Giảng viên Trường ĐH Cần Thơ góp ý xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo

Ngày 20/6, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại diện Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và Trường ĐH Cần Thơ chủ trì thảo luận.

Đại diện Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và Trường ĐH Cần Thơ chủ trì thảo luận.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã xác định đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, với 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Hiện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên trên cả nước.

GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Trường ĐH Cần Thơ với mục tiêu xây dựng và phát triển theo định hướng một cơ sở giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, đào tạo giáo viên là một bộ phận quan trọng nhất của nhà trường.

Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Cần Thơ đã góp phần đào tạo hơn 50 ngàn nhà giáo phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Hiện đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy tại các trường THPT là cựu sinh viên nhà trường chiếm gần 70% tại vùng ĐBSCL.

Tại hội thảo, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đại diện Ban soạn thảo đã thông tin về quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, các chính sách và điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thông tin về dự án Luật Nhà giáo.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thông tin về dự án Luật Nhà giáo.

Theo đó, Luật Nhà giáo có mục tiêu tạo cơ chế trong việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất nhà giáo. Luật có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; chính sách đào tạo, phát triển nhà giáo thành nguồn nhân lực chất lượng cao… cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Đồng thời, Luật sẽ là hành lang pháp lý nâng cao chất lượng, khẳng định vị thế nhà giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế; tạo cơ chế thuận lợi cho nhà giáo ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.

PGS.TS Trần Văn Minh - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ trao đổi tại hội thảo.

PGS.TS Trần Văn Minh - Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ trao đổi tại hội thảo.

Các giảng viên, cán bộ Trường ĐH Cần Thơ đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh quy định về định danh nhà giáo, chứng chỉ hành nghề giáo viên, quy định về bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo… Có nhiều ý kiến quan tâm đề xuất những vấn đề liên quan chứng chỉ hành nghề như: thời hạn cấp chứng chỉ, sự tương thích giữa chứng chỉ hành nghề của Việt Nam với khu vực và quốc tế, việc cấp chứng chỉ với đối tượng thỉnh giảng, giáo viên gián đoạn thời gian công tác trong ngành...

Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên nhà trường cũng góp ý kiến xung quanh các quy định, nội dung về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên; quyền, trách nhiệm của nhà giáo; lương của nhà giáo để đảm bảo nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề; điều khoản thi hành liên quan đến việc áp dụng Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục ĐH…

Các ý kiến góp ý tại hội thảo đã được Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo tiếp thu để nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện phù hợp.

Thành Thật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giang-vien-truong-dh-can-tho-gop-y-xay-dung-du-thao-luat-nha-giao-post688333.html