Giảng viên bị tố gạ tình sinh viên: Có dấu hiệu hành vi 'cưỡng dâm'
'Vụ giảng viên bị tố gạ tình sinh viên có dấu hiệu của hành vi 'cưỡng dâm' nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm' - luật sư Hoàng Tùng nói.
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã tạm đình chỉ công tác giảng viên N.N.M. của trường để làm rõ thông tin giảng viên này bị tố cáo gạ tình nữ sinh viên vào khách sạn.
Nếu thầy gạ tình trò… vi phạm nghiêm trọng đạo đức Nhà giáo
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, trước đây cũng có nhiều vụ việc liên quan đến thầy giáo gạ tình nữ sinh để đổi điểm chứ không phải đến bây giờ. Nếu sự việc nam giảng viên gạ tình nữ sinh viên để đổi là có thật thì cần phải xử lý nghiêm.
“Ở đây, liên quan đến việc đánh giá về chức trách, vai trò của nhà giáo, của hệ thống giáo dục Việt Nam như thế nào. Trước hết, nếu đây là câu chuyện có thật, nam giảng viên đã vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và nhân cách nhà giáo, nếu không nói là sự băng hoại về mặt đạo đức. Đây là hành vi bị nghiêm cấm. Chức trách của người thầy là truyền thụ kiến thức và giáo dục nhân cách cho người đi học. Nhưng nam giảng viên nếu gạ tình đã không làm được điều đó mà còn vi phạm, hủy hoại nhân cách nhà giáo”- ông Nam nói.
Theo PGS.TS. Lâm Bá Nam, những người thầy giáo nếu gạ tình nữ sinh cần phải đưa ra khỏi ngành giáo dục bởi họ không xứng đáng.
“Trong trường hợp cần thiết ngoài xem xét về đạo đức, còn phải xem xét về mặt pháp luật để trừng trị để đảm bảo tính răn đe và tính công bằng về mặt xã hội. Hành vi đó không chỉ là dụ dỗ mà còn là cưỡng bức phục vụ mục đích xấu xa”- PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
PGS.TS. Lâm Bá Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang xây dựng con người mới, xây dựng đời sống văn hóa mới, việc xử lý nghiêm là cần thiết. Đồng thời, là sự cảnh tỉnh đối với môi trường sư phạm của chúng ta hiện nay khi vẫn còn xuất hiện một số khuyết tật và một số cán bộ trong ngành giáo dục sa sút về mặt nhân cách, đạo đức và vi phạm về mặt pháp luật.
Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sự việc trên đang được làm rõ tuy nhiên đã làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục, xem nhẹ mối quan hệ thầy trò, làm nghi ngờ những tiêu cực, khuất tất, bất bình đẳng trong xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy sự việc là có thật, Thanh tra giáo dục sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và cơ sở giáo dục đang quản lý giáo viên này sẽ có hình thức xử lý kỷ luật đối với thầy giáo này theo quy định của pháp luật về kỷ luật viên chức. Trường hợp thầy giáo là viên chức nhưng có vi phạm về đạo đức lối sống sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức theo quy định tại Điều 15.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, cần phải làm rõ, thầy giáo đó có phải người nhắn những tin nhắn “gạ tình” nữ sinh không? Sinh viên bị “gạ tình” đó là ai? Sự việc đi đến khách sạn đã xảy ra chưa?...
Nếu các thông tin đúng như nội dung phát tán, hành vi của thầy giáo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo và quy chế của nhà trường. Có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật (có thể là buộc thôi việc).
Hành vi gạ tình có dấu hiệu của hành vi "Cưỡng dâm" nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, những vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo Khoản 1, Điều 155 trong đó có tội vu khống, làm nhục người khác…. Do vậy, việc không xác định được người bị gạ tình sẽ không thể xử lý hình sự. Hơn nữa, đối với hành vi gạ tình nhưng chưa thực hiện quan hệ tình dục, chưa đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng dâm.
Nếu dựng chuyện bôi nhọ… cần phải xử lý nghiêm
Theo luật sư Hoàng Tùng, nếu các thông tin được phát tán là không đúng sự thật, những người chủ đích đăng, phát tán các thông tin trên là phát tán các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi của của người hoặc nhóm người này có dấu hiệu của tội "vu khống".
Luật sư Hoàng Tùng viện dẫn một số nội dung Điều 156 Bộ luật Hình sự quy định về tội "vu khống" có liên quan đến vụ việc này. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã đăng tin sai sự thật nhằm "câu view", "câu like" thì người này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nếu hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa dư luận xấu trong xã hội, người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 bộ luật hình sự năm 2015.
Nếu sự việc này là một câu chuyện do ai đó dựng lên để bôi nhọ thanh danh của một thầy giáo thì người loan tin, bịa chuyện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo điều 156 bộ luật hình sự năm 2015.
"Trường hợp là đưa tin sai sự thật, cần phải thông báo công khai và xử lý đối với người đăng tin sai sự thật. Còn trường hợp sự việc có thật thì cần phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với giáo viên đã có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo, nếu người đó không đủ tư cách đạo đức để làm thầy thì cần phải loại khỏi bộ máy giáo dục để gìn giữ thanh danh, uy tín của người thầy đã được nhiều thế hệ vun đắp qua hàng ngàn năm qua" - luật sư Cường nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Nan giải thiếu giáo viên: