Gian nan hành trình tìm người chèo lái Chính phủ Pháp

Việc Thủ tướng Michel Barnier đệ đơn từ chức sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đã đẩy nước Pháp vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo lần thứ ba chỉ trong một năm. Trong bối cảnh kinh tế và chính trị bất ổn, việc tìm ra một nhà lãnh đạo đủ năng lực để chèo lái đất nước là nhiệm vụ cấp bách đối với Tổng thống Emmanuel Macron...

Khuôn mặt các ứng viên tiềm năng

Cuộc khủng hoảng lần này không phải là vấn đề đơn lẻ. Hai cuộc khủng hoảng lãnh đạo trước đó trong năm nay đã làm suy yếu sự tín nhiệm của chính phủ Macron, khi các chính sách cải cách bị phản đối kịch liệt bởi một bộ phận lớn dân chúng và Quốc hội. Tình hình này càng làm sâu sắc thêm những bất đồng trong nội bộ các phe phái chính trị.

Ông Michel Barnier, với bề dày kinh nghiệm trong vai trò Thủ tướng, đã không thể vượt qua được áp lực từ những bất mãn chính trị và kinh tế. Thất bại của ông trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm phản ánh sự chia rẽ ngày càng rõ nét giữa chính phủ và các lực lượng đối lập. Trước tình hình này, ba ứng cử viên hàng đầu được xem xét để thay thế ông Michel Barnier là Bộ trưởng Quân đội Sébastien Lecornu, lãnh đạo Đảng MoDem Francois Bayrou và cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve...

Thủ tướng Pháp Michel Barnier sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 4/12.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 4/12.

Ông Sébatien Lecornu là ứng cử viên được xem như sự tiếp nối của chính sách hiện hành. Với vai trò Bộ trưởng Quân đội, ông đã góp phần thúc đẩy cải cách quốc phòng và củng cố vị thế quân sự của Pháp trong bối cảnh căng thẳng tại châu Âu do chiến sự ở Ukraine. Ông cũng được biết đến là người có khả năng điều hành chắc chắn và luôn trung thành với các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, chính mối quan hệ mật thiết này có thể trở thành điểm yếu lớn nhất của ông. Trong bối cảnh uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron đang giảm sút nghiêm trọng, ông có thể phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ cả người dân và các phe đối lập. Thêm vào đó, việc ông thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế và đối nội có thể khiến ông gặp khó khăn khi phải đối mặt với các vấn đề đa diện đang đặt ra trước mắt.

Trong khi đó, ông Francois Bayrou mang đến hình ảnh của một chính trị gia ôn hòa và giàu kinh nghiệm. Là một nhân vật trung dung, ông được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đồng thuận trong một Quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc. Kinh nghiệm tranh cử tổng thống ba lần giúp ông hiểu rõ tâm lý cử tri và cách điều hành chiến dịch chính trị ở quy mô lớn. Tuy nhiên, ông cũng đối mặt với không ít thách thức. Tính cách trung dung của ông, mặc dù là một lợi thế để hòa giải các bên, lại có thể khiến ông gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định dứt khoát trong bối cảnh đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Ngoài ra, ông cần thuyết phục các phe đối lập mạnh mẽ rằng mình là người phù hợp để dẫn dắt Pháp trong thời kỳ khủng hoảng, một nhiệm vụ không dễ dàng trong môi trường chính trị hiện tại.

Còn ông Bernard Cazeneuve được đánh giá là lựa chọn an toàn nhất trong số các ứng cử viên. Ông từng được đánh giá cao trong nhiệm kỳ Thủ tướng nhờ khả năng đối phó hiệu quả với khủng hoảng, bao gồm các vấn đề an ninh sau loạt tấn công khủng bố vào năm 2015-2016. Kinh nghiệm điều hành của mình khiến ông trở thành biểu tượng của sự ổn định và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, việc trở lại chính trường sau một thời gian dài rút lui không phải là điều dễ dàng. Ông cần chứng minh rằng mình vẫn đủ năng lực và nhạy bén để đối phó với một bối cảnh chính trị và kinh tế phức tạp hơn rất nhiều so với thời kỳ ông nắm quyền.

Những thách thức chờ đợi “người lái đò”

Dù ứng cử viên nào được lựa chọn, thách thức trước mắt của họ là vô cùng lớn. Quốc hội Pháp đang đối mặt với áp lực thông qua ngân sách năm 2025, một nhiệm vụ không hề đơn giản khi tình trạng chia rẽ giữa các phe phái chính trị ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, sự đồng thuận cần thiết để thông qua các chính sách kinh tế đang trở thành bài toán nan giải. Các biện pháp cải cách ngân sách, bao gồm cắt giảm chi tiêu công và cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, có thể vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các đảng phái đối lập lẫn công chúng.

Lịch sử gần đây cho thấy rằng, mỗi đề xuất cải cách tài chính lớn đều dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố Paris và các thành phố lớn khác. Điều này đặt tân Thủ tướng vào thế phải cân bằng giữa sự cấp bách của cải cách và nguy cơ gây thêm bất ổn xã hội. Tình trạng nợ công gia tăng cũng là một thách thức nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ nợ công của Pháp đã vượt quá 112% GDP, cao hơn mức trung bình của khu vực đồng euro.

Báo cáo từ Moodys gần đây cảnh báo rằng nếu khủng hoảng chính trị kéo dài, khả năng hạ bậc tín nhiệm của Pháp sẽ gia tăng, kéo theo chi phí vay mượn cao hơn và áp lực lớn hơn lên ngân sách quốc gia. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các chương trình chi tiêu công mà còn tạo ra hiệu ứng domino, khiến Pháp đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng trong thị trường tài chính. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đứng trước nguy cơ bị tổn thương nặng nề do niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm.

Bên cạnh các vấn đề kinh tế, sự suy giảm uy tín nghiêm trọng của Tổng thống Emmanuel Macron càng làm tăng thêm áp lực cho tân Thủ tướng. Theo một khảo sát gần đây, có tới 64% cử tri Pháp bày tỏ mong muốn ông Emmanuel Macron từ chức. Những cuộc biểu tình chống lại ông đã trở thành một phần thường nhật trong đời sống chính trị của nước Pháp. Mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết tuyên bố sẽ hoàn thành nhiệm kỳ đến năm 2027, vị thế yếu kém của ông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và quyền lực của bất kỳ Thủ tướng nào được bổ nhiệm.

Trên trường quốc tế, vị trí của Pháp cũng đang chịu tổn thương đáng kể. Là một trong những đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), Pháp thường giữ vai trò tiên phong trong các quyết sách lớn. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị kéo dài đã làm suy giảm năng lực của Paris trong việc định hướng các chính sách của EU. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại Đức, đối tác quan trọng nhất của Pháp trong liên minh, càng khiến tình hình thêm trầm trọng. EU hiện đang đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu, từ xung đột tại Ukraine đến căng thẳng thương mại với Mỹ và Trung Quốc, cũng như nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông sắp tới. Nếu Pháp không thể duy trì sự ổn định chính trị, EU có thể mất đi một trụ cột quan trọng trong việc ứng phó với những vấn đề này.

Cuối cùng, quyết định sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ định hình tương lai chính trị của Pháp trong nhiều năm tới. Lựa chọn một tân Thủ tướng không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là phép thử đối với năng lực lãnh đạo của Tổng thống Emmanuel Macron trong việc điều hành một chính phủ đang đứng trước bờ vực khủng hoảng toàn diện.

Cả 3 ứng cử viên, mỗi người đều mang đến những tiềm năng và rủi ro riêng, nhưng sự thành công của họ phụ thuộc không chỉ vào năng lực cá nhân mà còn vào khả năng xây dựng một tầm nhìn chung cho đất nước, kết nối các lực lượng chính trị, và khôi phục niềm tin của công chúng. Trong giai đoạn đầy biến động này, bất kỳ sự thất bại nào cũng có thể đẩy nước Pháp vào một vòng xoáy bất ổn mới, với hậu quả không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia mà còn lan rộng ra toàn bộ châu Âu.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/gian-nan-hanh-trinh-tim-nguoi-cheo-lai-chinh-phu-phap-i752577/