Gian nan hành trình 'cõng' vaccine ngược núi
Ở những xã biên giới xa xôi, khó khăn của các tỉnh Tây Bắc, mỗi mũi vaccine đến được với người dân là rất nhiều nỗ lực của các 'chiến sĩ áo trắng'.
Mang vaccine đến tận lán nương để tiêm cho trẻ
5h sáng, khi sương mù còn phủ kín những bản làng lưng chừng núi, một thùng phích bảo quản vaccine, chiếc balo với nhiều loại vật tư y tế, cùng những túi bánh kẹo làm quà cho trẻ được buộc gọn gàng trên chiếc xe máy. Đây là hành trang lên đường đi tiêm chủng và thăm khám lưu động của các y, bác sĩ Trạm y tế xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La).
Từ trung tâm xã, đoàn y tế phải vượt qua quãng đường gần 40km, với toàn bộ là đường đất cùng những con dốc dựng đứng mới đến được Phá Thóng - điểm bản xa nhất của Mường Và. Đến nơi, cả xe và người các cán bộ y tế đã lấm lem bùn đất.
Lau giọt mồ hôi giữa tiết trời lạnh giá cuối năm, BS Nguyễn Thị Giáng Hương chia sẻ: "Trước đây, do đường xá đi lại khó khăn nên 3 tháng, cán bộ Trạm y tế xã mới lên tiêm cho bà con một lần. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, nhận thấy làm như vậy không hiệu quả nên cứ mỗi tháng, vào ngày 17 hoặc 18, các cán bộ sẽ chia nhau đến 5 bản vùng cao tiêm chủng cho người dân".
"Nhiều người sợ tiêm xong con sẽ sốt nên biết ngày nhân viên y tế chuẩn bị lên là họ cho con đi lên nương sớm lắm. Chúng tôi phải đi thật sớm, xuất phát từ mờ sáng, tới nơi may ra mới gặp được. Ở các bản đó cũng không có hiệu thuốc, nên mỗi lần lên, cán bộ y tế phải mang theo cả thuốc hạ sốt. Khi tiêm xong sẽ phát cho người dân và hướng dẫn họ cách dùng. Phải làm thế để lần sau họ còn đưa con đến tiêm", Trạm trưởng Y tế xã Mường Và tâm sự.
Tiếp hành trình đến xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nơi đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các cán bộ y tế cho biết, việc vận động bà con nơi đây tiêm vaccine là cả hành trình gian khổ. Thậm chí người dân còn "chất vấn" ngược nhân viên y tế rằng: "Tao khỏe mà, sao cán bộ bắt tao tiêm".
Y sĩ Lò Văn Nhâm, Trưởng Trạm y tế xã Xà Hồ kể: "Trước khi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, chúng tôi thực hiện rất bài bản, nhất là công tác truyền thông sâu rộng, để mọi người dân đều nắm, hiểu được lợi ích của việc tiêm. Khi chúng tôi cho đăng ký thì 100% người dân trong độ tuổi đồng ý. Thế nhưng đến ngày tiêm chỉ lác đác vài người đến.
Rút kinh nghiệm những đợt tiêm sau, cả hệ thống chính trị của xã Xà Hồ đến tận nhà dân, vận động, thuyết phục người có uy tín nhất trong bản ra tiêm. Người trong bản tận mắt nhìn thấy già bản đi tiêm về vẫn khỏe, ăn được cơm, đi làm nương rẫy bình thường thì họ mới tin tưởng ra tiêm đầy đủ".
Để thuận tiện cho người dân đến điểm tiêm đầy đủ, các cán bộ y tế còn "chiều" bà con bằng cách linh hoạt thời gian, tổ chức điểm tiêm linh động, phù hợp. Đồng bào đi làm ruộng, nương nên các điểm tiêm chủng sẽ tập trung vào sáng sớm và chiều tối. Một số người quên lịch, các cán bộ y tế lại phải mò mẫm trong đêm tới tận nhà, tận nương rẫy tiêm cho họ.
Chủ trương chung ban đầu là mỗi bản tiêm trong 1 ngày, nhưng sau nhiều đợt tiêm, cán bộ cơ sở rút kinh nghiệm, không máy móc triển khai theo kiểu cuốn chiếu. Nơi nào dễ làm trước, người nào đồng ý thì tiêm trước...
"Quên đau, quên đói, quên mệt mỏi"
Đây là tâm sự của rất nhiều y bác sĩ ở những huyện vùng cao Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé của tỉnh Điện Biên. Do địa hình đồi núi, giao thông cách trở, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên công tác tuyên truyền vận động bà con, đồng bào dân tộc thiểu số tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lớn và tiêm chủng mở rộng cho trẻ em gặp không ít khó khăn.
Để mắt thấy tai nghe, đoàn y tế của huyện Nậm Pồ cho phóng viên đi cùng đến xã biên giới Vàng Đán để triển khai công tác tiêm chủng. Do đặc thù vào ban ngày người dân đi làm nương, mà muốn tiêm cho trẻ em cũng phải được sự đồng ý của bố mẹ nên tổ công tác đã phải vận động bà con tiêm cả vào buổi tối.
21h đêm, tổ công tác men theo con đường trơn trượt đến bản Nộc Cốc 2 vận động bà con tiêm chủng. Khi có mặt tại gia đình anh Tráng A Dạ thì "cửa đóng then cài". Một cán bộ y tế đã phải liên hệ qua điện thoại, tuy nhiên, ở đầu dây bên kia, giọng anh Dạ rất dứt khoát: "Gia đình tôi đang đi làm thuê, con nhỏ đang ốm nên không tiêm được...".
Tuy nhiên, sau một hồi nghe cán bộ giải thích, vận động, vừa mềm dẻo vừa có tính thuyết phục thì anh Tráng A Dạ cũng đã đồng ý và hứa chiều hôm sau sẽ đưa con đến trạm y tế xã để được thăm khám, tư vấn và tiêm vaccine.
Tại nhiều bản làng khác, đường vào chỉ có lối mòn đi ngựa hoặc đi bộ. Lúc này dù đôi chân đau nhức nhưng vì nhiệm vụ, vì cộng đồng, những "chiến sĩ áo trắng" đã quên đau, quên đói, quên mệt mỏi. Hình ảnh đoàn y tế trên chiếc xe máy, vượt qua các ngả đường rừng núi xa xôi, đến tiêm phòng cho người dân đã lay động tâm thức nhiều người. Bà con tin tưởng thêm, rủ nhau đến tiêm chủng một cách tự giác...
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu, hành trình đưa vaccine đến Pa Vệ Sử - xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Mường Tè khiến ai chứng kiến cũng phải rưng rưng.
Xuất phát từ 4 giờ sáng khi đêm tối lẫn màn sương còn dày đặc, đoàn xe chở cán bộ y tế và vaccine nối đuôi nhau dò dẫm theo những cung đường đèo hiểm trở vừa hẹp, vừa gập ghềnh, vừa có những khúc cua nín thở. Trên đầu là những vạc đất đá dựng đứng xẻ dọc rừng, dưới bánh xe là thung lũng sâu hun hút.Đến quá 13 giờ trưa, hành trình mới đến được Pa Vệ Sử.
Pa Vệ Sử là nơi sinh sống của người La Hủ và người Mảng. Họ sống trong những căn nhà vách gỗ tạm bợ, nằm chênh vênh giữa sườn núi.
Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu chia sẻ với chúng tôi: "Nói đến y tế vùng cao, ai cũng hiểu được khó khăn của những người thầy thuốc. Nhưng với những người làm công tác y tế dự phòng thì nỗi vất vả ấy lại càng nhân lên, bởi không chỉ phải "bám, nắm" cơ sở, gắn liền với làng bản vùng sâu, vùng xa, với bà con các dân tộc thiểu số, mà mỗi khi có dịch bệnh xảy ra thì dù ở đâu, bất kể thời điểm nào, chúng tôi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ của mình".
Sự tận tâm của cán bộ tiêm chủng cũng vẫn gặp trở ngại bởi nhiều khi đến tận nhà vẫn không gặp được trẻ. Các nhân viên y tế phải đến tận lán, nương vì người dân đi làm xa nhà mang địu theo con...
"Công tác tiêm chủng như vaccine phòng bệnh sởi, viêm gan B, bệnh lao, viêm não Nhật Bản, bệnh bạch hầu... phải triển khai thường xuyên, liên tục. Nhưng do địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân đi lán, đi nương nên có khi cả đoàn leo tít lên đỉnh đồi mới tiêm được 1-2 đứa trẻ. Rồi những khi trẻ không ở nhà vì theo bố mẹ ra lán chúng tôi chờ đến đêm muộn quay lại để vận động phụ huynh tiêm chủng đúng định kỳ cho con nhỏ. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng bù lại niềm vui của chúng tôi là người dân, trẻ em vùng cao, các xã biên giới được chăm sóc sức khỏe đầy đủ như dưới xuôi", một bác sĩ khác trong đoàn rưng rưng kể chuyện.
Nói về những vất vả khi "cõng" vaccine ngược núi, các y bác sĩ cho biết, đồng bào ở các bản vùng cao đa số là người dân tộc, ít được tiếp cận với thông tin. Đôi khi không vận động được người dân đến điểm tiêm chủng, cán bộ y tế phải mang vaccine đến tận nhà hoặc tận lán nương để tiêm cho mọi người.