Giang hồ cứ tưởng mình cứng cỏi

Đời tôi nổi trôi như áng mây trên bầu trời trong xanh. Nghe lãng mạn và trữ tình quá. Nhưng đó là những ngày nắng đẹp, còn mưa phùn với gió bấc lạnh lùng… nổi trôi ngồi trong lều chợ, nhờ rượu xua đi lạnh giá thì ở đó mà mây miếc với trời xanh.

Tình ôm cầm theo thuyền khác. Tôi nâng chén sầu ngâm hết chục bài thơ, khoác áo lên vai làm kiếp giang hồ vặt. Tôi đi và nhìn trăng nằm lạnh dưới đáy những dòng sông. Ở Mỹ Sơn tôi dưới, chúa Sư Tử trên đỉnh cao cùng trầm mặc nhìn âm thầm của những đền đài một thời thịnh trị. Lên đỉnh cao Sơn Trà nhìn xuống biển để thấy sương mù khuất lấp cả trăng sao. Trên tàu chợ, thuở từ Sài Gòn cập ga Hà Nội phải năm ngày đêm, tôi trà trộn với phu phen và cảm nhận được buồn vui sướng khổ của áo ôm trong hành trình kiếm sống. Đất nước sau chiến tranh rất nhiều những khó khăn vây bủa và khó khăn nên lòng người cũng bẩn chật. Tôi độc thân vui tính, bước giang hồ cũng chủ yếu kiếm sống. Không như phượt thủ ngày nay trên mô tô phân khối lớn với yên sau đủ thứ cần dùng. Phượt bằng lô-ca-chân khi dừng thì lều chợ là nhà. Ở các ga Vinh. Huế. Đà Nẵng. Nha Trang. Diêu Trì. Long Khánh… tôi thù tạc đệ huynh với các loại băng bẹ bốc xếp bằng những ngón như kể chuyện đời xưa hay vỗ thùng tụng bô-lê-rô lá cải. Giang hồ có chút tài lẻ, trừ sống tốt còn được anh lớn địa phương kính trọng, nhất là có chút võ vẻ như tôi.

Minh họa: Đỗ Phấn

Minh họa: Đỗ Phấn

Giang hồ luôn xuôi ngược bởi tâm tư luôn cô đơn. Vì sao cô đơn? Vì không ai xua được cô độc trong lòng lữ khách. Tình yêu ư? Sự diệu kỳ trong hai từ nầy khó kiếm bởi đó là duyên. Duyên mà dễ thì không ai rỗi hơi để trả lời cho câu hỏi hạnh phúc là gì. Và cứ thế tôi đi trong nắng thu màu nhớ, gió hỡi làm sao bớt lạnh lùng…

Hai mươi tám Tết tôi đến gạo trắng nước trong bởi người đẹp Tây Đô. Muốn đến ư? Nào… ta lên phà nghe dân phà hột é bánh bao xôi chiên xôi mặn cà phê thuốc lá trà đá đê ê ê ê… Hai con phà Mỹ Thuận và Cần Thơ để lại trong lòng tôi rất nhiều kỷ niệm. Giang hồ sân ga bến tàu hay phà tựu trung cũng mạnh được yếu thua và không thiếu những hiệp sĩ thấy bất bằng chẳng tha. Trên phà Cần Thơ tôi chứng kiến một trẻ trai bị anh lớn Lâm Phà xin đểu. Với tôi xin đểu hay trấn lột là làm ô danh hai chữ giang hồ bởi, giang hồ là sông dài biển rộng, là trên đỉnh cao nhìn xuống bình nguyên với tâm tư phá trùng vây bạn với kim ô. Tôi. Có chút gối lên trỏ xuống nên ngứa miệng. Thằng này là em tôi, lên Sài Gòn kiếm sống nhưng thất bại nên hẻo lắm anh trai. Lâm Phà vung xích thị uy, phản xạ tự nhiên tôi né và ra đòn. Thấy đàn anh Lâm Phà ngã ngựa em út bèn xông tới vây kẻ thù. Tôi rút trong túi áo ra một lưỡi dao cạo, loại dao cổ điển mà khi cùn, mấy ông thợ hớt tóc xoèn xoẹt trên sợi dây da. Lâm Phà và em út rút êm. Vụ việc lọt đến tai một anh cũng lớn tên Hiếu Phà.

Tôi ghé một bình dân quán gọi đĩa cơm sườn. Chưa kịp ăn Hiếu Phà đến vòng tay thi lễ cải lương tuồng đệ xin đấu với huynh vài hiệp làm quen. Tôi xin thua. Hiếu không chịu nên ra một trận. Hiếu nói huynh cứ đánh hết lực. Tôi có nằm ấp xé lịch vài năm nên tù có dạy tiên hạ thủ vi cường. Thằng trọng tài vừa phất tay tôi đã cho Hiếu một cước hết lực vào ngực. Nó huỵch ra đất bốn phút sau mới tỉnh dậy. Vậy là ra huynh đệ giang hồ.

Hiếu bày tiệc rượu đế khô đuối xin gọi tôi đại ca. Rượu vào lời ra. Tết tha hương buồn quá nên tôi ngâm vừa xa mà đã nghe lâu, hỏi thăm áo tím qua cầu có bay, ớt Đông Ba có còn cay, gạo de An Cựu độ rày còn thơm. Hỏi thăm hoa phượng bên đường, sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong, quán cơm Âm Phủ còn không, cô gì hôm ấy... lấy chồng hay chưa? Ngơ như bò đội nón, Hiếu hỏi tôi quán cơm âm phủ là sao, tôi nói quán âm phủ là nơi triều đình nhà Nguyễn Gia Long cho tử tù ăn bữa cuối cùng trước khi ra pháp trường. Những tử tù đi chết vào lúc gà chưa gọi sáng nên bữa cuối cùng tù mù dưới ngọn đèn sáp… Hiếu gật gù nghe chuyện về Huế về Quảng Nam, Đà Nẵng… rồi nó kể Cần Thơ với bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy… nhưng nếu Huế có cơm thì ở đây có bánh mì âm phủ.

Ba mươi tết Hiếu dẫn tôi đến cái nơi có bánh mì âm phủ. Trong không gian tù mù của một con hẻm. Thuở xe như con, xăng như máu nên đèn hột vịt dầu lửa là chủ đạo. Hẻm u buồn dưới vàng vọt đèn hột vịt thì hai từ âm phủ âu cũng đúng. Con hẻm bán các loại hủ tíu. Chỉ có một tóc ngang vai gọn gàng kẹp ba lá. Dưới ánh tù mù tôi ước chừng cô khoảng bốn mươi. Bánh mì của cô không trong xe như hôm nay mà trong gióng gánh. Một đầu gióng là một cù lao hừng hực lửa than, nằm trong một chiếc thúng đầy tro bếp. Cù lao như cái lẩu ngày nay với đường kính chừng bốn mươi phân nhưng, chính giữa của nó là một ống hình tròn có chiều ngang mười lăm phân, Bên ngoài vòng tròn mười lăm phân nầy là xíu mại là thịt là chả… lửa từ trong hực ra làm các món dậy mùi thơm ơi là thơm. Thơm đến nổi cầm lòng không đậu. Đầu gióng bên kia là một bao bố tời đựng bánh mì. Cô chủ lấy bánh mì thoăn thoắt mổ xẻ nhồi cho tôi một ổ. Đêm ba mươi hiu hiu gió từ sông thổi lên nghe nghe lành lạnh. Tha hương như tôi thì lạnh lắm. Lạnh vô cùng trong không gian ẩm thấp vàng vọt.

Hôm nay tôi trở lại Cần Thơ. Thủ phủ dành cho tham quan và du lịch. Tôi hỏi một người bạn tự xưng là thổ công của Tây Đô về một gánh bánh mì nổi tiếng có tên âm phủ. Thổ công nói xứ nầy làm chi có bánh mì gánh, anh nhầm với xứ nào rồi. Tôi nhìn Cần Thơ với phố phường vui cuộc sống mới lên hương. Ngậm ngùi bởi có vài nơi đã quá vãng bởi phát triển. Khi xăng dầu không còn là máu, đèn hột vịt hóa đồ cổ thì con hẻm có gánh bánh mì âm phủ hóa khói bay đi cũng là tất yếu.

Nguyễn Trí

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giang-ho-cu-tuong-minh-cung-coi-post1501457.tpo