Giang Trần Minh Thành và hành trình trở thành giám đốc quỹ đầu tư 10.000 tỷ đồng ở tuổi 25

Việc tham gia vào quỹ đầu tư khởi nghiệp được đánh giá là vô cùng mạo hiểm trong giai đoạn này nhưng Giang Trần Minh Thành vẫn quyết định dấn thân với việc từ bỏ một công việc an toàn và rất ổn định để trở thành Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ KVision (Thái Lan) tại Việt Nam.

Anh Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ KVision (Thái Lan) tại Việt Nam

Anh Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ KVision (Thái Lan) tại Việt Nam

Khởi nghiệp từ năm hai đại học, doanh thu chín chữ số

Năm 19 tuổi, khi đang học năm hai đại học, Giang Trần Minh Thành có cơ duyên gặp giáo sư đào tạo khởi nghiệp Tom Kosnik (đại học Stanford, Mỹ) và tham gia một khóa học về khởi nghiệp của ông thông qua Mạng lưới Khởi nghiệp trẻ Việt Nam (VYE). Qua sự kiện đó, Thành nhận ra niềm đam mê khởi nghiệp của bản thân cũng như tác động to lớn của công nghệ đến cuộc sống trong tương lai.

Một trong những chia sẻ trong bài học về khởi nghiệp tinh gọn khiến anh nhớ mãi: “Hãy dám ước mơ, dám thực hiện, dám dấn thân để thành công”.

Sau khi hoàn thành khóa học, anh bắt đầu bén duyên với hành trình khởi nghiệp chuyên nghiệp khi tìm thấy một mô hình kinh doanh về xây dựng thương hiệu căn hộ dịch vụ thông qua nền tảng đại lý du lịch trực tuyến (OTAs).

Cuối năm 2016, các OTAs hàng đầu quốc tế cũng chỉ vừa tham gia thị trường Việt Nam như Booking.com, Agoda, Airbnb … Lúc này, thị trường lưu trú tại Việt Nam vẫn chưa quen thuộc với việc sử dụng các OTAs để đặt phòng trực tuyến và chủ yếu vẫn dựa vào việc đặt phòng thông qua các đại lý truyền thống.

Việc đặt phòng thông qua các OTAs để giúp khách hàng so sánh giá thành lưu trú trực tuyến và lựa chọn các thương hiệu uy tín thông qua điểm đánh giá và nhận xét vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng lớn của các nền tảng đại lý du lịch trực tuyến quốc tế trong việc tiếp cận nhóm khách hàng trong nước và quốc tế, Thành nghĩ rằng mình có thể xây dựng một thương hiệu căn hộ dịch vụ cao cấp uy tín tại TP. HCM trên các nền tảng OTAs này.

Thương hiệu GEM Apartment chính thức ra đời vào cuối năm 2017 với cơ sở đầu tiên tại Quận 2, TP. HCM. Ngay từ ngày đầu, Thành đã xây dựng tiêu chuẩn căn hộ dịch vụ 3-4 sao cho thương hiệu GEM Apartment. Anh chú trọng đến các dịch vụ nhỏ nhất để đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ khách hàng cao cấp. Đồng thời, mô hình kinh doanh của GEM Apartment được khác biệt hóa bằng cách phối hợp giữa khách hàng lưu trú ngắn ngày thường đặt phòng qua các OTAs và khách hàng doanh nghiệp chủ yếu lưu trú dài ngày.

Với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ cao cấp và đạt điểm đánh giá rất cao trên các OTAs (9.2/10 trên Booking.com; Superhost trên Airbnb), GEM Apartment đã thu hút được rất nhiều chuyên gia nước ngoài của các tập đoàn hàng đầu quốc tế đến lưu trú dài hạn trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam.

Cuộc đua của các mô hình dịch vụ lưu trú mới

GEM Apartment đã nhận được giải thưởng Top Traveller Review award tại TP. HCM năm 2020, trở thành lựa chọn lưu trú hàng đầu của các chuyên gia đến từ các nước có chất lượng dịch vụ khắt khe nhất như Nhật Bản, Bỉ, Anh, Đức … Vào năm 2019, lúc cao điểm nhất trước Covid-19, startup này có ba chi nhánh tại TP. HCM và doanh thu chín con số.

Từ bỏ và dấn thân

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chương trình cử nhân tài năng của đại học Kinh tế TP.HCM, song song với việc phát triển thương hiệu căn hộ dịch vụ GEM Apartment, Thành bắt đầu tham gia vào thử sức tại bộ phận đầu tư tại các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như CJ Group, Lotte Group.

“Tôi mong muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư”, Thành cho biết.

Giai đoạn này, các tập đoàn Hàn Quốc như CJ Group, Lotte Group đều đầu tư rất mạnh tại Việt Nam với rất nhiều thương vụ mua vốn cổ phần. Việc được tham gia vào các tổ chức này đã giúp anh học hỏi được rất nhiều về quy trình đầu tư, cấu trúc thương vụ, đồng thời cách tổ chức vận hành của các doanh nghiệp lớn.

Đang có công việc ổn định với vị trí quản lý tại Lotte, đồng thời sở hữu một công ty khởi nghiệp thành công, Thành vẫn quyết định rời khỏi vùng an toàn của bản thân để tham gia vào một quỹ đầu tư khởi nghiệp chỉ vừa mới gia nhập thị trường Việt Nam.

“Năm 2019, tuy đang có một sự nghiệp ổn định, tôi vẫn luôn suy nghĩ về những điều mình muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Với đam mê về công nghệ và đầu tư, tôi mong muốn có thể đóng góp và kêu gọi vốn đầu tư nhiều hơn nữa từ các quỹ đầu tư hàng đầu để giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển vươn tầm khu vực và quốc tế”, anh nói.

Trong giai đoạn Covid-19 này, việc tham gia vào quỹ đầu tư khởi nghiệp được đánh giá là một việc làm vô cùng mạo hiểm, đặc biệt là khi từ bỏ một công việc an toàn và đang rất ổn định. Tuy nhiên, anh đón nhận nó như một cơ hội. Khi các nhà đầu tư nước ngoài không đến được Việt Nam và trào lưu khởi nghiệp bị chìm xuống, những người khởi nghiệp có khát khao và ý tưởng đột phá rất cần sự đồng hành và hỗ trợ.

Vào đầu năm 2020, Thành may mắn được gặp anh Nuthaphong, tổng giám đốc đại diện tại Việt Nam của quỹ đầu tư Kasikorn Vision (KVision). Đây là quỹ đầu tư công nghệ đến từ tổ chức tài chính hàng đầu Thái Lan KasikornBank Group (KBank) tập trung đầu tư tại thị trường Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Israel. Trong đó, Việt Nam là thị trường được tập trung đầu tư hàng đầu. KBank sẽ khai trương chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 11/2021.

Anh Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ KVision (Thái Lan) tại Việt Nam

Anh Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ KVision (Thái Lan) tại Việt Nam

Sau chín tháng trao đổi và lắng nghe chia sẻ của anh Nuthaphong về chiến lược đầu tư tại Việt Nam, Giang Trần Minh Thành quyết định tham gia vào quỹ KVision trên cương vị giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và đại diện đầu tư của quỹ này tại Việt Nam.

Thành cho biết, ấn tượng đầu tiên của anh về KBank là một tổ chức tài chính hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng với các yêu cầu rất cao về quản trị rủi ro lại có thể tham gia vào lĩnh vực đầu tư công nghệ và khởi nghiệp.

Không những vậy, KVision còn có quy mô lớn trong các quỹ đầu tư công nghệ với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD và xem Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư của quỹ. Điều này chứng tỏ được vị thế của thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Sự khác biệt thứ hai của Kvision, theo anh, là luôn tham gia đầu tư vào các công ty khởi nghiệp dưới vai trò nhà đầu tư chiến lược. Không chỉ hỗ trợ startup về vốn để phát triển, KVision còn cung cấp rất nhiều hỗ trợ cho startup thông qua các hợp tác chiến lược.

Với vị thế của tổ chức tài chính và công nghệ hàng đầu, KVision có thể hợp tác cùng startup thông qua các sản phẩm tài chính của KBank tại Việt Nam như cho vay tiêu dùng, thanh toán không tiền mặt … và giúp startup ở Việt Nam có thể đi ra được khu vực và quốc tế.

KVision đang tìm kiếm các startup trong các ngành liên quan đến việc sử dụng công nghệ phục vụ người tiêu dùng và số hóa các ngành nghề truyền thống, trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực chính: công nghệ giáo dục (EdTech), công nghệ y tế (HealthTech), công nghệ tài chính (FinTech); SaaS và công nghệ liên quan đến thuơng mại điện tử.

Giai đoạn đầu tư sẽ rất rộng mở, trải dài từ giai đoạn pre-series A đến series B, series C. Các khoản rót vốn ở vòng pre-Series A nằm trong khoảng 500.000 - 1.000.000USD tùy theo quy mô công ty. Khoản rốt vốn ở các vòng sau tối đa 5 triệu USD/công ty. Ngoài ra, đối với các khoản đầu tư chiến lược tiềm năng, KVision sẵn sàng tham gia với quy mô lớn hơn nữa.

“Tham gia vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019, hiện tại KVision đã tham gia đầu tư vào ba thương vụ tại Việt Nam và chúng tôi tự hào đều là các mega deal (thương vụ lớn) tại Việt Nam”, Thành cho biết.

Sau khi KVision rót 5 triệu USD vào Ficus Asia, quỹ đầu tư đứng sau Seedcom là công ty sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như The Coffee House, Juno, Hnoss, AhaMove,...hai bên tiếp tục công bố hợp tác chiến lược để mở rộng dịch vụ tài chính.

Sau khi KVision rót 5 triệu USD vào Ficus Asia, quỹ đầu tư đứng sau Seedcom là công ty sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như The Coffee House, Juno, Hnoss, AhaMove,...hai bên tiếp tục công bố hợp tác chiến lược để mở rộng dịch vụ tài chính.

Cuối năm 2019, KVision tham gia vào vòng huy động vốn Series C của Sendo với quy mô 61 triệu USD. Trong giai đoạn 2020-2021, KVision cũng đã tham gia đầu tư vào SeedCom và vòng huy động vốn mới nhất của KiotViet (Series B, 40 triệu USD) dù Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, với vai trò nhà đầu tư chiến lược, KVision đã cùng các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam xây dựng rất nhiều các hợp tác chiến lược, nổi bật trong số đó là chương trình hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên Sendo, Seedcom và KiotViet có thể phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo mới của KVision cho biết, quỹ này sẽ chuẩn bị hoàn tất ít nhất 2 - 3 thương vụ đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới và cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giang-tran-minh-thanh-va-hanh-trinh-tro-thanh-giam-doc-quy-dau-tu-10000-ty-dong-o-tuoi-25-1637225372641.htm