làm tài sản đảm bảo trong trường hợp đề nghị nộp lại số tiền hơn 100 tỷ đồng. Hiện tại Sở TN&MT chưa nhận được văn bản của Công ty Hai Hạnh về tài sản bảo đảm nêu trên nên chưa có cơ sở để xem xét, giải quyết đối với đề nghị cấp 23 GCN còn lại của dự án. Trường hợp Công ty tiếp tục cho rằng không nộp lại số tiền hơn 100 tỷ đồng hoặc không làm tài sản đảm bảo thì việc cấp GCN sẽ được thực hiện sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Không chỉ dự án của Công ty Hai Hạnh, tại Đà Nẵng còn nhiều dự án cũng vướng mắc về đất đai đã và đang được thành phố nỗ lực tháo gỡ. Trong đó, nhiều dự án đã được tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đầu tư. Đơn cử như khu đô thị Capital Square 2 (diện tích 3,2ha, tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng), khu đô thi Capital Square 3 (rộng hơn 2,9 ha, tổng vốn hơn 1,8 ngàn tỷ đồng), các khu đô thị Phú Mỹ An, Phước Lý, Bầu Mạc… Thời gian qua thành phố đã tháo gỡ vướng mắc cho 40 dự án qua đó khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60 ngàn tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, nếu tháo gỡ vướng mắc từ các dự án đang mắc kẹt bởi các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án thì Đà Nẵng sẽ khơi thông được nguồn lực phát triển ước tính tới 100 ngàn tỷ đồng.

Việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án không chỉ khơi thông nguồn lực phát triển mà còn tạo động lực, niềm tin để giữ chân nhà đầu tư cũ và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới đến với thành phố.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/gian-nan-go-vuong-dat-dai-post297920.html