Giảng viên quân đội trăn trở chất lượng thanh nhạc khi lò luyện mọc lên như nấm

'Không ít lò luyện thanh nhạc đang hoạt động theo cơ chế số tiền người học bỏ ra quyết định đến hình thức dạy học', Thiếu tá Trịnh Văn Phương chia sẻ.

Thiếu tá Trịnh Văn Phương (sinh năm 1981), hiện là giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Suốt chặng đường học tập, đào tạo thanh nhạc, thầy Phương luôn đau đáu câu hỏi làm thế nào để học viên tiếp nối và phát triển nhạc cổ điển, đồng thời giữ gìn và quảng bá nền âm nhạc dân tộc khi các lò luyện thanh nhạc hiện nay đang mọc lên như nấm.

Âm nhạc mang đến những người thầy trân quý

Thiếu tá Trịnh Văn Phương sinh ra và lớn lên trên quê hương quan họ Bắc Ninh. Từ nhỏ, thầy Phương sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Nhưng việc quyết định phát triển theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp chỉ thực sự được định hình chàng trai Trịnh Văn Phương khi ấy thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Thiếu tá Trịnh Văn Phương hiện là giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. (Ảnh: NVCC).

Thiếu tá Trịnh Văn Phương hiện là giảng viên Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. (Ảnh: NVCC).

Tốt nghiệp thanh nhạc hệ đại học của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, năm 2013, thầy Phương nhận quyết định ở lại trường làm trợ giảng. Năm 2014, thầy được cử sang Nga học thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga Gnhexin.

Sau 3 năm học thạc sĩ và 2 năm học hệ chuyên gia cao cấp về biểu diễn thanh nhạc ở xứ sở bạch dương, năm 2019, thầy Phương trở về Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội công tác ở Khoa Thanh nhạc.

"Trưởng thành trong môi trường kỷ luật quân đội, có cơ hội tiếp xúc với nền âm nhạc phát triển của nước ngoài giúp tôi rất nhiều kinh nghiệm trong lao động nghệ thuật, cũng như giảng dạy. Môi trường ấy đã tạo điều kiện cho tôi được đi học, tiếp cận nền văn hóa nghệ thuật đỉnh cao thì càng phải cố gắng hết sức để hoàn thành những kỳ vọng, nhiệm vụ mà quân đội giao phó”, thầy Phương chia sẻ.

Với 19 năm học và hoạt động nghệ thuật, âm nhạc với thầy Phương đã trở thành một phần cuộc đời, trở thành mối lương duyên cho thầy gặp gỡ những người thầy, những người bạn tri kỷ.

Thầy Phương tâm sự: “Tôi may mắn được “tầm sư” các thầy giáo trong và ngoài nước. Trong đó, 3 người thầy đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến giọng hát của tôi tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là cố Nghệ sĩ nhân dân Doãn Tần với chất giọng nam cao bay bổng, tình cảm. Thầy Bùi Gia Khánh cho tôi kỹ thuật chuyên sâu về âm nhạc cổ điển. Người thầy thứ 3 là Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Dương Minh Đức với sự lãng mạn, yêu đời, phóng khoáng trong tiếng hát. Đặc biệt, thầy đã chỉ cho tôi hướng đi trong nghệ thuật ra sao, cống hiến như thế nào cho đất nước và quân đội để xứng đáng là người nghệ sĩ mang quân hàm xanh.

Đến nước Nga, Nghệ sĩ nhân dân Nikolai Nikolaievich Maibroda là người thầy đã giúp tôi khắc phục những thiếu sót của bản thân để hoàn thiện hơn trong thanh nhạc".

Thiếu tá Trịnh Văn Phương cùng Nghệ sĩ Nhân dân Nikolai Nikolaievich Maibroda của Nga. (Ảnh: NVCC).

Thiếu tá Trịnh Văn Phương cùng Nghệ sĩ Nhân dân Nikolai Nikolaievich Maibroda của Nga. (Ảnh: NVCC).

Dạy học là cách giữ gìn dòng nhạc cổ điển

Theo đuổi dòng nhạc cổ điển, thầy Phương chia sẻ: “Học nhạc cổ điển đã khó, để phát triển dòng nhạc này lại càng khó hơn. Làm cho nhạc cổ điển đến gần với khán giả, thu hút người học thì cần phải đổi mới cách thể hiện các ca khúc.

Dòng nhạc cổ điển ở Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây không được chuộng bằng nhạc nhẹ. Học và lao động với âm nhạc cổ điển vất vả, nhưng một khi đã hợp và đam mê rồi thì người nghệ sĩ sẽ gắn bó như hơi thở. Với tôi, tôi luôn mong muốn truyền những kiến thức, sự đam mê của mình cho học trò”.

Thầy Phương luôn đau đáu về việc làm thế nào để truyền dạy kĩ thuật thanh nhạc tốt nhất cho học viên, sinh viên vì thầy quan niệm: kiến thức là phải cho đi mới tồn tại mãi.

"Tôi cho rằng, không quan trọng là phân biệt dòng nhạc gì, mà quan trọng là hát như thế nào để người nghe cảm nhận trọn vẹn tác phẩm”, thầy Phương nói.

Thầy Phương ấn tượng mãi câu chuyện về một học sinh người Việt ở nước ngoài, vì một lần xem thầy biểu diễn mà mong muốn theo học hát tiếng quê hương.

“Em học sinh đó là người gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Nga. Lúc tôi còn học tập, nghiên cứu ở Nga, trong một lần xem tôi biểu diễn, em rất muốn được tôi dạy hát tiếng Việt. Tôi đồng ý, và sau một thời gian ngắn đứng lớp, 2 em ruột của em học sinh ấy thấy chị học nên cũng thích các tác phẩm âm nhạc tiếng Việt và muốn học theo.

Tốt nghiệp lớp 12, dự định ban đầu của em học sinh này là sang Thụy Sĩ học ngành quản trị khách sạn, nhà hàng, nhưng em đã thi đỗ học bổng của một trường đào tạo âm nhạc ở Mỹ. Vì yêu thích âm nhạc nên em ấy quyết định theo học ngành học này và hiện đang là sinh viên năm 2.

Lúc em theo học tôi, bố của em có chia sẻ rằng: các con của anh không thích học tiếng Việt nhưng đến khi gặp tôi thì cả 3 chị em đều say sưa, nghiêm túc học hát tiếng Việt. Câu chuyện đó khiến tôi vững tin rằng, âm nhạc có sức mạnh truyền cảm hứng, kết nối con người. Và việc tôi dạy nhạc bằng tiếng Việt cũng góp phần gìn giữ tiếng Việt, nhạc Việt", Thiếu tá Trịnh Văn Phương chia sẻ.

Trăn trở của người chiến sĩ – nghệ sĩ làm công tác đào tạo thanh nhạc

Nhiều năm đứng trên bục giảng, thầy Phương luôn trăn trở chất lượng dạy và học thanh nhạc hiện nay, khi đang có hiện tượng mọc lên như nấm các lò luyện thanh nhạc với lời quảng cáo chỉ vài ba tháng là trở thành ca sĩ.

“Tôi nhận thấy, chất lượng dạy và học thanh nhạc hiện nay có biểu hiện đi xuống. Thời trước, theo học sư phạm âm nhạc được dạy rất kỹ, học từ những điều rất nhỏ, những kỹ thuật được chỉ dẫn tỉ mỉ, nghiêm túc, cần thời gian rèn luyện lâu dài. Nhưng bây giờ, dường như việc dạy và học thanh nhạc đang bị cuốn theo cơ chế thị trường. Đặc biệt ở các bạn trẻ với biểu hiện rõ nhất là đốt cháy giai đoạn, thiếu kiên trì, tâm huyết nửa vời, không thực sự nghiêm túc vì nghệ thuật.

Nguyên nhân là do, dưới tác động của kinh tế thị trường, cơm áo gạo tiền chi phối, thậm chí không vượt qua được những cám dỗ thì cả người dạy và người học đều sẽ ít nhiều không coi trọng việc rèn nghề, làm nghệ thuật mà chỉ dừng lại ở mức đào tạo nhàng nhàng, thiếu điểm nhấn.

Hơn nữa, công nghệ ngày càng phát triển, ca sĩ, nghệ sĩ có thể không cần phải cố gắng quá nhiều để hát hay. Vì hát không hay thì có thể sử dụng phòng thu và công nghệ điều chỉnh để giọng hát hoàn hảo hơn

Càng nhìn lại chặng đường âm nhạc mà thế hệ đi trước đã dày công xây dựng với giọng hát hay, ca từ đẹp, cống hiến hết mình với nghệ thuật tôi lại càng cảm thấy tiếc nuối và trăn trở với một bộ phận đang đào tạo hời hợt theo thị trường hiện nay”, thầy Phương trăn trở.

"Tôi mong những lò luyện thanh nhạc lúc nào cũng đầy ắp người học nhưng chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Việc xuất hiện nhan nhản lò luyện thanh nhạc với lời mời chào hấp dẫn chỉ cần vài ba tháng là có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ… là biểu hiện của chạy theo thị trường.

Dạy thanh nhạc mà lớp quá đông thì làm sao có thể thấy hết được tiềm năng của học trò? Có buồn cũng phải nói, không ít lò luyện thanh nhạc đang hoạt động theo cơ chế số tiền người học bỏ ra quyết định đến việc dạy học ra sao. Số tiền càng nhiều thì lớp càng ít học viên và ngược lại”, thầy Phương trăn trở.

Theo thầy Phương, không kiến thức nào giá trị bằng kiến thức có được từ trải nghiệm thực tiễn. Không chỉ chú tâm vào giảng dạy, mỗi giảng viên nên coi việc thường xuyên thực hành chuyên môn để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, truyền dạy cho học trò.

"Lao động nghệ thuật phải là lao động nghiêm túc. Người thầy dạy thanh nhạc còn phải là tấm gương về chuẩn mực đạo đức. Với những người trong môi trường văn hóa nghệ thuật quân đội như chúng tôi, chúng tôi đồng thời là chiến sĩ - nghệ sĩ. Ở vai trò làm thầy càng phải giữ được chuẩn mực đạo đức, nghiêm túc trong lao động và giảng dạy nghệ thuật", thầy Trịnh Văn Phương chia sẻ.

Dù chuyên sâu về âm nhạc cổ điển, thầy Phương cũng là người luôn yêu âm nhạc dân tộc. Trong quá trình lao động nghệ thuật và giảng dạy âm nhạc của mình, thầy Phương luôn quan niệm, không phân biệt dòng nhạc gì, điều quan trọng đối với những nghệ sĩ - chiến sĩ là làm sao quảng bá được hình ảnh của đất nước, dân tộc qua những ca khúc, trong đó có những ca khúc là truyền thống của quê hương và quân đội. Thầy cũng luôn tâm niệm về việc phải có trách nhiệm để đưa âm nhạc truyền thống của Việt Nam phổ biến hơn với những người trẻ.

"Mỗi tác phẩm âm nhạc phải mang tính chất giáo dục sâu sắc, có ý nghĩa và làm tâm hồn con người tươi đẹp hơn. Người thầy dạy nhạc luôn gìn giữ và phát triển văn hóa âm nhạc sẽ là tiêu chí để học viên, sinh viên, học sinh noi theo, học tập tốt hơn, nghiêm túc hơn”, thầy Phương nhận xét.

Thiếu tá Trịnh Văn Phương từng đạt các giải thưởng âm nhạc tại nước Nga như:

Giải Nhất tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế lần thứ 5 năm 2016 mang tên "Giọng hát sáng như bạc";

Giải Nhất tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế năm 2017 với tên gọi "Chúng ta hát".

Năm 2020, giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại Army Games.

Năm 2021, tiếp tục tại Army Games, thầy Phương giành giải Nhất ở mảng hát tiếng Nga với bài hát "Người bán hàng rong".

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giang-vien-quan-doi-tran-tro-chat-luong-thanh-nhac-khi-lo-luyen-moc-len-nhu-nam-post232878.gd