Giảng viên ẩm thực Thái Hoàng Minh Lê: 'Học nấu ăn cũng là học một kỹ năng sống'
Cô Thái Hoàng Minh Lê, cựu giảng viên của Trung tâm Dạy nghề quận 6 bén duyên với ẩm thực bằng công việc dạy nấu ăn cho học sinh phổ thông. Nghề giáo mang đến cho cô niềm vui được chia sẻ, đồng thời là cơ hội học hỏi thêm từ chính học viên của mình. Hiện cô đang giữ cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bánh Việt, trực thuộc Hiệp hội Ẩm thực TPHCM.
Cô Thái Hoàng Minh Lê (sinh năm 1965) đã gắn bó với nghề giảng dạy ẩm thực gần 40 năm. Tốt nghiệp ngành Nữ công gia chánh tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật, cô chọn chuyên ngành giảng dạy về ẩm thực theo đam mê của mình. “Ngành nữ công đào tạo nhiều nội dung từ thêu thùa, may vá, chăm sóc trẻ em, hóa thực phẩm đến nấu nướng, làm bánh. Tốt nghiệp xong, tôi lựa chọn theo chuyên ngành ẩm thực để giảng dạy vì tôi rất yêu thích nấu ăn và làm các loại bánh”, cô kể lại.
Cô bắt đầu công việc dạy nghề phổ thông cho học sinh trung học tại Trung tâm hướng nghiệp nghề quận 6 (nay là Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên quận 6). Thời điểm đó, nghề nấu ăn còn chưa rộng mở, mạng xã hội và công nghệ cũng chưa phát triển, hầu như ai muốn học nghề đều phải tìm đến các trung tâm hoặc theo học đầu bếp. Cô Minh Lê vừa đi dạy ở trường, vừa chủ động tìm đến Nhà văn hóa Phụ nữ để được dạy thêm nhiều kỹ thuật và các món ăn mới. Sinh sống trong khu vực có cộng đồng người Hoa và người Việt, cô còn chủ động tìm đến các lò bánh truyền thống để học thêm các món bánh đặc sắc Việt – Hoa.
Nhớ về những khó khăn ngày đầu đứng lớp, cô kể “Có kỷ niệm tôi nhớ nhất là thời đó cả thầy và trò đều không có nhiều thiết bị bếp hiện đại như bây giờ, cơ sở vật chất giảng dạy cũng cơ bản thô sơ. Có những hôm học làm bánh bông lan, cả lớp vẫn còn phải dùng lò gang thủ công, đốt bằng than truyền thống thời xưa, cô trò hì hục cùng nhóm bếp nướng bánh. Dù vất vả nhưng rất vui!”.
Chia sẻ thêm về việc giảng dạy nấu ăn, cô nhận định nấu nướng cũng như một kỹ năng sống, trong đó, việc nấu ăn ngon chỉ là phần nhỏ. Điều quan trọng nhất chính là kỹ năng sắp xếp, quản lý vận hành bếp một cách khoa học, sao cho thời gian nấu nướng tối ưu, bếp luôn gọn gàng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Nếu nghề đầu bếp chỉ ở trong bếp và làm món ăn ngon thì đối với tôi, nghề dạy nấu ăn cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn và mở mang kiến thức cả từ chính học trò của mình. Nhiều học viên ở nhiều ngành nghề khác nhau đến học thêm, họ cũng chia sẻ lại về những cách dạy hiện đại hơn, giúp tôi có thể làm mới bài giảng, tránh đi theo lối mòn. Và muốn dạy nấu ăn tốt thì phải có khả năng sư phạm ngành ẩm thực để học viên hiểu và thực hành tốt. Đôi lúc, một đầu bếp giỏi vẫn cần phải học thêm về kỹ năng giảng dạy”, cô nói về niềm say mê giảng dạy nấu ăn.
Bước ngoặt với nghề dạy ẩm thực của cô chính là thời điểm cô được trung tâm ngỏ lời cộng tác dạy nghề bếp cho học viên. Yêu cầu ở chương trình dạy nghề cho học sinh hoàn thành chứng chỉ khá đơn giản và không có yêu cầu cao. Trong khi nhận lời thử sức đào tạo nghề bếp chuyên nghiệp hơn đòi hỏi cô phải học nhiều hơn kỹ năng chuyên môn lẫn kiến thức kinh doanh để truyền đạt và hỗ trợ học viên kinh doanh ăn uống sau khi học. “Các em học sinh phổ thông món nào cô dạy cũng khen ngon. Nhưng khi ra món để học viên kinh doanh thì yêu cầu cao hơn, tôi phải thử đi thử lại nhiều lần. Ngoài ra, tôi cũng phải học hỏi thêm cách tiếp cận thị trường, tính toán nguyên liệu và giá thành sản phẩm; lựa chọn sản phẩm phù hợp thị trường để chia sẻ cho các bạn ra nghề bán được”, cô nói.
Đối với cô, việc nấu ăn để kinh doanh thành công không chỉ có món ăn ngon mà người bán cũng cần sự nhạy bén về thị trường. Các học viên của cô chủ yếu là người muốn có công việc làm để có thêm thu nhập. Do đó, món bánh chọn kinh doanh cũng cần phù hợp với điều kiện sản xuất để thuận tiện nhất cho người bán. Bên cạnh đó, việc một người bán thức ăn có kiến thức ẩm thực cũng là điểm cộng lớn để thu hút khách hàng bởi họ có thể giải đáp thắc mắc về thành phần nguyên liệu, cách làm và chủ động ở khâu sản xuất.
“Tôi rất vui vì nhiều lứa học viên đã ra nghề, thành công và có thu nhập với nghề chế biến món ăn, đặc biệt là các món bánh. Đối với những học viên mới làm, tôi truyền đạt lại cho họ kinh nghiệm của mình để tiếp cận thị trường khi mới bán sản phẩm lần đầu, chẳng hạn như mời bạn bè, người thân xung quanh ăn thử để họ biết tới. Bản thân tôi cũng từng là một người kinh doanh ăn uống, thấu hiểu những khó khăn nên chia sẻ được kinh nghiệm”, cô nói về niềm vui khi dạy nghề cho mọi người.
Năm 1992, thời điểm gia đình gặp nhiều khó khăn, cô Minh Lê quyết định cùng chồng mở một quán cơm nhỏ tại nhà để tăng thêm thu nhập. “Lúc đó chỉ có hai vợ chồng cùng làm, sáng sớm tôi dậy chuẩn bị món để bán, bán đến trưa nghỉ để lên trường đi dạy. Lúc đó, làm gì cũng vất vả do cũng chưa có nhiều thiết bị hỗ trợ như bây giờ”, cô kể về thời kỳ mới khởi nghiệp kinh doanh ăn uống.
Ứng dụng kỹ năng chế biến món ăn bài bản, cô gia giảm gia vị theo khẩu vị thị trường lúc đó. Cộng thêm việc nắm bắt tâm lý đối tượng khách hàng là sinh viên, người lao động nên quán cô có chương trình khuyến mãi tặng cơm thêm. Nhờ món ăn ngon miệng mà tâm lý được ăn no, quán của vợ chồng cô ngày một đông khách. Theo cô, kinh doanh ăn uống cần có sự nhạy bén thị trường và khu vực mở bán, thay đổi linh hoạt để thích nghi với thị trường ngay khi cần.
Vừa giảng dạy và đào tạo nghề bếp, cô còn tham gia làm giám khảo các cuộc thi ẩm thực tại trung tâm cũng như khu vực sinh sống. Hơn 30 năm, dù không còn đứng lớp ở trung tâm, cô vẫn dành trọn tâm huyết để truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm và chia sẻ niềm vui làm bếp với nhiều người ở các buổi workshop miễn phí.
“Hiện giờ, việc đứng lớp đối với tôi không còn là áp lực về thu nhập. Tôi chỉ có tâm niệm truyền lại hết kinh nghiệm và những gì mình biết trong suốt thời gian qua cho mọi người. Kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, tôi thuộc nằm lòng và có thể truyền đạt lại vỏn vẹn trong vòng vài giờ đồng hồ”, cựu giảng viên Thái Hoàng Minh Lê tâm huyết về sự nghiệp giảng dạy ở tuổi hưu trí.